Theo đó, thành phố Phổ Yên thành lập trên cơ sở toàn bộ 258,42 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số gần 231.400 người của thị xã Phổ Yên.
Thành phố Phổ Yên có 18 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 13 phường: Ba Hàng, Bãi Bông, Bắc Sơn, Đắc Sơn, Đông Cao, Đồng Tiến, Hồng Tiến, Nam Tiến, Tân Hương, Tân Phú, Thuận Thành, Tiên Phong, Trung Thành và 5 xã: Minh Đức, Phúc Tân, Phúc Thuận, Thành Công, Vạn Phái.
Thành phố Phổ Yên giáp huyện Đại Từ, huyện Phú Bình, thành phố Sông Công, thành phố Thái Nguyên; tỉnh Bắc Giang; tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội.
Thái Nguyên là tỉnh tiếp giáp với Hà Nội, nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô và được xác định là một trong những trung tâm vùng của các tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ, có diện tích tự nhiên trên 3.500 km2. Tỉnh Thái Nguyên có 9 đơn vị hành chính gồm ba thành phố Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên và 6 huyện; 178 xã, phường, thị trấn.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thị xã Phổ Yên là trung tâm kinh tế, thương mại và dịch vụ phía Nam của tỉnh Thái Nguyên, là đầu mối giao thông có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và là cửa ngõ giao thương kinh tế, văn hóa của tỉnh với Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng bất lợi của Covid-19 nhưng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thị xã vẫn có sự phát triển, năm 2021 ước tính các chỉ tiêu đều đạt cao hơn năm 2020.
Hiện nay, trên địa bàn thị xã hiện nay đã có rất nhiều khu công nghiệp như: Yên Bình 1, Yên Bình 2, Nam Phổ Yên, Điềm Thụy (trong đó có nhiều doanh nghiệp FDI, đặc biệt là Công ty SamSung Thái Nguyên) tạo nhiều cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển dịch vụ thương mại trên địa bàn.
Nghị quyết nêu trên có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4.
Theo Vnexpress