Đồng chí Thongloun Sisoulith, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào, phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Bá Thành/TTXVN
- Kính thưa: Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cùng Đoàn Việt Nam
- Kính thưa: Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Lào và Việt Nam
- Các đồng chí và các bạn thân mến
- Thưa bà con nhân dân Thủ đô Viêng chăn và toàn thể đồng bào thân mến
Hôm nay, hai Đảng - hai nhà nước Lào - Việt Nam đã đồng thời cùng nhau tổ chức chính thức Lễ mít-tinh trọng thể chào mừng Năm Đoàn kết Hữu nghị Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào tại Lào và Việt Nam nhằm kỷ niệm 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác và 60 năm Ngày thiết lập quan hệ Ngoại giao Lào-Việt Nam.
Nhân dịp có ý nghĩa trọng đại này, thay mặt Đảng- Nhà nước và nhân dân Lào trên cả nước tôi xin nhiệt liệt chào mừng, chúc mừng và chân thành cảm ơn đoàn đại biểu cấp cao của Đảng – Nhà nước Việt Nam do đồng chí Võ Văn Thương, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam làm Trưởng đoàn đã mang đến cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào chúng tôi những tình cảm thủy chung, trong sáng, thân thiết và thắm tình đồng chí anh em.
Các đồng chí, các bạn và nhân dân Lào thân mến,
Tại buổi lễ trang nghiêm và có ý nghĩa lịch sử hôm nay, chúng ta càng tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc tới Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Suphanouvong muôn vàn kính yêu, những người đã gây dựng và là tấm gương trong sáng trong việc nâng niu, vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc Lào-Việt Nam chúng ta ngày càng bền chặt và không ngừng phát triển cho đến ngày nay.
Các đồng chí, đồng bào thân mến,
Như chúng ta đã biết, Lào – Việt Nam là hai nước láng giềng, có núi liền núi, sông liền sông có chung đường biên giới tự nhiên kéo dài, nhân dân hai nước không chỉ cùng chung sống hòa bình mà còn đã từng cùng đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, đô hộ; đấu tranh anh dũng bất khuất kiên cường chống lại chính quyền đế quốc và chế độ phong kiến, giành lại quyền làm chủ của nhân dân, thoát ra khỏi ách thống trị của chế độ thực dân và phong kiến quân phiệt nhằm giải phóng đất nước của mình.
Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tập hợp mọi tầng lớp nhân dân yêu nước, thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào năm 1930 nhằm lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân 3 nước Đông Dương, sự nghiệp đấu tranh của nhân Lào-Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới, với chiến lược và chiến thuật phù hợp với tình hình và đặc điểm của hai nước, có thể giành chiến thắng từng bước tiến tới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945. Sự kiện lịch sử đó đã trở thành niềm động viên to lớn và mở ra cơ hội cho việc tuyên bố độc lập tại Lào vào ngày 12/10/1945. Nhưng một năm sau đó bọn thực dân kiểu cũ đã quay trở lại xâm lược hai nước chúng ta một lần nữa. Hai nước đã thống nhất thành lập liên quân Lào- Việt Nam nhằm cùng nhau tiến hành sự nghiệp đấu tranh quyết liệt chống kẻ thù chung và đã giành được thắng lợi liên tiếp. Sự kiện nổi bật nhất và trở thành bước ngoặt lịch sử đó là chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, buộc bọn thực dân kiểu cũ phải đặt bút ký Hiệp định Geneva về Đông Đương năm 1954, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Đông Dương. Với sự liên minh chiến đấu, giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau nói trên đã giúp cho phong trào Cách mạng tại Lào phát triển từng bước và ngày càng mở rộng, tạo điều kiện cho việc thành lập Đảng Nhân dân Lào vào ngày 22/3/1955, do chủ tịch Kaysone Phomvihane là người đứng đầu trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng tại Lào.
Sau khi Hiệp định Geneva năm 1962 được ký kết, mở ra một chương mới của cách mạng hai nước. Ở Lào, trước thời cơ mới, chính phủ liên hiệp 3 bên được thành lập. Qua quá trình đấu tranh và thúc đẩy của lực lượng mặt trận Lào yêu nước trong chính phủ liên hiệp mới có thể chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao giữa vương quốc Lào với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 5/9/1962. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, xuất phát từ phối hợp đấu tranh trên mặt trận chính trị, ngoại giao kết hợp với việc đấu tranh quân sự trên chiến trường của lực lượng cách mạng hai nước Lào – Việt Nam.
