Ngày 6-9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức hội nghị chuyên đề bàn một số nội dung theo chương trình công tác năm 2022, trong đó có dự thảo nghị quyết về xây dựng và phát triển Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch.
Theo dự thảo nghị quyết, quan điểm xây dựng và phát triển Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch bền vững trên nền tảng tổng hòa các yếu tố kinh tế bền vững, môi trường bền vững, xã hội bền vững. Trong đó hạt nhân là văn hóa, con người và những giá trị nhân văn, đề cao tính gắn kết cộng đồng.
Mục tiêu dự thảo nghị quyết đặt ra đến năm 2025 xây dựng Hội An có những tiêu chí tương đương của đô thị loại II, trung tâm kinh tế - xã hội lớn của tỉnh, đạt mức dân số tối thiểu là 200.000 người, tối thiểu 65% lao động phi nông nghiệp, đáp ứng tốt hệ thống cảnh quan, đô thị và hạ tầng kỹ thuật.
Cơ bản hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với vùng đô thị thông minh của tỉnh và mạng lưới đô thị thông minh của cả nước, tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu.
Đến năm 2030, xây dựng và phát triển Hội An có tính chất là đô thị chuyên ngành cấp quốc gia, mang tính đặc thù về di sản văn hóa, sinh thái, cảnh quan và môi trường, hiện đại và có bản sắc riêng. Trong đó di sản văn hóa thế giới - đô thị cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm là hạt nhân lan tỏa để kiên trì thực hiện định hướng xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch.
Xây dựng Hội An giữ vai trò là vùng động lực phát triển về du lịch của tỉnh, trung tâm du lịch của cả nước và mang tầm quốc tế.
Khách du lịch tham quan Hội An - Ảnh: LÊ TRUNG
Nhiều ý kiến đều thống nhất cho rằng cần thiết phải ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển Hội An với định hướng bảo tồn và phát huy các giá trị về văn hóa, con người, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần trình dự thảo nghị quyết này ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét thảo luận, thống nhất.
Ông Lê Trí Thanh - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - đặt câu hỏi có nên mở rộng đô thị Hội An hay không vì hiện tại không gian đã quá chật hẹp, trong khi kỳ vọng thì quá lớn. Hội An lại nằm bên sông Thu Bồn trũng thấp, đối diện với nhiều mối đe dọa của quá trình biến đổi khí hậu cộng với lượng khách bùng nổ, nên chăng nghiên cứu mở rộng không gian để Hội An có thêm dư địa phát triển.
Ông Phan Việt Cường - bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - cho biết Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng, trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét ban hành nghị quyết trong năm 2023.
Chính quyền Hội An tham vấn thêm các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa đảm bảo phát triển hài hòa, không bị phá vỡ cảnh quan của khu phố cổ.
Hội An cần bảo tồn không gian mặt nước độc đáo, bảo vệ, nâng cao giá trị cảnh quan sông nước, bờ biển và hải đảo, tạo sự liên kết với cảnh quan ven sông. Bảo vệ, phục hồi khu sinh thái rừng ngập mặn dừa nước, chú trọng các giải pháp chống xói lở bờ biển, xâm thực mặn.
Đến năm 2025, Hội An phải giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường, tập trung bảo tồn những giá trị thiên nhiên sẵn có. Đến năm 2030, giải quyết căn bản các vấn đề về xử lý nước thải, chất thải rắn, kiểm soát tốt chất lượng môi trường. Bên cạnh đó xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hội An làm hạt nhân và nền tảng cho xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch.
Theo cafef