Trong những năm qua, quy mô nền kinh tế của thành phố không ngừng được mở rộng, luôn duy trì vị trí thứ hai trong vùng đồng bằng sông Hồng, sau Thủ đô Hà Nội. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) theo giá hiện hành năm 2021 đạt 315,7 nghìn tỷ đồng, gấp 14,8 lần so với năm 2005; GRDP so với GDP cả nước chiếm từ 3,6% năm 2005 đã tăng lên 4,4% vào năm 2020.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 tổ chức tại Hải Phòng
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của thành phố luôn đạt ở mức cao, giai đoạn 2005-2019 bình quân tăng 10,8%/năm, gấp 1,6 lần bình quân chung cả nước. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tăng trưởng GRDP thành phố năm 2020 tuy thấp hơn so với giai đoạn trước nhưng là mức tăng trưởng dẫn đầu cả nước và dẫn đầu vùng đồng bằng sông Hồng.
Cơ cấu ngành kinh tế thành phố chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa. Tỷ trọng giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ và công nghiệp - xây dựng tăng mạnh từ 84,91% năm 2005 lên 90,21% năm 2021.
Cơ cấu kinh tế theo thành phần cũng chuyển dịch tích cực, giảm tỷ trọng kinh tế nhà nước, tăng khu vực kinh tế ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong GRDP. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển, tỷ trọng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong khu vực nông, lâm, thủy sản trong khi tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác của thành phố đạt được kết quả cao trong giai đoạn 2005-2021:
Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 gấp 11,6 lần năm 2005. Trong đó, thu nội địa năm 2021 gấp 14,3 lần năm 2005.
Chi ngân sách thành phố được đổi mới cơ cấu theo hướng tăng dần tỷ lệ chi đầu tư phát triển, giảm dần tỷ lệ chi thường xuyên. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân giai đoạn 2005-2021 đạt 44%.
GRDP bình quân đầu người năm 2021 (theo giá hiện hành) đạt 152,34 triệu đồng/người, gấp 12,6 lần năm 2005.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 (theo giá hiện hành) đạt 62,39 triệu đồng/người/năm, gấp 1,22 lần bình quân chung cả nước và gấp 1,02 lần bình quân vùng đồng bằng sông Hồng đứng thứ 3 trong vùng, sau Thủ đô Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh .
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2021 gấp 12,7 lần năm 2005; chiếm 5,57% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của cả nước, bằng 51,07% GRDP thành phố.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021 gấp 32,3 lần năm 2005. Hải Phòng đứng thứ 5 cả nước về kim ngạch xuất khẩu (sau Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên), đứng thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng.
Năng suất tổng hợp các nhân tố bình quân của thành phố (TFP) năm 2015 đạt 32,04%, năm 2021 đạt 41%.
Xây dựng nông thôn mới (NTM) được đẩy mạnh với nhiều cách làm mới, sáng tạo, mang tính thiết thực và hiệu quả. Năm 2019, 100% số xã (137/137 xã) hoàn thành xây dựng xã NTM, hoàn thành mục tiêu đề ra trước 01 năm so với kế hoạch; từ năm 2020, thành phố tích cực triển khai xây dựng xã NTM kiểu mẫu với tiêu chí tiếp cận đô thị. Thành phố có huyện Cát Hải được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2019; 04 huyện đã được Hội đồng thẩm định Trung ương thẩm định các tiêu chí huyện NTM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện các trình tự, thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận và 02 huyện đang hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022.
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia từng giai đoạn đã giảm mạnh, từ 10,26% năm 2005 xuống còn 0,2% năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố qua các năm thấp hơn nhiều so với bình quân chung cả nước và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Năm 2021, trên địa bàn thành phố Hải Phòng không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt được nhiều kết quả nổi bật, an sinh xã hội được thành phố quan tâm với mức năm sau cao hơn năm trước.
Tình hình chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, khu vực biên giới, biển đảo được giữ vững.
Đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố phải kể đến sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp với vai trò chủ lực trong nền kinh tế, từng bước đưa Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, một trong những trung tâm công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao trên cả nước.
Công nghiệp của thành phố phát triển vượt bậc cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vững vai trò chủ đạo trong sản xuất công nghiệp với giá trị tăng thêm tăng liên tục từ 26,9% năm 2005 lên 43,02% năm 2021.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) các năm 2019-2021 đều tăng so với năm trước, năm 2021 IIP Hải Phòng đứng thứ 5 cả nước và thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng.
Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố luôn đạt mức cao, năm 2021 chiếm 95,2%.
Năng suất lao động ngành công nghiệp năm 2021 gấp 1,5 lần năm 2005 .
Hiện nay, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải nằm trong nhóm 05 Khu kinh tế trọng điểm quốc gia và 25 Khu công nghiệp (KCN) nằm trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó 13 khu với 17 dự án phát triển hạ tầng KCN đã được triển khai.
Trong 16 năm (2005-2021), thu hút đầu tư nước ngoài trong các KCN, khu kinh tế đạt 21,33 tỷ USD, gấp 28,5 lần so với kết quả thu hút đầu tư từ khi thành lập các KCN đến hết năm 2005; thu hút đầu tư trong nước trong KCN đạt 296.773 tỷ đồng; thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, đầu tư vào các lĩnh vực chế tạo, với nhiều dự án trên dưới 1 tỷ USD như dự án của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đầu tư trên 06 tỷ USD vào Tổ hợp nhà máy sản xuất linh kiện điện tử hiện đại, có giá trị thương mại cao. Năm 2017 Dự án sản xuất ô tô Vinfast của Tập đoàn Vingroup đầu tư vào Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với tổng vốn đầu tư đăng ký là 175.000 tỷ đồng.
Khu vực đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng. Tỷ trọng đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài trong GRDP thành phố tăng từ 15,4% năm 2005 lên 29,13% năm 2021.
Từ 2005-2021, thành phố phát triển thêm 4 cụm công nghiệp, nâng tổng số cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố lên 7 cụm với tổng diện tích đất theo quy hoạch là 250 ha, thu hút 84 dự án đầu tư trong nước và nước ngoài; tổng số vốn đăng ký của các dự án là 8.327,83 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật đạt 83%.
Cơ cấu các ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, hiện đại, giảm dần tỷ trọng lao động trong các ngành sử dụng nhiều lao động nhưng có giá trị gia tăng thấp, ngành tiêu thụ nhiều năng lượng, nhiên liệu, như: sản xuất giầy dép, đóng tàu, vật liệu xây dựng, sản xuất kim loại... tăng dần tỷ trọng lao động trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, như sản xuất hàng điện tử, điện gia dụng, máy móc thiết bị...
Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao trong giá trị sản xuất và trong GRDP công nghiệp ngày càng tăng qua các năm. Trong đó, ngành sản xuất điện tử - tin học năm 2005 chiếm tỷ trọng 1,17% giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố đã tăng lên 8,66% trong năm 2015 và 45,68% trong năm 2020.
Trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn chiếm tỷ trọng cao nhất
Khu vực kinh tế ngoài nhà nước tập trung vào các ngành sản xuất như: nước mắm, may mặc, nhựa, quạt điện, đóng tàu, giày dép, ô tô, mô tô.
Khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng thấp trong giá trị sản xuất công nghiệp với các ngành sản xuất như: bia các loại, thuốc lá, phân bón, xi măng, ắc quy, đóng tàu, nhiệt điện.
Nhiều ngành công nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tự động hóa trong sản xuất, như các ngành: sản phẩm điện tử, điện lạnh; xi măng, cơ khí, đóng tàu, luyện cán thép, may mặc, hóa chất, cao su - nhựa, sản xuất bia…, nhất là trong các dự án FDI. Sản phẩm do công nghệ cao tạo ra có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường đang dần được cải thiện; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2021 đã đạt 50%.
Trong thời gian qua, hệ thống giao thông kết nối bên ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quan tâm đầu tư, góp phần phát huy hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, tạo ra hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng có giá trị lâu dài.
Đến hết năm 2021, thành phố có 7.627 km đường bộ, tăng 4,1 lần so với năm 2005 ; 145 cầu, tăng 1,8 lần so với năm 2005. Nhiều công trình giao thông có vai trò liên kết vùng, khu vực đã hoàn thành: đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Hải Phòng - Hạ Long; đường và cầu ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện; cải tạo nâng cấp QL10, QL5 đoạn qua địa bàn thành phố, cầu Quang Thanh (nối huyện An Lão, thành phố Hải Phòng và huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương), cầu Dinh (nối huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng và thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), cầu Sông Hóa (nối huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng và huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình); đang triển khai xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng và 9km trên địa bàn tỉnh Thái Bình; cầu Bến Rừng (khởi công ngày 13/5/2022) và cầu Lại Xuân kết nối với tỉnh Quảng Ninh...