Tôi muốn nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Vương quốc Lào và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 5/9/1962, dẫn tới việc thành lập Đại sứ quán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Hà Nội đã bổ nhiệm đồng chí Lê Văn Hiên là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại thủ đô Viêng Chăn. Đó thực sự là sự kiện lịch sử quan trọng và là bước ngoặt mới của thắng lợi trên mặt trận ngoại giao của lực lượng cách mạng của hai Đảng, hai nước vì trước đó tại thủ đô Viêng Chăn chỉ có Đại sứ quán của chính quyền bù nhìn Sài Gòn. Phe Viêng Chăn và phương Tây không công nhận chính phủ nào của Việt Nam ngoài chính phủ bù nhìn Sài Gòn. Nhưng cuối cùng sự kiện lịch sử nói trên cũng đã xảy ra, từ sức mạnh tổng hợp của phong trào cách mạng hai nước, không có thế lực nào có thể phá vỡ được. Trước sự lớn mạnh không ngừng của lực lượng cách mạng hai nước, thế lực thù địch đã tăng cường sự tàn nhẫn, độc ác nhằm đàn áp và chống phá chính phủ liên hiệp, tàn phá lực lượng cách mạng, dẫn đến việc ám sát ông Quinim Pholsena, Bộ trưởng Ngoại giao của chính phủ liên hiệp 3 bên vào ngày 1/4/1963. Trước đó, năm 1959, phe Viêng Chăn cũng đã bắt giam các đồng chí lãnh đạo của mặt trận Lào yêu nước tại nhà từ Phôn Keeng. Trong thời gian đó, lực lượng cách mạng tại Lào rơi vào tình trạng hết sức nguy kịch, nhưng với đường lối đấu tranh kiên quyết, sắc bén và sáng suốt kết hợp với sự liên minh chiến đấu vững chắc Lào – Việt Nam, Đảng ta đã có thể xoay chuyển tình thế biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, khơi dậy phong trào cách mạng ngày càng mở rộng và mở mặt trận quân sự đi đôi với mặt trận chính trị, ngoại giao một cách mạnh mẽ, làm cho cách mạng Lào và Việt Nam không ngừng tiến lên, có thế chống chọi, hóa giải được mọi âm mưu của kẻ thù, đưa cách mạng hai nước từ chiến thắng này đến chiến thắng khác, liên tục dồn dập cho đến khi tiến tới thắng lợi hoàn toàn và hai nước cùng bước và giai đoạn mới của công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước.
Đồng chí Thongloun Sisoulith, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào, phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Bá Thành/TTXVN
Các đồng chí và các bạn thân mến,
Sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, hai nước có điều kiện thuận lợi hơn trong việc phát huy mối quan hệ đặc biệt Lào – Việt Nam, trên tinh thần tình đoàn kết và liên minh chiến đấu vốn là truyền thống linh thiêng của hai dân tộc Lào – Việt Nam và nhằm đảm bảo cho mối quan hệ Lào – Việt Nam phát triển toàn diện, đi vào chiều sâu, hai Đảng- hai Nhà nước Lào - Việt Nam đã thống nhất ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ngày 18/7/1977 giữa đồng chí Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào nhân dịp chuyến thăm chính thức CHDCND Lào của Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng – Nhà nước Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn đầu. Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào – Việt Nam đã tạo cơ sở, nền tảng cho việc tăng cường quan hệ hợp tác trong thời kỳ mới phù hợp với quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế. Tại điều 01 của Hiệp ước đã ghi rõ: “Hai bên cam kết ra sức bảo vệ và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, không ngừng tăng cường tình đoàn kết và tin cậy lẫn nhau, sự hợp tác lâu dài và giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt trên tinh thần của chủ nghĩa quốc tế vô sản và theo nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”. Đó là sự khẳng định và phản ánh rõ nét về nguyện vọng của nhân dân hai nước về việc tiếp tục bảo vệ thành quả của cách mạng, mong muốn tiếp tục phát triển và nâng cấp mối quan hệ Lào – Việt Nam độc nhất vô nhị ngày càng đi vào chiều sâu, vì lợi ích của nhân dân hai nước và đồng thời đóng góp vào việc củng cố hòa bình, an ninh trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Các đồng chí và các bạn thân mến,
