Ngày 30/8, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo quốc gia, với chủ đề: "Nghị quyết 18/NQ-TW/2022 và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật Đất đai".
Tại hội thảo, TS. Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 8 điểm mới cơ bản, trong đó có những nội dung như: nâng cao chất lượng quy hoạch, định hướng quy hoạch bám theo hướng tuyến giao thông; sử dụng cả hai hình thức đấu giá và đấu thầu; tách giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng thành 2 dự án riêng; bỏ khung giá đất; xây dựng cơ chế điều tiết hợp lý nguồn thu từ đất…
Tiêu chí thị trường để xác định giá đất: Rất nhiều quan điểm khác nhau
Theo TS. Mai Văn Phấn, hiện tại Ban soạn thảo đưa ra cơ chế nguyên tắc để xác định giá đất theo thị trường, nhưng vấn đề tiêu chí thị trường đang có rất nhiều quan điểm khác nhau.
Thực tế giao dịch đất đai ở Việt Nam phần lớn là phi chính thức, nên cơ sở dữ liệu, nhất là về giá, chưa làm được đầy đủ. Do đó, rất khó có cơ sở xác định các yếu tố đầu vào để tính toán mức giá thị trường.
TS. Mai Văn Phấn cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bám sát 5 quan điểm cơ bản. Thứ nhất là các nghị quyết của Đảng chính là cơ sở để thể chế hóa.
Thứ hai là việc sửa luật lần này cố gắng giải quyết triệt để tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các pháp luật liên quan đến đất đai. Qua rà soát, Tổng cục Quản lý đất đai ước tính có gần 100 quy định liên quan đến đất đai, do đó rất khó cho việc tổ chức thực hiện.
"Cùng một mảnh đất, mà rất nhiều luật chồng lên. Quan điểm là cố gắng giải quyết bài toán này, để tổ chức thực hiện luật mới suôn sẻ", TS Mai Văn Phấn cho hay.
Sửa Luật Đất đai: Cố gắng phân cấp gần như triệt để cho địa phương
Quan điểm thứ ba là cố gắng phân cấp gần như triệt để cho các địa phương. Cơ quan trung ương là cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra giám sát, cơ quan địa phương là nơi tổ chức thực hiện.
Bốn là thực hiện tiến bộ, công bằng, định hướng xã hội chủ nghĩa, giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, trong đó mục tiêu được ưu tiên là quyền lợi của người dân.
Quan điểm thứ năm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo ra công cụ để triệt tiêu những tiêu cực trong việc người dân, doanh nghiệp tiếp cận đất đai, trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai được đặc biệt chú trọng./.
Theo CTTĐTCP