Trạm cung ứng PIG trong hệ thống đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 trên đất liền ở Lubmin, Đức.
Vốn phụ thuộc phần lớn vào nguồn khí đốt từ Nga, EU đang nỗ lực tìm nguồn thay thế trong trường hợp Moskva "đóng van" đường ống dẫn khí đốt sang châu Âu, trong bối cảnh thời tiết lạnh giá và nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp lẫn người dân tăng cao. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, Nga đã cung cấp 46,8% tổng lượng khí đốt nhập khẩu vào châu Âu.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định khả năng Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cắt giảm giao hàng cho châu Âu là thấp vì rất nhiều thỏa thuận giữa EU và Moskva là hợp đồng dài hạn, bắt buộc phải thực hiện. Năm 2021, Nga đã "bỏ túi" 62 tỷ euro nhờ xuất khẩu khí đốt sang châu Âu và trên lý thuyết Moskva vẫn cần khoản thu ngoại tệ này. Trong trường hợp bắt buộc, các nước EU có thể cắt giảm tiêu thụ khí đốt hoặc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân, điện than để sản xuất điện. Bà Catherine MacGregor, Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Pháp Engie, cho biết Paris có thể giải bài toán thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn nhờ nguồn dự trữ ít ỏi nhưng sẵn có.
Việc EU tìm kiếm nguồn cung khác ngoài Nga vào thời điểm này là cần thiết, bởi châu Âu hiểu rõ rằng "phòng cháy hơn chữa cháy" khi khí đốt rất cần thiết cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống thường ngày của người dân. Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck thừa nhận, tình hình địa chính trị đang căng thẳng đã buộc EU phải tính toán những khả năng khác để bảo đảm nhập khẩu đủ khí đốt và đa dạng hóa nguồn cung. Thị trường khí đốt châu Âu hiện ổn định hơn năm 2009, thời điểm mà nguồn cung từ Nga sang châu Âu bị đình trệ trong 13 ngày do cuộc khủng hoảng Ukraine, khiến cho khí đốt từ Moskva sang châu Âu trung chuyển qua Ukraine đột ngột bị cắt giảm tới 70%, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và cuộc sống người dân.
Ngoài ra, một số điều khoản trong hợp đồng cấm bán lại khí đốt đã được bãi bỏ, hệ thống đường ống kết nối với nhau tốt hơn. Châu Âu cũng có điều kiện nhập khẩu thêm khí đốt từ Na Uy, Azerbaijan, Algeria. Kho dự trữ khí đốt chiến lược cũng cho phép EU cầm cự thêm vài tháng. Tuy nhiên, nếu nguồn cung bị cắt đột ngột, hậu quả sẽ rất lớn, đặc biệt đối với những nước như Áo, Slovakia và một số khu vực của Italia. Đức cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt của Nga, trong bối cảnh Berlin đã đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân.
Các nhà cung cấp truyền thống tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn thứ hai thế giới, mới đây đã nhận được yêu cầu hỗ trợ từ Mỹ. LNG được vận chuyển bằng tàu chở chuyên dụng, hiện chiếm một nửa nhu cầu khí đốt của thế giới, là giải pháp linh hoạt hơn nhiều vận chuyển bằng hệ thống đường ống cố định. Nhiều đội tàu lớn không bị ràng buộc bởi những hợp đồng dài hạn nên rất dễ chuyển hướng giữa hành trình, nếu có khách hàng đề nghị mức giá hấp dẫn hơn. Qatar đang cân nhắc khả năng đề nghị một số khách hàng, chủ yếu là ở châu Á, chấp nhận cắt giảm lượng khí đốt nhập khẩu để chuyển sang châu Âu. Mấy tuần qua, Mỹ huy động toàn bộ hệ thống ngoại giao để tìm cách tăng nguồn cung LNG cho châu Âu. Cuối tháng 1/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã thảo luận các biện pháp phối hợp để bảo đảm EU có thêm nguồn cung khí đốt, tránh rơi vào trường hợp nguy cấp nếu bị cắt nguồn cung từ Nga.
Nhờ cuộc cách mạng dầu đá phiến, Mỹ đã vươn lên thành nước xuất khẩu khí hóa lỏng lớn trên thế giới, giúp lượng LNG của Mỹ xuất khẩu sang châu Âu ngày một tăng, nhất là khi giá khí đốt ở châu Âu tăng gấp 4 lần trong giai đoạn ngắn của năm 2021 đã giúp giá LNG của Mỹ cạnh tranh tốt hơn. Ngoài Mỹ, một số nước khác cũng có thể hỗ trợ nhất định cho EU. Theo đề nghị của EU, Nhật Bản đã bắt đầu chuyển hướng cung cấp LNG sang châu Âu từ nguồn giao hàng dành riêng cho họ. Tuy nhiên, nguồn cung này rất hạn chế và chủ yếu mang ý nghĩa tượng trưng vì Nhật Bản cũng phụ thuộc nguồn LNG nhập khẩu từ các quốc gia khác.
Giới phân tích chính trị hy vọng căng thẳng chung quanh vấn đề Ukraine không vượt tầm kiểm soát, giúp khu vực giữ được an ninh và ổn định, trong bối cảnh cả thế giới vừa lo đối phó dịch Covid-19, vừa tìm cách khôi phục đà tăng trưởng kinh tế.
Theo nhandan.vn