Theo ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, Thành phố Hải Phòng có lịch sử phát triển công nghiệp cảng biển lâu đời nên có kinh nghiệm trong việc phát triển công nghiệp và kinh nghiệm ứng xử với tác động tiêu cực do chính hoạt động sản xuất công nghiệp đem lại. Lãnh đạo và nhân dân TP Hải Phòng cũng đã chủ động xây dựng chiến lược để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững từ rất sớm.
Theo đó, Hải Phòng cũng rất chủ động lựa chọn thu hút đầu tư. “Thành phố cũng có danh mục khuyến khích đầu tư và những dự án không khuyến khích đầu tư, đặc biệt những dự án có nguy cơ ô nhiễm không có cơ hội vào Hải Phòng”, ông Hải khẳng định. Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng cũng cho biết, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn không còn là lựa chọn mà là xu hướng tất yếu.
QUY MÔ VÀ KHỐI LƯỢNG HỆ SINH THÁI KHU CÔNG NGHIỆP XANH ĐÃ ĐỦ LỚN
Theo ông Hải, Hải Phòng cũng tập trung hỗ trợ các điều kiện để cùng các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu đi đầu trong tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn trong giai đoạn hiện nay. Thành phố cũng đang phối hợp với UNIDO (Thuỵ Sĩ) tiến hành chuyển đổi các Khu công nghiệp thành khu công nghiệp sinh thái.
“Hải Phòng cũng xác định và định vị là thành phố đi đầu và dẫn dắt cả vùng trong tăng trưởng xanh. Hải Phòng hiện nay có điều kiện chuyển hướng về tăng trưởng xanh do quy mô và khối lượng các hệ sinh thái khu công nghiệp thành phố Hải Phòng đã đủ lớn để tận dụng được lợi thế để triển khai”, ông Hải khẳng định.
Ngày 02/12/2023, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Quy hoạch đưa ra 06 quan điểm phát triển, trong đó, thành phố tập trung phát triển một số lĩnh vực khoa học, công nghệ hiện đại, nhất là lĩnh vực kinh tế biển để Hải Phòng thực sự đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước; sớm trở thành thành phố có công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số; trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế; Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, trước hết là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối thông suốt cảng biển với các các vùng nội địa, làm cơ sở cho việc phát triển mạnh dịch vụ logistics và hạ tầng phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.
Hải Phòng cũng đang nghiên cứu cứu thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng bảo đảm cân đối, hài hoà giữa lợi ích kinh tế và yêu cầu xanh, bền vững.
KỲ VỌNG THU HÚT CÁC DÒNG VỐN ĐẦU TƯ THẾ HỆ MỚI, CÓ CHẤT LƯỢNG
Theo ông Bùi Tiến Phong, Phó Giám đốc Sở Kế Hoạch - Đầu tư Hải Phòng, năm 2024 Hải Phòng xây dựng kế hoạch thu hút FDI 2-2,5 tỷ USD. Trong đó, quý I năm 2024, Hải Phòng thu hút được 253 triệu USD, đạt 12% so kế hoạch.
“Hải Phòng là một trong những địa phương rất tích cực thực hiện chiến lược về tăng trưởng xanh. Các chỉ số tăng trưởng xanh VCCI công bố đánh giá trên 5 chỉ số thành phần thì Hải Phòng cơ bản nằm trong top 5 các địa phương tốt nhất”, ông Phong cho biết. Hiện nay, Hải Phòng cũng là một trong 3 địa phương được Bộ Kế hoạch & Đầu tư lựa chọn để xây dựng địa phương điểm để xây dựng kế hoạch phát triển xanh của toàn quốc.
Tuy nhiên, hành trình tiến tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của Hải Phòng cũng đối mặt với nhiều thách thức. Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng cho biết, Hải Phòng rất mong muốn được hợp tác với các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư có chất lượng để tiếp tục giải quyết hiệu quả bài toán và hoàn chỉnh mô hình tăng trưởng xanh.
"Chúng tôi luôn chào đón các tư vấn và hợp tác kỹ thuật có chất lượng quốc tế và dòng đầu tư thế hệ mới đến với Hải Phòng. Thành phố cũng đang chuẩn bị các điều kiện để khai thác hiệu quả các dòng đầu tư này", ông Hải chia sẻ.
Theo Vneconomy