Một là, tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, hướng tới xây dựng thành thành phố trực thuộc Trung ương và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh, trong tam giác động lực phía Bắc, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau, cùng phát triển. Góp phần đẩy nhanh chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, tận dụng cơ hội mới và công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Hai là, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị theo hướng bền vững, xanh, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, phù hợp với điều kiện tự nhiên, lợi thế phát triển của từng địa phương trên địa bàn tỉnh; gắn với phát triển kinh tế nhanh, bền vững và phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chênh lệch khung kết cấu hạ tầng giữa các vùng miền; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng sống mọi mặt của Nhân dân.
Ba là, đảm bảo phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hạn chế tác động xấu về môi trường, đồng thời phải tính đến giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, thiên nhiên.
Bốn là, tiếp tục định hướng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là từ khu vực tư nhân, phát triển hình thức đối tác công - tư. Điều chỉnh cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư công, Nhà nước tập trung đầu tư vào công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ để tăng tính thương mại của các dự án kết cấu hạ tầng, dành nguồn vốn thích đáng đầu tư vào các công trình thiết yếu, quan trọng khó huy động các nguồn lực xã hội.
Năm là, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh.
Trên cơ sở các quan điểm phát triển, tỉnh Quảng Ninh đặt ra mục tiêu đến năm 2030:
Huy động mọi nguồn lực, tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về phát triển KCHT kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là các công trình thực hiện các Chương trình đột phá của tỉnh nhằm giải quyết cơ bản về giao thông, hạ tầng đô thị; tập trung nguồn lực đầu tư vào một số lĩnh vực trọng tâm (hạ tầng giao thông; hạ tầng cung cấp điện; hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu; hạ tầng đô thị; hạ tầng KCN, KKT; hạ tầng thương mại; hạ tầng thông tin; hạ tầng giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; hạ tầng y tế; hạ tầng văn hóa thể thao, du lịch); phát triển tỉnh Quảng Ninh nhanh và bền vững.
Đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; là khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế. Trong đó tập trung nguồn lực cho một số lĩnh vực trọng tâm, cụ thể như sau:
Về hạ tầng giao thông: bảo đảm kết nối các thành phố, các đầu mối vận tải (cảng biển, cửa khẩu quốc tế, cảng hàng không quốc tế…) với nhau và với mạng lưới giao thông quốc gia bằng mạng lưới đường cao tốc, năng lực vận tải được nâng cao, thời gian di chuyển được rút ngắn, giao thông được thông suốt, an toàn. Từng bước phát triển hạ tầng giao thông hiện đại (đường sắt đô thị, đường sắt nhẹ (monorail), hầm vượt sông, bến cảng tàu ngầm du lịch, cảng trung chuyển phục vụ khách du lịch trên biển v.v…). Tập trung nguồn lực hoàn thành đường cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên, đường cao tốc Tiên Yên - Móng Cái, cầu Cửa Lục 3, đường bao biển nối thành phố Hạ Long với thành phố Cẩm Phả vào năm 2022; Năm 2023 hoàn thành đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đường dẫn và cầu ra cảng tổng hợp Hòn Nét - Con Ong, đường kết nối từ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh, cầu Bền Rừng và đường dẫn, cầu Cửa Lục 2 và đường kết nối từ cầu Cửa Lục 2 đến thôn Đồng Trà xã Đồng Lâm, các dự án hạ tầng động lực kết nối vùng thấp với vùng cao của thành phố Hạ Long sau sáp nhập huyện Hoành Bồ vào Thành phố. Phối hợp với thành phố Hải Phòng đầu tư xây dựng hoàn thành các dự án cầu Rừng, cầu Lại Xuân. Tiếp tục đề xuất Trung ương đầu tư cao tốc Nội Bài - Hạ Long (nghiên cứu kết nối với tuyến đường 10 làn xe), nâng cấp Quốc lộ 4B, 279 và nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Cái Lân. Xây dựng tuyến đường kết nối từ cầu Cửa Lục 2 lên Đồng Sơn, Kỳ Thượng (thành phố Hạ Long) đến Quốc lộ 4B (Đường tỉnh 342) tăng cường liên kết vùng Lạng Sơn - Quảng Ninh.
