Hình ảnh minh họa
Giai đoạn trước năm 2010, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Quảng Ninh chưa đủ sức hấp dẫn, thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức, doanh nghiệp lớn, đủ mạnh trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển. Hạ tầng giao thông đường bộ, hạ tầng điện chưa được đầu tư đồng bộ. Hạ tầng thủy lợi, ứng phó biến đổi khí hậu còn chưa đáp ứng được với thay đổi do mưa bão, thủy triều dâng, hệ thống đê biển. Hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế được tỉnh quan tâm đầu tư song còn thiếu cơ chế chính sách để phát triển. Hạ tầng thương mại, du lịch còn manh mún. Hạ tầng văn hóa, thông tin, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách chưa đạt hiệu quả như mong muốn; tình trạng mất cân đối giữa nhu cầu đầu tư và nguồn lực còn rất lớn.
Từ việc nhận thức được những hạn chế, Quảng Ninh đã từng bước chuyển đổi phương thức đầu tư, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, xác định ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội làm đòn bẩy để phát triển nhanh, bền vững.
Trên cơ sở đường lối, chủ trương của Trung ương, xuất phát từ thực tiễn Quảng Ninh để vận dụng sáng tạo, định hình tư duy phát triển của tỉnh theo phương châm “tầm nhìn toàn cầu, hành động địa phương”. Việc hoạch định chủ trương, chiến lược tạo đột phá trong phát triển bắt đầu từ việc nhận diện đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh, giá trị riêng biệt, nổi trội của tỉnh; mà ở đó, có cả những yếu tố “thiên tạo” như Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, vùng mỏ (than), địa chất, địa mạo; có những yếu tố “nhân tạo”, như di sản Yên Tử gắn với Phật phái Trúc Lâm, mạng lưới di tích lịch sử - văn hóa, Thương cảng Vân Đồn; có những yếu tố thuộc về cốt cách, con người Quảng Ninh, nhất là truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” của Vùng Mỏ anh hùng - cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam.
Nhận thức, định dạng đầy đủ các mâu thuẫn, thách thức để tìm cách hóa giải, biến thách thức thành cơ hội, định hình phương thức phát triển mới. Đó là các mâu thuẫn, như giữa nhu cầu giải phóng các nguồn lực, phát huy các tiềm năng, thế mạnh và không gian phát triển rộng lớn với thực trạng của một số thể chế, cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; giữa khai thác than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển công nghiệp với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn; giữa đổi mới hệ thống chính trị chưa tương xứng, phù hợp với đổi mới kinh tế và tình hình thực tiễn đang diễn ra; giữa vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ khu vực biên giới; giữa phát triển bền vững với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống; giữa đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa với phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái; giữa tăng trưởng kinh tế nhanh đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Xác lập tầm nhìn dài hạn trong tính liên thông với các kế hoạch trung hạn, ngắn hạn, gắn với xây dựng quy hoạch đồng bộ để làm cơ sở thực hiện mục tiêu. Luôn xác định, xây dựng Quy hoạch tổng thể và cải cách hành chính là nền tảng phát triển bền vững; là công cụ quản lý của Nhà nước; là phương tiện giám sát của nhân dân; là niềm tin lựa chọn điểm đến của nhà đầu tư và doanh nghiệp. Quy hoạch phải bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất giữa quy hoạch chung với quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, phải có định hướng, tầm nhìn chiến lược với sự tham gia của các nhà tư vấn hàng đầu quốc tế; công khai, minh bạch làm căn cứ thực hiện và tổ chức để nhân dân giám sát, xóa bỏ “tư duy nhiệm kỳ”. Kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá”.
Đặc biệt chú trọng đổi mới cơ chế để khai thông các điểm nghẽn, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực với phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu; lấy “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để nâng cao hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và xã hội hóa; ngân sách tập trung cho an sinh xã hội và các công trình có tính chất động lực lan tỏa.
Nhận diện, đánh giá đúng tình hình để đưa ra các quyết sách phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Kiên trì đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, dựa vào ba trụ cột là thiên nhiên, con người, văn hóa; kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bám sát các đột phá chiến lược được nêu ra tại Đại hội XI và Đại hội XII của Đảng, ưu tiên triển khai đột phá chiến lược về đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể, thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng, nội vùng. Với quan điểm “Giao thông đi trước một bước”, tỉnh Quảng Ninh đổi mới phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực bằng cách “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”. Trên cơ sở đó, hệ thống kết cấu hạ tầng được đẩy nhanh xây dựng, hiện đại hóa đã thúc đẩy liên kết vùng, hợp tác hóa lãnh thổ, tạo nên những hành lang, không gian phát triển mới, được tính toán, cân nhắc với kiến tạo cảnh quan - kiến trúc công trình mang dấu ấn bản sắc địa phương để phục vụ cho phát triển du lịch và tăng cường năng lực đối trọng xuyên biên giới.
Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển đô thị với phát triển nông thôn; giữa phát triển dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp; giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, đặc biệt tại khu vực biên giới trên bộ, trên biển. Tính gắn kết đó được thể hiện trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, từng bước đi, chính sách của địa phương.
Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy vai trò to lớn của nhân dân tích cực tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh. Chủ động cung cấp thông tin một cách đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch về tình hình kinh tế - xã hội và các chủ trương, chính sách trong chỉ đạo, điều hành thông qua nhiều hình thức để nhân dân biết, giám sát; kịp thời phản bác thông tin sai lệch, định hướng thông tin dư luận đúng đắn. Người đứng đầu các cấp phải tăng cường đối thoại, tiếp công dân, tiếp thu và giải quyết các kiến nghị, phản ánh chính đáng của nhân dân.
Nhờ sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, nỗ lực vượt bậc của các cấp, ngành, Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng, cụ thể như:
- Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn duy trì ở mức cao hơn so với bình quân của Vùng và cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005 - 2020 đạt 10,12%/năm. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng đạt 10,05%, đứng thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng. Năm 2021 mặc dù bị tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, song tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn duy trì tăng trưởng 2 con số, đạt 10,28% (đứng thứ 2 cả nước, sau Hải Phòng). Quy mô của nền kinh tế tăng nhanh, đến năm 2021 quy mô GRDP đạt 238.186 tỷ đồng, gấp 19 lần so với năm 2005 (12.633 tỷ đồng), đứng thứ 3 vùng Đồng bằng Sông Hồng (sau Hà Nội, Hải Phòng) và đóng góp 9,3% vào tổng quy mô nền kinh tế của Vùng.
- Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, dịch vụ, du lịch, văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục... có bước phát triển đột phá theo hướng đồng bộ, hiện đại: đi đầu thực hiện thành công phương thức huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; huy động được nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế, trở thành giải pháp đột phá để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Là địa phương duy nhất trong cả nước huy động tư nhân đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, đường cao tốc thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế (Vốn nhà nước tham gia chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng và hỗ trợ các công trình phụ trợ, trung bình cứ 01 đồng ngân sách bỏ ra huy động được 8 - 9 đồng vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư vào Quảng Ninh). Tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2005-2020 là 119.082 tỷ đồng, tăng bình quân 20,7%/năm; đến nay, đã đầu tư hoàn thành gần 100 km đường cao tốc và đang tập trung hoàn thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái với tổng chiều dài trên 80 km (dự kiến đưa vào khai thác đồng bộ toàn tuyến trong tháng 8/2022); nâng cấp, cải tạo 130,3 km quốc lộ; làm mới và nâng cấp 65,7 km đường tỉnh; cải tạo, làm mới 743,6 km đường huyện, đường đô thị và 2.440,9 km2 đường giao thông nông thôn, miền núi. Trong đó kết quả ấn tượng nhất là hoàn chỉnh hệ thống đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cảng hàng không quốc tế Quảng Ninh, cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai và hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông kết nối đến các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế. Đồng thời tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, phối hợp với các tỉnh, thành phố giáp ranh xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông động lực, thúc đẩy liên kết vùng (Cầu Triều, cầu Rừng, cầu Lại Xuân, Quốc lộ 4B…).
Hạ tầng giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hoá, thể thao… có nhiều cải thiện (Hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ, Cung văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, Trung tâm Văn hóa, thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc; nâng cấp Sân vận động Cẩm Phả, Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Bãi Cháy, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản nhi, Trường PTTH Hòn Gai,…). Kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là thành phố Hạ Long, Cẩm Phả được chỉnh trang đồng bộ, văn minh, hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, hướng tới mô hình đô thị thông minh.
- Định hướng phát triển đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế:
+ Hệ thống đô thị được tập trung phát triển, nâng cấp theo quy hoạch, trong đó, hoàn thành đề án công nhận thành phố Hạ Long là đô thị loại I. Sau khi Tỉnh ủy có Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 30/6/2016 về phát triển thành phố Hạ Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long đã tạo ra nguồn lực và động lực xây dựng, hoàn thiện, tạo bước phát triển đột phá hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; địa giới hành chính, không gian phát triển của thành phố được mở rộng, phát triển theo hướng bền vững hơn với tầm nhìn dài hạn. Thành phố Móng Cái, thành phố Cẩm Phả, thành phố Uông Bí là đô thị loại II; thị xã Quảng Yên là đô thị loại III; thị xã Đông Triều, thị trấn Cái Rồng, thị trấn Tiên Yên mở rộng là đô thị loại IV. Đến nay, toàn tỉnh có 13 đô thị (01 đô thị loại I (thành phố Hạ Long); 03 đô thị loại II (thành phố Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí); 02 đô thị loại III (thị xã Quảng Yên, thị xã Đông Triều); 02 đô thị loại IV (thị trấn Cái Rồng, Tiên Yên); 05 đô thị loại V (thị trấn Quảng Hà, trị trấn Bình Liêu, thị trấn Ba Chẽ, thị trấn Đầm Hà, thị trấn Cô Tô), tỷ lệ đô thị hóa đạt 65,5%, là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước.
+ Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, hạt nhân hiện nay là thành phố Móng Cái, Khu công nghiệp Hải Yên, Khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà phát triển theo đúng định hướng, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương (Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân của thành phố Móng Cái đạt 15,02%/năm, GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 ước đạt 5.051 USD/người/năm, tăng gấp hai lần so với năm 2015. Khu công nghiệp Hải Yên có hơn 4.000 lao động, các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Hải Yên có doanh thu khoảng 298 triệu USD và nộp ngân sách nhà nước 132 tỷ đồng. Khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà có hơn 10.500 lao động, các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp có doanh thu khoảng 474 triệu USD và nộp ngân sách nhà nước 138,5 tỷ đồng). Thành phố Cẩm Phả tích cực chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, nhất là sau khi tuyến đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả hoàn thành, mở ra không gian mới phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị bền vững hơn. Thành phố Uông Bí kết nối với thị xã Đông Triều đang dần trở thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh...
+ Tỉnh đã hoàn thành và triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn; chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách và thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh. Huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội để đầu tư tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại của khu kinh tế như sân bay, đường cao tốc, hạ tầng khung của khu kinh tế; tạo môi trường đầu tư hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các dự án du lịch, dịch vụ đẳng cấp, từng bước xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, là một trong những mũi đột phá của tỉnh (Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Vân Đồn giai đoạn 2016 - 2020 bình quân ước đạt 17,9%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 4.000 USD tăng 2,28 lần so với năm 2015. Thu ngân sách nhà năm 2020 đạt hơn 800 tỷ đồng, gấp 6 lần so với năm 2015); tổng vốn đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 57.734 tỷ đồng, bình quân tăng 40,2%/năm.
+ Khu kinh tế ven biển Quảng Yên được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập, bổ sung quy hoạch với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, vị trí thuận lợi đang trở thành hạt nhân mới thúc đẩy tăng trưởng của tuyến phía Tây và của tỉnh; được nhiều nhà đầu tư lớn (Tập đoàn Vin Group, Amata, Foxconn, TCL,…) nghiên cứu, đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ, cảng biển, logistics, phát triển đô thị theo hướng hiện đại, công nghiệp công nghệ cao. Nhiều dự án được triển khai đi vào hoạt đồng như: Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, Nhà máy chuyên sản xuất TV và màn hình Oled của Tập đoàn Foxconn,...
Hạ tầng cảng biển và cảng đường thủy nội địa: Cảng biển Quảng Ninh thuộc Nhóm cảng biển phía Bắc (nhóm 1) là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực, đạt loại I; hiện có 4 khu cảng biển, trong đó cảng Hòn Gai, cảng Cẩm Phả chủ yếu phục vụ nhu cầu vận chuyển than, cảng Vạn Gia và Vạn Hoa là các cảng tổng hợp địa phương. Đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình phục vụ giao thông đường thủy đáp ứng yêu cầu tiêu thụ than, vận tải hàng hóa trong vùng; tiến hành duy tu luồng đảm bảo an toàn cũng như đáp ứng tốt nhu cầu tiếp nhận hàng hóa ngày càng tăng qua các cảng biển, sông cho phương tiện giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh. Đưa vào sử dụng âu tàu Tuần Châu phục vụ khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long; đầu tư xây dựng các bến cảng phục vụ vận tải hành khách từ đất liền ra các tuyến đảo Vân Đồn, Cô Tô, Cái Chiên... Bến cảng số 1 Bãi Cháy - thượng lưu Công viên Đại dương đang được đầu tư xây dựng để tiếp nhận tàu khách quốc tế có trọng tải đến 225.000 GT; cảng Hải Hà UBND tỉnh đã đồng ý giao Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn - Bộ Quốc phòng nghiên cứu triển khai đầu tư dự án; cảng Mũi Chùa đã được Bộ Giao thông vận tải đồng ý mở rộng, nâng cấp và đang xúc tiến kêu gọi đầu tư; cảng Vạn Gia đang xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng hoàn thiện để công bố chính thức là cảng biển loại II có chức năng cảng biển cửa khẩu; Cảng Con ong – Hòn Nét đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Hạ tầng cấp điện: Tỉnh đã tập trung nguồn lực phát triển lưới điện trung thế, hạ thế theo. Hệ thống điện trên địa bàn tỉnh tương đối đồng bộ với trên 3.000 km đường dây trung áp; gần 14.000 km đường dây hạ áp; 3.283 trạm biến áp với tổng dung lượng trên 998.000 kVA. Đã hoàn thành dự án cấp điện cho huyện đảo Cô tô, đảo Trần,…
Hạ tầng thủy lợi: Hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho hơn 54.201,6 ha diện tích đất gieo trồng, là một trong số ít tỉnh của cả nước chủ động nguồn nước tưới. Kết quả đạt được cụ thể như sau: (1) Công trình thủy lợi đầu mối: đã đầu tư nâng cấp xây mới và sửa chữa được 299 công trình (chủ yếu là nâng cấp sửa chữa); (2) Kiên cố hóa kênh mương: từ năm 2012 đến nay toàn tỉnh đã kiên cố hóa được 364,69 km kênh mương, trong đó: kênh loại 2 là 6,75 km, kênh loại 3 là 357,94 km; (3) Đê điều: đã nâng cấp được 155,851 km đê; 144 cống...
Vũ Thị Cẩm Tú
Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (tổng hợp)