Đảng Nhân dân Cách mạng Lào cũng như các lực lượng tiến bộ trên thế giới đều coi phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc suốt mấy chục năm tại Lào và cách mạng Lào là một phần không thể tách rời của cách mạng Đông Dương và cách mạng thế giới, mối quan hệ giữa cách mạng của nhân dân Lào và cách mạng của nhân dân Việt Nam và Campuchia là mối quan hệ đặc biệt được gây dựng xuất phát từ mối quan hệ lịch sử, địa lý và tình cảm cách mạng đặc biệt, tồn tại trên mảnh đất liền nhau của bản đảo Đông Dương, nhân dân 3 nước có chung cảnh ngộ, đối mặt với cùng mối nguy họa, nước mất nhà tan và có chung một kẻ thù. Mối quan hệ đó đã biến thành sức mạnh đoàn kết liên minh chiến đấu giữa nhân dân 3 nước Đông Dương, trong đó liên minh chiến đấu giữa cách mạng Lào và cách mạng việt Nam, giữa nhân dân Lào với nhân dân Việt Nam càng đặc biệt và hiếm có, vì đó không chỉ là liên minh chiến đấu được gây dựng trên cơ sở của mối quan hệ đặc biệt, mà còn là liên minh chiến đấu có ý nghĩa quyết định sự tồn tại và phát triển của hai dân tộc. Việc gìn giữ và phát triển tình hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện mà hai Đảng – hai nhà nước đã thống nhất với nhau sẽ đưa hai nước phát triển ổn định, phồn vinh thịnh vượng tiến lên chủ nghĩa xã hội trong tương lai.
Khi nói đến quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam, Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã phát biểu tại Đại hội lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 15/12/1976 đã khẳng định rằng:“Trong lịch sử cách mạng thế giới cũng đã có những tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài, toàn diện đến như vậy”.
Các đồng chí và các bạn thân mến,
Ngay sau khi giải phóng hoàn toàn đất nước năm 1975, đất nước Lào chúng tôi bước vào thời kỳ mới, thời kỳ hòa bình, độc lập, thống nhất, tự do, tái thiết đất nước và phát triển tiến lên xã hội chủ nghĩa. Với những điều kiện mới, mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Lào-Việt Nam càng được tăng cường, là mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước có chủ quyền, quyền tự quyết cao.
Việc ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác đến hôm nay là vừa tròn 45 năm, 45 năm kế thừa và phát triển truyền thống liên minh chiến đấu, tinh thần thủy chung, trong sáng đồng chí anh em, và tính đến nay, hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao đúng 60 năm, việc hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao là cơ sở quan trọng trong việc tăng cường phối hợp toàn diện giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước Lào-Việt Nam, qua đó gìn giữ truyền thống, thúc đẩy phát triển hợp tác, góp phần quan trọng vào việc tạo dựng môi trường hòa bình, hợp tác, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhanh chóng và khó lường, cộng với chiến lược diễn biến hòa bình và nguy cơ cách mạng màu của các thế lực thù địch với âm mưu phá hoại tình đoàn kết đặc biệt đã được xây dựng từ bao xương máu, mồ hôi của các chiến sĩ hai nước, mối quan hệ đã được tôi luyện với biết bao thử thách trong thời kỳ đấu tranh giải phóng đất nước cũng như xây dựng và phát triển đất nước hàng chục năm qua. Chúng tôi thấy rằng hơn lúc nào hết chúng ta cần tiếp tục gìn giữ và phát triển mối quan hệ hữu nghị trong sáng Lào-Việt Nam ngày càng vững chắc, tươi đẹp, trở thành di sản cho các thế hệ mai sau. Giữ gìn mối quan hệ là trách nhiệm và nghĩa vụ vĩ đại của chúng ta, đáp lại sự hi sinh vĩ đại và mục tiêu vững mạnh của tổ tiên chúng ta.