Hoàn thành các cảng khách du lịch tại Vân Đồn, cảng trung chuyển khách du lịch trên biển; quy hoạch xây dựng các bến du thuyền tiêu chuẩn quốc tế tại vịnh Cửa Lục. Phát triển cảng biển, cảng thủy nội địa, khu dịch vụ hậu cần sau cảng và logistics chất lượng cao; phát triển các dịch vụ giá trị tăng cao tại khu vực Cảng khách quốc tế Hòn Gai, Tuần Châu.
Về hạ tầng đô thị: từng bước phát triển đồng bộ, hiện đại và bền vững, là tiền đề quan trọng cho phát triển đô thị thông minh. Cơ bản đáp ứng các tiêu chí về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan. Giai đoạn 2021-2025: Toàn tỉnh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện với hạt nhân là 13 đô thị; tỷ lệ đô thị hóa tỉnh đạt trên 75%; Giai đoạn 2026-2030: Toàn tỉnh có 12 đơn vị hành chính cấp huyện với hạt nhân là 13 đô thị; tỷ lệ đô thị hóa tỉnh đạt 75-80%.
Về hạ tầng KKT, KCN: đảm bảo quỹ đất đủ lớn, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, dịch vụ sản xuất và dịch vụ xã hội để thu hút các dự án chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp thông minh.
Về hạ tầng số: xây dựng, phát triển hạ tầng số phục vụ Chính phủ số, đảm bảo kết nối liên thông, đồng bộ với hạ tầng số quốc gia, trong đó: Kinh tế số chiếm ít nhất 30% GRDP toàn tỉnh; trong đó công nghiệp ICT chiếm ít là 15% GRDP toàn tỉnh; GRDP bình quân đầu người trên 15.000 USD.
Tầm nhìn phát triển đến năm 2045: Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh.
Một số chỉ tiêu cụ thể: (i) Tốc độ tăng trưởng GRDP 2031-2050 là 8%/năm; (ii) GRDP bình quân đầu người tương đương các nước phát triển; (iii) Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 3-4%; Công nghiệp xây dựng khoảng 39-40%; Dịch vụ và thuế khoảng 56-57%.
Tỉnh Quảng Ninh định vị lại vai trò, vị trí của tỉnh đối với Quốc gia và Khu vực trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đúng với tiềm năng, lợi thế cua tỉnh, cụ thể:
(1)- Có vị trí địa, chính trị, kinh tế chiến lược trong các hành lanh kinh tế của quốc gia và khu vực: Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ;
(2)- Quảng Ninh là trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN; là một trung tâm kinh tế biển của phía Bắc.
(3)- Là đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế gắn với Di sản – Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; quần thể di tích và danh thắng Yên Tử; quần thể di tích thương cảng cổ Vân Đồn... và các dịch vụ du lịch biển đảo đẳng cấp thế giới.
(4)- Là một trong những Trung tâm năng lượng sạch và năng lượng tái tạo của quốc gia và khu vực phía Bắc.
(5)- Trung tâm giáo dục đào tạo thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ.
(6)- Trung tâm thể thao, trung tâm văn hóa nghệ thuật cấp vùng.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung vào 06 giải pháp sau:
Một là, Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện theo quy hoạch: Tập trung tổ chức triển khai thực hiện lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Lập, điều quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phù hợp với Quy hoạch tỉnh, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch, địa bàn trọng điểm... Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng và thực hiện quy hoạch; dành nguồn lực thỏa đáng cho công tác quy hoạch và huy động các nguồn lực triển khai hiện thực hóa các quy hoạch. Đổi mới phương pháp quy hoạch, đảm bảo ngoài việc tuân thủ các quy định hiện hành, các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu cần mang tính linh hoạt hơn, định hướng cao hơn cho thu hút đầu tư và công tác quản lý. Kiên quyết hoàn thành đồng bộ các quy hoạch phân khu phù hợp với các quy hoạch chung xây dựng, đồng bộ với các quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Hai là, nâng cao hiệu quả việc sử dụng các nguồn vốn huy động để đầu tư phát triển hạ tầng: Kiên trì thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước chỉ như là vốn mồi để kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là từ khu vực tư nhân, phát triển hình thức đối tác công – tư để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Kiên quyết không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư. Tập trung công tác chuẩn bị đầu tư, quyết liệt chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng không phân biệt nguồn vốn đầu tư, tạo quỹ đất “sạch” cho nhà đầu tư. Công bố công khai danh mục các dự án thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.
