Với định hướng phát triển kinh tế Hải Phòng bám sát vào 3 trụ cột chính gồm: Công nghiệp công nghệ, cảng biển – logistics, du lịch – thương mại, Hải Phòng nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết hợp hài hòa, tạo thuận lợi và động lực phát triển chung cho toàn bộ nền kinh tế thành phố.
CHÚ TRỌNG XÂY DỰNG HẠ TẦNG CÔNG NGHIỆP
Ngành công nghiệp Hải Phòng hiện chiếm 49% tỷ trọng cơ cấu kinh tế của thành phố, với định hướng phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, trong đó trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ, thu hút đầu tư các dự án năng lượng sử dụng công nghệ 4.0… Do đó, quyết sách đầu tư cho hạ tầng và giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp được Hải Phòng đặc biệt chú trọng.
Cụ thể, trong năm 2023 Hải Phòng sẽ triển khai dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tiên Thanh với nguồn lực huy động đầu tư gần 4.600 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng.
Hải Phòng cũng đặt mục tiêu hoàn thành thủ tục thành lập 4 khu công nghiệp mới gồm khu công nghiệp Nam Tràng Cát, khu công nghiệp Thủy Nguyên, khu công nghiệp Tràng Duệ và khu công nghiệp Giang Biên 2.
Đồng thời, Hải Phòng cũng sẽ tập trung giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu công nghiệp Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, khu công nghiệp Nam Đình Vũ khu 1, khu 2, khu công nghiệp VSIP, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, hoàn thành cơ bản dự án đầu tư xây dựng tuyến đê lấn biển Nam Đình Vũ. Triển khai các thủ tục đầu tư khu công nghiệp Vinh Quang (Tiên Lãng), khu công nghiệp An Hòa (Vĩnh Bảo) và khu công nghiệp Tân Trào…
PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG CẢNG BIỂN - LOGISTICS
Bám sát mục tiêu triển khai thực hiện Nghị quyết số 02- NQ/TV về phát triển các hoạt động dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến 2045.
Trong năm 2023, Hải Phòng sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ Dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3, 4, 5, 6 thuộc Cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng. Xúc tiến thu hút các nhà đầu tư xây dựng khu dịch vụ logistics cấp quốc gia, xây dựng các bến tiếp theo thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.
Cùng với đó, Thành phố sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mạng lưới đường ven biển, các tuyến đường nối từ cầu Lạng Am đến đường bộ ven biển; tuyến đường nối Tỉnh lộ 354 qua Khu công nghiệp Kiến Thụy đến đường bộ ven biển tại xã Đoạn Xá, huyện Kiến Thụy; Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP. Hải Phòng từ đường 353 đến cầu Thái Bình; Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 2 đoạn tuyến Tân Vũ – Hưng Đạo – đường Bùi Viện với tổng mức đầu tư gần 7.500 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân và cải tạo mở rộng đường tỉnh 352 với nguồn lực gần 1.400 tỷ đồng...
ĐẦU TƯ HẠ TẦNG HÀNH CHÍNH, DU LỊCH, THƯƠNG MẠI
Nằm trong kế hoạch phát triển mở rộng đô thị, tạo đà phát triển thương mại, dịch vụ du lịch, đầu quý 1/2023 Hải Phòng sẽ khởi công Dự án Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm với khu Trung tâm hành chính có tổng mức đầu tư lên đến 10.000 tỷ đồng. Dự kiến đến quý 4/2025, các cơ quan đầu não của Hải Phòng sẽ dịch chuyển và chính thức hoạt động tại đây.
Với kỳ vọng, trong tương lai nơi này sẽ là Trung tâm hành chính lớn nhất, đẳng cấp và đắt giá nhất Việt Nam cùng với hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, với hàng loạt các công trình trọng điểm sẽ biến Hải Phòng thành đại đô thị năng động, thịnh vượng tại khu vực phía Bắc Hải Phòng.
Cũng nằm trong chủ trương tạo thuận lợi đánh thức tiềm năng phát triển du lịch, năm 2023 Hải Phòng sẽ triển khai một số dự án trọng điểm sử dụng vốn ngoài ngân sách như: Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách số 2 Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi và Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hàng hóa Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi với nguồn vốn huy động hơn 2.400 tỷ đồng; Dự án sân Golf Ruby Tree với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng…
Thực tế, với kế hoạch triển khai như trên, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cũng thừa nhận rằng những chỉ tiêu về phát triển kinh tế của Hải Phòng năm nay được đặt ở mức khá cao.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng, đó là yêu cầu bắt buộc, là sự tăng tốc cần phải có để Thành phố không bị lỡ nhịp tăng trưởng cao liên tục, việc Hải Phòng lập kỷ lục năm 2022 khi lần đầu thu ngân sách vượt mốc 100.000 tỷ đồng có thể coi là bệ đỡ cho sự phát triển của Thành phố trong năm 2023.
“Những dự án trọng điểm được Hải Phòng có kế hoạch triển khai ngay từ những ngày đầu năm 2023 sẽ là những yếu tố thuận lợi, thúc đẩy các nhà đầu tư trong và nước ngoài quan tâm tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư đến với Hải Phòng. Hy vọng trong thời gian tới, kinh tế Hải Phòng sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 12,7% - 13% so với năm 2022, đạt được con số thu hút FDI từ 2,0 - 2,5 tỷ USD”, ông Tùng chia sẻ.
Theo Vneconomy