Khu công nghiệp Đồng Văn 4, huyện Kim Bảng (Hà Nam).
Hà Nam đã và đang tập trung cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, bình đẳng và cạnh tranh, phù hợp thị trường, phù hợp xu thế hội nhập quốc tế; thay đổi từ tư duy, cách tiếp cận, tổ chức xúc tiến đầu tư và nghiên cứu ban hành các cơ chế chính sách thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy các dòng vốn vào tỉnh một cách tích cực, hài hòa, hợp lý, khoa học và hiệu quả.
Thời gian qua, trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch Covid-19, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Hà Nam cơ bản giữ được ổn định và có bước phát triển. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 tăng trưởng 8,85% và 6 tháng đầu năm 2022 tăng 9,24% (xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố trong cả nước).
Khu công nghiệp Đồng Văn, thị xã Duy Tiên (Hà Nam).
Năm 2021, tỉnh Hà Nam đã thu hút được 50 dự án và điều chỉnh vốn đầu tư 39 dự án với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh FDI gần 600 triệu USD và gần 13.000 tỷ đồng (xếp trong tốp 15 tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài) và 7 tháng đầu năm 2022 đã thu hút 35 dự án, điều chỉnh vốn đầu tư 33 dự án với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh gần 325 triệu USD và gần 8.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, tỉnh Hà Nam đạt 63,28 điểm, xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố. Với điểm số này, tỉnh Hà Nam đã giảm 0,19 điểm và tụt 12 bậc so với năm 2020, xếp thứ 9/11 tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng và không đạt mục tiêu, kỳ vọng đã đề ra.
Để cải thiện, nâng cao thứ hạng chỉ số PCI trong năm 2022 và các năm tiếp theo, tỉnh Hà Nam yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, các nhiệm vụ, giải pháp như:
Nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Người đứng đầu các cấp, các ngành phải năng động, tiên phong thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch để các nhà đầu tư và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thường xuyên rà soát, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của địa phương, đồng thời tích cực chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp, cải cách hành chính trên môi trường điện tử nhằm tiết kiệm chi phí và giảm thời gian đi lại cho người dân và doanh nghiệp;
Sử dụng có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia; đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức đối thoại, xử lý, tháo gỡ kịp thời vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp.
Tỉnh đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện có hiệu quả chương trình trợ giúp pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch trong đó chú trọng việc công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, nhất là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, định hướng thu hút đầu tư...;
Tỉnh thường xuyên rà soát, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tiếp cận và áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư bảo đảm bình đẳng giữa các doanh nghiệp, nhất là các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai; thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Mục tiêu năm 2022, Hà Nam tiếp tục duy trì và phát huy những chỉ số thành phần tăng điểm, quyết liệt cải thiện những chỉ số thành phần giảm điểm và có thứ hạng thấp; phấn đấu đưa chỉ số PCI của tỉnh tăng từ 8-12 bậc so với năm 2021.
Song song với các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, tỉnh Hà Nam tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính về cấp phép kinh doanh có điều kiện, hạn chế tối đa việc doanh nghiệp phải chi trả những chi phí không chính thức; tiếp tục giảm thiểu gánh nặng thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra xây dựng, lao động; nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, cải thiện chất lượng nguồn lao động, nhất là lao động có trình độ, kỹ thuật cao; tăng cường hiệu quả thực thi các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong khuôn khổ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục quan tâm đến các giải pháp tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp…
Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục tạo môi trường bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực giữa các thành phần doanh nghiệp, nhà đầu tư; nâng cao hiệu quả, tính minh bạch làm cơ sở thu hút nhà đầu tư, gắn với hợp tác, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm với các doanh nghiệp của tỉnh, góp phần chung sức xây dựng cộng đồng doanh nghiệp tỉnh ngày càng phát triển.
Theo nhandan.vn