Ba là, xây dựng các khu công nghiệp, các khu kinh tế có vị trí phù hợp, có quy mô đủ lớn, đầy đủ điều kiện về hạ tầng, kết nối thuận lợi, nhanh chóng, chi phí thấp và các chính sách khuyến khích, hỗ trợ có sức cạnh tranh cao để thu hút đầu tư mở rộng, đẩy nhanh tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp sản xuất điện từ nguồn năng lượng xanh hơn như LNG, năng lượng tái tạo, trong đó, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược có khả năng dẫn dắt, hình thành hệ sinh thái các ngành kinh tế trọng điểm.
Bốn là, chuyển đổi số toàn diện, trọng tâm là phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh; Phát triển kinh tế biển bền vững, đa ngành, đa lĩnh vực, năng suất, chất lượng và hiệu quả, có sức cạnh tranh cao.
Năm là, tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, đa dụng, gồm cả hạ tầng số, bảo đảm liên thông tổng thể, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng gắn với các hành lang, vành đai phát triển kinh tế, kết nối quốc tế thuận lợi để Quảng ninh trở thành một trung tâm logistics của Vùng và cả nước.
Sáu là, phát triển hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, bản sắc và bền vững với quy mô lớn để nâng cấp chất lượng sống của người dân, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh, thu hút dân cư từ nơi khác đến; phát triển kinh tế đô thị hiệu quả, nhất là đô thị du lịch chất lượng cao; thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp đổi mới sáng tạo và phát huy giá trị văn hóa, con người và thiên nhiên đậm bản sắc Quảng Ninh.
Phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội
Phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo hướng “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng phát triển”, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, hướng tới xây dựng thành thành phố trực thuộc Trung ương và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh, trong tam giác động lực phía Bắc, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau, cùng phát triển. Trong đó:
- Tâm là thành phố Hạ Long, trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa của Tỉnh; phát triển đô thị theo mô hình đa cực, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, mở rộng đô thị về phía Bắc.
- Tuyến hành lang phía Tây xuất phát từ Hạ Long đến Đông Triều hướng tới đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội; phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao và du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; trong đó Khu kinh tế ven biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây và của tỉnh, phát triển theo mô hình “Thành phố thông minh” với các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị - cảng biển thông minh, hiện đại, trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao.
- Tuyến hành lang phía Đông xuất phát từ Hạ Long đến Móng Cái và hướng tới thị trường Đông Bắc Á; phát triển chuỗi đô thị sinh thái - dịch vụ, thương mại, du lịch tổng hợp cao cấp, nông nghiệp sạch - công nghệ cao và kinh tế biển; lấy phát triển công nghiệp để dẫn dắt nông nghiệp. Phát triển Khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái là hai mũi đột phá.
- Ba vùng phát triển gồm: (1) Phân vùng đại đô thị Hạ Long mở rộng (Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều); (2) Phân vùng đô thị du lịch biển và núi rừng (Vân Đồn, Ba Chẽ, Tiên Yên, Cô Tô); (3) Phân vùng đô thị kinh tế cửa khẩu (Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu, Đầm Hà).
Tỉnh Quảng Ninh đang từng bước khẳng định vị thế, vai trò là một trong những trung tâm, động lực tăng trưởng kinh tế mới của Vùng và cả nước với nhiều kỳ vọng trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, bên cạnh đó tỉnh cũng đã và đang đẩy mạnh xây dựng kế cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị gắn với biến đổi khí hậu và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế./.
Vũ Thị Cẩm Tú (tổng hợp)