Thu hoạch cá tra ở hợp tác xã Thới An, quận Ô Môn.
Sau hơn 5 năm thành lập từ số vốn 102 triệu đồng, với 17 thành viên, hợp tác xã nông nghiệp Thân Thiện ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt có số xã viên tăng lên 38, với vốn tăng gấp 6 lần nhờ hoạt động hiệu quả trong chuyển đổi cây trồng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của hợp tác xã.
Ông Huỳnh Văn Chiến, Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Thân Thiện cho biết: “Hợp tác xã có 59ha chuyên sản xuất các loại rau, màu, chủ yếu là trồng bắp. Ngoài ra, hợp tác xã liên kết với các hộ bên ngoài với diện tích hơn 500ha, sản lượng hơn 7.000 tấn/năm".
"Mỗi ngày, hợp tác xã tiêu thụ 40 tấn bắp, với giá bán cao hơn thị trường 500 đồng/kg và sản phẩm được tiêu thụ hết. Đặc biệt, hợp tác xã còn hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ phục vụ đầu vào sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm của các xã viên đã đem lại lợi nhuận hơn 6 tỷ đồng/năm. Nếu hợp tác xã không tổ chức được các dịch vụ hỗ trợ này, phần lợi nhuận sẽ thuộc về các chủ thể khác. Vì vậy, đem lại lợi ích thiết thực cho các xã viên là yếu tố quyết định đến sự phát triển của hợp tác xã”, ông Chiến nói thêm.
Thu hoạch vú sữa ở hợp tác xã Trường Khương A, xã trường Long, huyện Phong Điền đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ.
Tương tự, tổ hợp tác Quyết Tâm ở ấp 5 xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ thành lập năm 2019, có 16 thành viên với diện tích bình quân mỗi hộ khoảng 2ha trồng cây ăn trái như: xoài, nhãn, mãng cầu gai… bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Các thành viên tổ hợp tác trồng các loại cây ăn trái theo mô hình tiêu chuẩn VietGap nên thuận lợi trong việc tiêu thụ. Thời gian qua, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao nhưng vườn trồng xoài của các thành viên tổ hợp tác này đều bán được với giá hơn 26.000 đồng/kg, cao hơn từ 2.000-5.000 đồng/kg so với thị trường nhờ chất lượng, trọng lượng trái đạt độ đồng đều cao.
Bên cạnh đó, các thành viên trong tổ hợp tác còn góp vốn xoay vòng với số tiền 100.000 đồng/tháng. Đến nay, số vốn lên đến hơn 30 triệu đồng để hỗ trợ thành viên không tính lãi trong 3 tháng nhằm giải quyết kịp thời việc đầu tư vào vườn cây trái, thuê mướn lao động… khi khó khăn. Việc này không những hỗ trợ vốn thiết thực cho thành viên mà giúp các thành viên trong tổ đoàn kết, tin tưởng, giúp nhau trong sản xuất, đời sống.
Trong thời gian dịch Covid-19 và giá cả vật liệu xây dựng tăng cao, rất ít đơn vị nhận xây dựng nhà chính sách cho người nghèo vì tiền ít nhưng hợp tác xã vẫn nhận thầu xây dựng vì không đặt nặng vấn đề lợi nhuận, chủ yếu tạo việc làm cho các xã viên và hỗ trợ cộng đồng.
Ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc hợp tác xã Xây dựng Tiến Lợi cho biết: “Mỗi năm, hợp tác xã xây dựng hơn 40 căn nhà cho các đối tượng chính sách trên địa bàn thành phố trên tinh thần vì cộng đồng chứ không vì lợi nhuận. Nhằm bảo đảm nguồn thu nhập cho các xã viên, việc làm cho hơn 60 lao động, hợp tác xã tìm kiếm, mở rộng hợp tác để xây dựng các công trình nhà xưởng cầu đường, nhà ở riêng lẻ trên địa bàn quận Bình Thủy. Nhờ vậy, thu nhập của xã viên ổn định từ 12-20 triệu đồng/tháng, thu nhập người lao động từ 6,5-7,5 triệu đồng/tháng, bảo đảm hoàn thành các nghĩa vụ về thuế, đóng góp vào các hoạt động từ thiện tại địa phương”.
Để giữ gìn làng nghề đan thủ công truyền thống từ cây tre, cây trúc trước nguy cơ bị mai một, năm 2013, được sự hỗ trợ huyện, hợp tác xã Quốc Noãn, ở xã Trường Thắng, huyện Thới Lai được thành lập với 22 thành viên là lao động của hợp tác xã (không tính những người trong hộ gia đình của xã viên) với vốn điều lệ 200 triệu đồng.
Hợp tác xã xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy vót nan tre, máy chẻ tre hỗ trợ tích cực cho nghề đan thủ công. Trường dạy nghề huyện Thới Lai hỗ trợ đào tạo 5 lớp với 159 học viên học đan cần xé, giỏ hoa kiểng.
Hợp tác xã hỗ trợ cung cấp cho xã viên các hộ dân làng nghề nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho 60 lao động chính và nhiều lao động thời vụ lúc nông nhàn với thu nhập từ 4-4,5 triệu đồng/tháng.
Chị Võ Thị Lệ, hộ làm nghề đan cần xé ấp Trường Bình cho biết: “Nhờ hợp tác xã dạy nghề, tiêu thụ sản phẩm ổn định nên tạo việc làm, thu nhập cho người dân làng nghề trong lúc nông nhàn. Với mức thu nhập này giúp nhiều gia đình ở nông thôn có cuộc sống ổn định”.
Theo Liên minh Hợp tác xã TP Cần Thơ, kinh tế tập thể trên địa bàn TP Cần Thơ có bước phát triển khá toàn diện về số lượng và chất lượng, nhất là khi Luật hợp tác xã ra đời năm 2012.
Nhiều hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với thị trường nên phát triển ổn định đem lại lợi ích cho xã viên. Tuy nhiên, các hợp tác xã, tổ hợp tác còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thị trường tiêu thụ không ổn định, mô hình hoạt động cũng như năng lực quản lý của Ban quản trị hợp tác xã còn hạn chế.
Vì vậy, nhiều hợp tác xã chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Trung ương và TP Cần Thơ. Nhiều hợp tác xã có quy mô nhỏ, sự liên kết, hợp tác của những hợp tác xã cùng ngành nghề không thường xuyên, nhiều lúc cạnh tranh lẫn nhau.
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết: Để phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới, TP Cần Thơ yêu cầu sở ngành, địa phương tăng cường hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ hợp tác xã tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương và ngành mình quản lý, nhất là trong xây dựng nông thôn mới.
Các cấp, các ngành có kế hoạch cụ thể phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn để mỗi địa phương có từ 1-2 hợp tác xã tiêu biểu hoạt động theo mô hình mới.
TP Cần Thơ xem xét thành lập quỹ hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể để hỗ trợ vốn cho các hợp tác xã.
Liên minh hợp tác xã TP Cần Thơ chủ động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ điều hành, quản lý của Ban quản trị hợp tác xã theo mô hình mới, tiên tiến đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Theo nhandan.vn