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay, hai nước chúng ta cần quan tâm, thúc đẩy tuyên truyền trong toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là thanh niên hai nước về lịch sử, truyền thống quan hệ hai nước Lào-Việt Nam, chủ động đấu tranh, phòng chống luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, tăng cường sức mạnh đoàn kết hai dân tộc, sẵn sàng đối phó và đánh bại các âm mưu phá hoại của lực lượng xấu, cùng nhau gánh vác sứ mệnh lịch sử và bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng và phát triển đất nước tiến lên mục tiêu xã hội chủ nghĩa, giữ gìn mối quan hệ đặc biệt Lào – Việt Nam mãi mãi bền vững.
Toàn cảnh buổi lễ mít tinh kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Lào - Việt Nam. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Thưa các đồng chí và các bạn thân mến,
Trong việc phát động phong trào kỷ niệm 2 ngày lịch sử trong năm đoàn kết hữu nghị Lào – Việt Nam và Việt Nam - Lào năm nay, chúng ta có thể cảm nhận được sự hăng hái, nhiệt tình tham gia của nhân dân Lào, nhân dân Việt Nam tại hai nước chúng ta, thể hiện sinh động qua biết bao nhiêu bài hát, bài thơ, bài sáng tác, bài xã luận, bài nói chuyện có nội dung sâu sắc, dạt dào tình cảm, bổ sung lắp đầy cho các bài hát, bài sáng tác đã tồn tại mấy chục năm, là sự thể hiện cảm tưởng về tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt hiếm có của hai Đảng- hai Nhà nước và nhân dân hai nước đã, điều này thể hiện một cách sinh động từ phần sâu thẳm của tâm hồn của nhân dân chúng ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đồng khởi xướng và đặt nền móng cho tình hữu nghị, liên minh chiến đấu và đoàn kết đặc biệt Lào – Việt Nam và Việt Nam Lào đã sáng tác câu thơ bất hủ:
“Thương nhau mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.
Việt-Lào hai nước chúng ta,
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”
Chủ tịch Kaysone Phomvihane có câu nói nổi tiếng là: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt Nam sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.
Chủ tịch Suphanouvong cũng có câu nói sâu sắc đánh giá về quan hệ Lào-Việt Nam nhân dịp thăm Việt Nam năm 1971: “Tình hữu nghị Lào-Việt Nam cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, sáng hơn trăng rằm, ngát thơm hơn đóa hoa nào thơm nhất”.
Trong giai đoạn mới, mặc dù tình hình thế giới và khu vực biến đổi nhanh chóng, phức tạp và gây tác động to lớn đối với tất cả các nước trên thế giới, nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân các dân tộc Lào vô cùng vui mừng phấn khởi trước những thành tựu về nhiều mặt mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em đã đạt được trong những năm qua, đã xây dựng nền tảng vững chắc và tạo đà mới cho sự nghiệp phát triển Việt Nam trở thành nước hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Những thành công đó là bài học quý báu đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước. Đồng thời, là niềm cổ vũ động viên lớn lao đối với nhân dân Lào trong nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước của mình. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người dẫn đầu và kế thừa tư tưởng và sự nghiệp vĩ đại của chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam sẽ đạt được mọi mục tiêu đã đề ra.
Xin chúc các đồng chí Việt Nam tiếp tục gặt hái được những thành tựu to lớn hơn nước trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng.
Nhân dịp trọng đại này, thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân các dân tộc Lào, chúng tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn chân thành và biết ơn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em đã luôn dành cho Lào sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu, kịp thời và có hiệu quả trong suốt thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước của chúng tôi hiện nay.
Đảng – Nhà nước và nhân dân Lào luôn kiên quyết và sẽ cùng với các đồng chí Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống làm cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào – Việt Nam mãi mãi trường tồn, tăng cường và nâng cấp sự hợp tác trong các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước.
Tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào – Việt Nam, Việt Nam – Lào mãi mãi xanh tươi đời đời bền vững.
Sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Kaysone Phomvihane kính yêu sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!
Xin trân trọng cảm ơn!
Theo baotintuc.vn