Ảnh minh hoạ
Nền kinh tế Trung Quốc đã nhích ra khỏi tình trạng giảm phát trong tháng 8 vừa qua, sau một loạt nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế và phục hồi niềm tin của nhà đầu tư trong bối cảnh cuộc khủng hoảng bất động sản và xuất khẩu lao dốc. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng bức tranh kinh tế Trung Quốc chưa có sự cải thiện đáng kể.
Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố cuối tuần vừa rồi cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 0,1% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này thấp hơn mức dự báo tăng 0,2% mà các nhà phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, nhưng đã thoát khỏi trạng thái giảm với mức giảm 0,3% ghi nhận trong tháng 7.
Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng 8, với mức giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với dự báo của giới phân tích và phản ánh tình trạng suy yếu tiếp diễn của lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Dù vậy, mức giảm này đã dịu bớt so với cú giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái ghi nhận trong tháng 7, và nếu so với tháng trước, PPI đã tăng nhẹ.
Trong một tuyên bố đưa ra vào hôm thứ Bảy, Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết CPI của nước này tăng bình quân 0,5% mỗi tháng so với cùng kỳ năm 2022 trong 8 tháng đầu năm nay.
Giảm phát xảy ra ở Trung Quốc do nhu cầu suy yếu cả ở trong và ngoài nước sau khi nước này mở cửa trở lại sau 3 năm theo đuổi những biện pháp hà khắc để chống Covid. Chính phủ Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp kích cầu, nhưng đều là những biện pháp nhỏ, có trọng điểm, thay vì một gói kích cầu lớn như mong đợi của giới đầu tư toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc đến nay vẫn chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, khi nhiều doanh nghiệp phát triển bất động sản tư nhân quy mô lớn đang đương đầu với sự thắt chặt thanh khoản và rủi ro ro vỡ nợ, trong lúc nhu cầu mua nhà giảm thê thảm. Với khủng hoảng địa ốc tiếp diễn, nhu cầu trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khó phục hồi nhanh. Bởi vậy, cứu bất động sản được xem là một “chìa khoá” quan trọng để Trung Quốc vực dậy tiêu dùng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Gần đây, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cho vay thế chấp nhà, giảm mức tiền đặt cọc cho các giao dịch mua nhà, và nới lỏng quy định về các khoản vay thế chấp nhà. Dù vậy, giới phân tích cho rằng những biện pháp này không mang tính chất triệt để và kêu gọi Bắc Kinh có động thái kích cầu mạnh hơn bằng chính sách tài khoá.
Một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs nhấn mạnh rằng CPI tháng 8 của Trung Quốc tăng chủ yếu do lạm phát ở những nhóm hàng hoá ngoài nhóm lương thực-thực phẩm, bao gồm xăng dầu do giá dầu thế giới tăng. Theo số liệu được công bố, nhóm lương thực-thực phẩm giảm 1,7% trong tháng 8, nhưng rổ hàng hoá-dịch vụ không gồm nhóm này tăng 0,5% sau khi đi ngang trong tháng 7.
Goldman Sachs dự báo CPI toàn phần của Trung Quốc sẽ phục hồi theo hình chữ U, vì giá năng lượng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới và giá dịch vụ cũng đi lên nhờ các biện pháp kích cầu của Chính phủ.
Mức tăng/giảm CPI và PPI hàng tháng so với cùng kỳ năm trước của Trung Quốc - Nguồn: Tổng cục Thống kê Trung Quốc/Reuters.
Một vấn đề lớn của Trung Quốc hiện nay là nền kinh tế trong nước đuối sức đúng vào lúc xuất khẩu lao dốc vì lạm phát cao “làm khó” người tiêu dùng ở các nền kinh tế phương Tây. Trong tháng 8, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức giảm này nhẹ hơn một chút so với dự báo của giới phân tích và được coi là một sự cải thiện so với cú giảm 14,5% trong tháng 7 - mức giảm mạnh nhất kể từ khi Covid trở thành đại dịch.
“Tình hình lạm phát của Trung Quốc đã được cải thiện một chút. Giảm phát PPI vẫn còn nhưng mức giảm đã co ngắn lại, cho thấy một quá trình phục hồi chậm”, nhà kinh tế trưởng Zhou Hao của Guotai Junan International nhận định. “Nhìn chung, tốc độ lạm phát vẫn phản ánh nhu cầu yếu và đòi hỏi có thêm các chính sách hỗ trợ trong tương lai gần”.
Hồi tháng 7, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm 20 nền kinh tế mới nổi và phát triển lớn nhất thế giới (G20) có CPI giảm so với cùng kỳ năm trước kể từ khi Nhật Bản có CPI âm vào tháng 8/2021, theo hãng tin Reuters.
Bức tranh kinh tế ảm đạm với tăng trưởng giảm tốc, giảm phát và xuất khẩu lao dốc đã khiến giới đầu tư nước ngoài thoái vốn mạnh khỏi thị trường chứng khoán và trái phiếu Trung Quốc, góp phần khiến đồng nhân dân tệ rớt giá xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007 so với đồng USD. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã phản ứng bằng những biện pháp như nâng tỷ giá tham chiếu lên mức cao hơn so với kỳ vọng của thị trường và yêu cầu ngân hàng thương mại bán ra ngoại tệ.
Tuy nhiên, để hỗ trợ tăng trưởng, PBOC có thể sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc, những biện pháp gây áp lực mất giá đối với nhân dân tệ - theo nhà kinh tế trưởng Bruce Pang của Jones Lang Lasalle.
Tuần vừa rồi, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nói nước này sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lo ngại Trung Quốc sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng như vậy vì khủng hoảng bất động sản tiếp diễn, tiêu dùng yếu và tăng trưởng tín dụng tụt dốc.
Theo vneconomy.vn