Cùng với hệ thống đường thủy nội địa, đường sắt, cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, hệ thống hạ tầng cảng biển (trong đó có cảng nước sâu quốc tế Lạch Huyện) đã góp phần thúc đẩy công nghiệp thành phố phát triển mạnh mẽ.
Quy mô sản xuất công nghiệp được mở rộng; tăng trưởng cao và chuyển dịch cơ cấu tích cực. Xuất hiện nhiều ngành sản xuất công nghiệp mới.
Trình độ công nghệ, năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp được cải thiện, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi sản xuất trong nước, một số ngành có đóng góp tích cực, giữ vai trò đầu tàu trong cả nước và vùng. Nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp trước mắt đáp ứng được về cơ bản. Trình độ, kỹ năng và tác phong công nghiệp của người lao động dần được nâng lên. Thị trường lao động đã hình thành, từng bước phát triển thành cầu nối giữa cung và cầu lao động.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 05/8/2003 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; ngày 24/01/2019, Bộ Chính trị đã tổng kết thực hiện và ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngay sau đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Chương trình hành động số 76-CTr/TU ngày 08/7/2019 về thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, với mục tiêu xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; đến năm 2025, thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030, trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; tầm nhìn đến năm 2045: Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ cao trong nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu: Đến năm 2025, thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại;… tạo nền tảng vững chắc để trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á vào năm 2030. Đồng thời xác định nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 03 trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển – logistics, du lịch – thương mại.
Để cụ thể hóa các định hướng, mục tiêu, giải pháp phát triển công nghiệp thành phố, năm 2022, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã tiến hành sơ kết, ban hành Thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về sơ kết thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 19/10/2017 về phát triển công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; trong đó có bổ khuyết các quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển công nghiệp thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cho phù hợp với Nghị quyết số 45-NQ/TW, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, quan điểm phát triển mạnh công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, trụ cột chính của tăng trưởng kinh tế thành phố với trọng tâm là phát triển công nghiệp công nghệ cao; với mục tiêu đến năm 2025, Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, trọng tâm là ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường; đến năm 2030, Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.
Hải Phòng đã đề ra một số giải pháp chủ yếu để phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu phát triển công nghiệp thành phố đến năm 2025, đến năm 2030; cụ thể như sau:
Thứ nhất, tập trung cao nguồn lực, nghiên cứu ban hành một số chính sách của thành phố để khuyến khích phát triển công nghiệp như: chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ; chính sách về phát triển các khu, cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp; chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp; chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ; chính sách tài chính, tín dụng, hỗ trợ từ ngân sách thành phố để phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên và các doanh nghiệp tiềm năng xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương. Khuyến khích, hỗ trợ việc chuyển đổi từ khu công nghiệp thông thường sang khu công nghiệp sinh thái hoặc xây dựng mới các khu công nghiệp sinh thái. Ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D).
Thứ hai, cơ cấu lại ngành công nghiệp bảo đảm tính chủ động, toàn diện và linh hoạt của nền kinh tế: duy trì và phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế của thành phố. Chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới (công nghiệp bảo quản, chế biến sản phẩm từ nông nghiệp, công nghiệp sinh học, duy trì và phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp). Đẩy nhanh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp có hàm lượng khoa học, công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh, tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời sẵn sàng tham gia vào chuỗi sản xuất công nghiệp quốc phòng khi có nhu cầu. Phát triển công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh. Gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp. Phát huy hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp, khu công nghiệp công nghệ cao, cụm công nghiệp.
Thứ ba, tập trung phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp: tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh các thủ tục đầu tư các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch. Dành quỹ đất để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. Đặc biệt là tập trung phát triển nhà ở cho công nhân nhằm thu hút lao động, đặc biệt đối với lao động chất lượng cao từ nơi khác đến.
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới thiết bị công nghệ. Thúc đẩy công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn, tăng trưởng nhanh và bền vững, góp phần đưa Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ năm, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong công nghiệp: xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, hình thành hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của Nhà nước và doanh nghiệp.
Cẩm Tú
(tổng hợp từ Kỷ yếu Hội thảo Khoa học
Phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển vùng Đồng bằng sông Hồng
đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045)