Nhà máy Điện rác Bác La tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc là dự án điển hình trong lĩnh vực xử lý rác thải đô thị kết hợp phát điện.
Phát triển kinh tế tuần hoàn là một chiến lược lớn trong phát triển kinh tế-xã hội ở Trung Quốc. Quy hoạch Phát triển kinh tế tuần hoàn ban hành năm 2021 đã xác định mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hình thành hệ thống ngành nghề tuần hoàn tài nguyên, với tổng quy mô lên tới 5.000 tỷ nhân dân tệ.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành hàng loạt chính sách, giải pháp nhằm đẩy nhanh xây dựng hệ thống sử dụng tuần hoàn chất thải bao phủ toàn diện, vận hành hiệu quả, chuẩn hóa và bài bản. Trong đó, các lĩnh vực xử lý rác thải kết hợp phát điện hay nông nghiệp xanh, tuần hoàn, thông minh là những lĩnh vực trọng điểm được nhà nước thúc đẩy, các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế tăng cường hỗ trợ, cho vay vốn để nhân rộng và phát huy hiệu quả trên thực tế.
Là định chế tài chính liên chính phủ khu vực hướng tới mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các nền kinh tế thành viên ở châu Á-Thái Bình Dương, ADB đã hỗ trợ nhiều dự án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Trung Quốc, với việc cho vay vốn dài hạn đối với các nhà máy đốt rác phát điện ở thành thị hay các dự án nông nghiệp tuần hoàn ở nông thôn.
Nguồn vốn của ADB có đặc điểm là chu kỳ dài hạn, lãi suất hợp lý, tính ổn định cao với các yêu cầu ít khắt khe hơn về tài sản thế chấp. Đồng thời, các dự án vay vốn phải bảo đảm các yếu tố về hiệu quả tổng hợp về phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quyền lợi của người lao động, nhất là lao động nữ, bình đẳng giới...
Nhà máy Điện rác Bác La được xây dựng theo mô hình công viên sinh thái.
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, xử lý rác thải đô thị, ADB và Tập đoàn Môi trường Quang Đại, một trong những doanh nghiệp hàng đầu ở Trung Quốc trong lĩnh vực môi trường, bắt đầu hợp tác từ năm 2009. Hai bên đã cam kết thúc đẩy cải thiện trình độ quản lý chất thải rắn ở Trung Quốc và cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời đã tạo ra những lợi ích xã hội và môi trường đáng kể, thông qua xây dựng nhiều dự án xử lý rác thải kết hợp phát điện ở cả trong và ngoài nước với các khoản vay trị giá hơn 300 triệu USD và hợp tác chuyên sâu về hệ thống quản lý môi trường và xã hội cũng như hỗ trợ về kỹ thuật.
Sự hỗ trợ của ADB đã phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi sang hướng kinh tế tuần hoàn, từ đơn thuần là hoạt động trong lĩnh vực xử lý và đốt rác thải sinh hoạt ở đô thị Trung Quốc, chuyển sang quản lý chất thải rắn, quản lý sinh khối và chất độc hại, để từ đó phát triển, mở rộng thị trường xử lý rác kết hợp phát điện ở thị trường nước ngoài.
Nhà máy Điện rác Bác La tại tỉnh Quảng Đông của Tập đoàn Môi trường Quang Đại là một dự án điển hình trong lĩnh vực xử lý rác thải đô thị kết hợp phát điện, được xây dựng theo mô hình “công viên sinh thái bảo vệ môi trường tích hợp, sử dụng toàn diện các nguồn tài nguyên tái tạo, du lịch sinh thái, thảm thực vật xanh và giáo dục môi trường” của Trung Quốc, với các yêu cầu “lò đốt lớn, thông số cao, tổ máy tái nhiệt, nhà máy điện thông minh”.
Trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở nông thôn, nguồn vốn của ADB chủ yếu tập trung vào hỗ trợ tạo sinh kế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường tại các dự án chăn nuôi thông minh, sử dụng tuần hoàn chất thải, hài hòa lợi ích doanh nghiệp, hộ chăn nuôi và cộng đồng dân cư.
Là doanh nghiệp đi đầu trong ngành chăn nuôi và các sản phẩm từ động vật ở Trung Quốc, Công ty TNHH Tân Hy Vọng đã hợp tác với ADB trong quá trình xây dựng chuỗi giá trị ngành chăn nuôi tổng hợp, bền vững, với các khoản vay, huy động vốn tổng trị giá 95 triệu USD, bảo đảm các dự án đáp ứng yêu cầu cao về thân thận với môi trường, phúc lợi động vật, an toàn thực phẩm, nông nghiệp tuần hoàn.
Quy trình kiểm dịch nghiêm ngặt được áp dụng tại trang trại chăn nuôi thông minh.
Dự án của doanh nghiệp này ở huyện Tượng Châu, Quảng Tây là một thí dụ thành công trong áp dụng mô hình trang trại liên kết giữa doanh nghiệp uy tín với hộ chăn nuôi với quy trình sinh thái được chuẩn hóa, tạo ra chuỗi lợi ích kiểu mới giữa công ty chăn nuôi với 61 hộ chăn nuôi, quy mô hơn 200.000 con lợn xuất chuồng mỗi năm, thúc đẩy giá trị sản xuất hơn 400 triệu nhân dân tệ; kéo theo sự phát triển của hơn 200 đơn vị trong các ngành thức ăn, thuốc thú y, hàng tiêu dùng với giá trị 200 triệu nhân dân tệ. Đáng chú ý, dự án trang trại chăn nuôi quy mô lớn này đã tạo ra hơn 300 việc làm, trong đó giúp hơn 20 hộ nghèo và 3 người tàn tật ở địa phương thoát nghèo.
Tính chất “tuần hoàn” thể hiện rõ nét trong quy trình kiểm dịch nghiêm ngặt và xử lý chất thải chăn nuôi của dự án. Toàn bộ chất thải được xử lý theo tiêu chuẩn kỹ thuật cao tương đương các nước tiên tiến, tạo ra nguồn phân bón hữu cơ chất lượng cao, kết hợp với công trình hỗ trợ của chính quyền địa phương, cung cấp miễn phí cho các hộ trồng mía ở khu vực lân cận với diện tích lên tới hàng chục nghìn mẫu Trung Quốc, góp phần tăng sản lượng khoảng 2 tấn/mẫu, giúp người trồng mía tăng thu nhập hơn 10 triệu nhân dân tệ.
Ông Phùng Uy đang vận hành hệ thống tưới tiêu thông minh sử dụng phân bón hữu cơ từ chất thải của trang trại chăn nuôi.