Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo kênh CNN, do Nga không còn là thị trường mà người phương Tây có thể tiếp cận sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, các nhà đầu tư có lẽ sẽ không muốn gộp chung 5 thị trường mới nổi nói trên với nhau.
Ông Eric Winograd, nhà kinh tế cấp cao tại AllianceBerntein, cho rằng BRICS sẽ không còn như xưa.
Một số nhà cung cấp chỉ số lớn của Mỹ đã loại bỏ cổ phiếu của Nga. Giao dịch cổ phiếu của một số công ty hàng đầu Nga được niêm yết tại Mỹ như công cụ tìm kiếm Yandex và viễn thông MTS đã bị tạm dừng. Sở giao dịch chứng khoán Moskva đã bị đóng cửa kể từ ngày 25/2, một ngày sau khi chiến sự bùng lên ở Ukraine.
Ông Winograd nói: “Việc một quốc gia lớn như Nga có thể bị loại khỏi các chỉ số là một vấn đề lớn”. Ông cho rằng đối với các nhà đầu tư quan tâm tới các thị trường mới nổi, họ nên xem xét từng quốc gia riêng lẻ.
Có vẻ như Nga sẽ không sớm được đưa lại vào quỹ các thị trường mới nổi hàng đầu. Ngay cả đối với những người phương Tây vẫn sẵn sàng đầu tư vào tài sản Nga, họ vẫn chưa rõ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Ông Rahul Sen Sharma, đối tác quản lý của Indxx (nhà cung cấp chỉ số toàn cầu), cho rằng khi thị trường chứng khoán Nga đóng cửa, về cơ bản nhóm BRICS đã thành BICS và đó có thể là thay đổi vĩnh viễn. Ông Sen Sharma nói: “Liệu các nhà đầu tư có bao giờ đón nhận Nga một lần nữa không? Nếu không có thanh khoản, đó là điều khó. Khả năng mọi người sẽ sớm đầu tư vào Nga là khó tin”.
Trong bối cảnh Nga bị trừng phạt nặng nề, một số nhà đầu tư có thể bắt đầu xem xét các thị trường mới nổi khác để thay thế Nga, chẳng hạn như Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Khi đó, BRICS có thể trở thành TICKS.
Ông Sen Sharma nói thêm rằng Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico cũng đang là các lựa chọn hấp dẫn, tương tự Philippines và Indonesia. Khi kết hợp Mexico, Indonesia, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà đầu tư sẽ có nhóm MIST.
Đồng ruble của Nga. Ảnh: AA/TTXVN
Tất nhiên, mọi thị trường mới nổi ở châu Âu, như Ba Lan, đều mang tính rủi ro vì vị trí địa lý quá gần với Nga và Ukraine. Vì vậy, các quốc gia Trung và Đông Âu khác có thể không phải là lựa chọn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư phương Tây.
Các chuyên gia khác cho rằng các nhà đầu tư đang nhìn vào các công ty riêng lẻ ở các thị trường mới nổi hơn là nhìn tổng thể toàn bộ quốc gia.
Ông Callie Cox, nhà phân tích đầu tư Mỹ tại eToro cho biết: “Một nhà đầu tư điển hình thường các coi thị trường mới nổi là một loại cổ phiếu. Đó là một phần của danh mục đầu tư. Bối cảnh các thị trường mới nổi đã thay đổi trong một thời gian. Nhiều nhà đầu tư đã có tâm lý e ngại từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Giờ đây, họ thậm chí còn lo lắng hơn”.
Trong khi đó, sau khi thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga đã hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt. Để đối phó với các lệnh trừng phạt, ngày 15/3, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin thông báo kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế nước này với hơn 100 sáng kiến và tổng ngân sách khoảng 1.000 tỷ rouble.
Thủ tướng Mishustin cho biết Chính phủ Nga đã chuẩn bị đầy đủ các biện pháp, nhiều biện pháp trong số đó đã được đưa vào dự thảo kế hoạch hành động ưu tiên. Đây là một văn bản rất linh hoạt, sẽ được cập nhật liên tục và ban hành theo từng giai đoạn, tùy thuộc vào diễn tiến tình hình. Ngoài ra, Chính phủ Nga cũng đề xuất một số biện pháp chung với các đối tác trong Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU).
Thủ tướng Nga cho biết thêm nước này đề nghị các đối tác trong EAEU tăng giới hạn tối đa đối với hàng hóa nhập khẩu miễn thuế khi giao dịch qua mạng; ấn định tỷ giá hối đoái khi thanh toán thuế nhập khẩu; dành ưu tiên cho hàng tiêu dùng trong quá trình thông quan tại các cửa khẩu, chủ yếu là thực phẩm và thuốc men, cũng như thiết bị, linh kiện và phụ tùng thay thế; lập danh sách các mặt hàng nhập khẩu quan trọng và đơn giản hóa đáng kể các thủ tục thông quan hàng hóa trong danh mục này; không áp dụng thuế nhập khẩu và ngừng thu thuế chống bán phá giá.
Kể từ khi bắt đầu nổ ra xung đột Ukraine vào ngày 24/2, hơn 300 thương hiệu nổi tiếng thế giới đã tạm dừng hoặc cắt giảm hoạt động kinh doanh tại Nga.
Trong số đó, có các ngân hàng toàn cầu như Goldman Sachs, các công ty kế toán lớn nhất, các thương hiệu tiêu dùng như Starbucks và Ford. PepsiCo, Levi Strauss, McDonald’s và Coca-Cola đều tuyên bố sẽ tạm ngừng bán các sản phẩm cốt lõi tại Nga.
Các tập đoàn gây tác động lớn khi rời Nga còn có những cái tên trong ngành dầu như Shell, BP và Exxon. Visa, Mastercard, PayPal và American Express cũng bị đình chỉ các dịch vụ, khiến người Nga ở nước ngoài không thể sử dụng thẻ ghi nợ và các ngân hàng Nga đang khẩn trương xoay sang sử dụng dịch vụ của công ty phát hành thẻ Trung Quốc.
Một số công ty đã tạm dừng hoạt động ở Nga khẳng định họ sẽ trở lại ngay sau khi chiến sự ở Ukraine kết thúc. Tuy nhiên, các chuyên gia đầu tư toàn cầu cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng ruble mất giá khiến các công ty khó quay trở lại trong năm nay hoặc năm sau.
Theo TTXVN