Hội Nông dân – cầu nối đưa vốn đến với người nghèo
Bà Lê Thị Kim Anh – Phó Giám đốc NHCSXH Quảng Nam cho biết: Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐCP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác được Chính phủ ban hành cùng với sự ra đời của NHCSXH cách đây 20 năm đã hình thành một kênh tín dụng an toàn, hữu hiệu, thuận lợi, nhanh chóng dành riêng cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Trên cơ sở các nội dung thỏa thuận thống nhất từ cấp Trung ương, trong những năm qua các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam luôn bám sát các nội dung ủy thác, phối hợp chặt chẽ cùng NHCSXH tổ chức thực hiện tốt các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, chuyển tải nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả.
Tổng dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đến 31/7/2023 đạt 6.930 tỷ đồng, 19 chương trình tín dụng đã và đang thực hiện, với hơn 138 nghìn khách hàng vay vốn, chất lượng tín dụng được duy trì, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,03%/tổng dư nợ.
Trong những năm qua, nguồn vốn ủy thác qua Hội Nông dân tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo đặc biệt của các cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp và được đông đảo hội viên Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nhiệt tình ủng hộ, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng một cách dễ dàng, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Đến nay, tổng dư nợ vốn tín dụng chính sách xã hội ủy thác qua Hội Nông dân đạt 2.208 tỷ đồng (chiếm 31,9% dư nợ cho vay của NHCSXH tỉnh), với 44.492 hộ vay thông qua 1.100 tổ tiết kiệm và vay vốn. Là một trong hai đơn vị nhận ủy thác có dư nợ lớn, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn đã làm tốt từ công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi cho đến việc vận động thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn, tham gia bình xét cho vay, kiểm tra việc sử dụng vốn của hộ vay,… cùng ngân hàng quản lý chặt chẽ nguồn vốn cho vay.
Nhờ đó, các chương trình tín dụng chính sách đã triển khai đến 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn, đặc biệt là việc đầu tư vốn ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
"Có thể nói hoạt động ủy thác nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Nông dân các cấp làm tốt nhiệm vụ chính trị được Chính phủ giao. Thông qua hoạt động ủy thác đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng chung tay giúp đỡ người nghèo và các đối tượng chính sách...", bà Lê Thị Kim Anh – Phó Giám đốc NHCSXH Quảng Nam.
Tạo sinh kế, "mở lối" thoát nghèo cho nông dân
Bà Anh cho biết, cùng với cán bộ NHCSXH, cán bộ Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở đã phối hợp chuyển tải nhanh chóng, kịp thời nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến hàng triệu người nghèo, đối tượng chính sách trên cả nước.
Không những tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng tiếp cận vốn tín dụng một cách thuận lợi mà còn hướng dẫn, phổ biến kiến thức sản xuất, kinh doanh nhằm sử dụng vốn vay hiệu quả. Qua đó, tạo sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần hạn chế, đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội.
Thông qua tổ chức hội từ tỉnh, huyện đến xã và thôn, các đối tượng thụ hưởng đã được vay vốn kịp thời. Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, gắn với củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, thực hiện nghiêm túc, minh bạch công tác bình xét cho vay, hướng dẫn hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, đặc biệt quan tâm giúp đỡ các hộ là hội viên nông dân nghèo, cận nghèo…
Đã có nhiều hộ gia đình vươn lên khá, giàu trở thành hạt nhân trong phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", tạo "nguồn cảm hứng", sự lan tỏa trong cộng đồng. Hiệu quả của hoạt động ủy thác với NHCSXH, đã có tác động tích cực đến chất lượng hoạt động hội và phong trào nông dân.
Theo bà Anh, việc phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác NHCSXH, các cấp Hội Nông dân đã cải thiện, nâng cao đời sống hội viên. Nông dân đã mạnh dạn hơn trong cách nghĩ, cách làm, sử dụng vốn vay hiệu quả góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho chính mình.
Từ đó, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho hơn 73 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7,57% (năm 2016) xuống 6,63% (năm 2022), giảm tỷ lệ hộ cận nghèo từ 3,32% (năm 2016) xuống 1,97% (năm 2022), đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua.
Theo Báo Dân Việt