Dây chuyền sản xuất tại nhà máy lắp ráp ô-tô Trường An ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc.
Trong bối cảnh con tàu kinh tế thế giới đang chao đảo bởi sóng gió, nhiều nước bị mắc kẹt trong tình trạng tăng trưởng trì trệ, lạm phát và nợ công cao, khu vực châu Á-Thái Bình Dương lại đón nhận thêm những tín hiệu tích cực. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tăng trưởng vượt kỳ vọng trong nửa đầu năm 2024 và dự báo sẽ cán mốc tăng 4,6% trong năm 2024 và 4,4% năm 2025. Hai nền kinh tế hàng đầu khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ duy trì đà tăng trưởng ổn định, trong khi những thị trường mới nổi khác trong khu vực cũng tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Cùng chung quan điểm với IMF, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng nâng dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhờ hoạt động xuất khẩu và nhu cầu nội địa tăng.
Cú bứt tốc ngoạn mục nêu trên là sự hội tụ của nhiều yếu tố. Giám đốc phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của IMF Krishna Srinivasan nhấn mạnh, lực lượng lao động khổng lồ, sự hội nhập mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tốc độ tăng năng suất cao là ba chìa khóa chính giúp mở ra cánh cửa phát triển kinh tế, đưa châu Á-Thái Bình Dương trở thành động lực chính của nền kinh tế thế giới, đóng góp tới 60% mức tăng trưởng toàn cầu.
Bên cạnh đó, nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm điện tử, nhất là chất bán dẫn dùng cho các ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo, đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu tại nhiều nền kinh tế trong khu vực. Lạm phát hạ nhiệt đáng kể cũng hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng sản xuất.
Lực lượng lao động khổng lồ, sự hội nhập mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tốc độ tăng năng suất cao là ba chìa khóa chính giúp mở ra cánh cửa phát triển kinh tế, đưa châu Á-Thái Bình Dương trở thành động lực chính của nền kinh tế thế giới, đóng góp tới 60% mức tăng trưởng toàn cầu.
Giám đốc phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của IMF Krishna Srinivasan
Ngoài ra, đi ngược lại những quan điểm chống toàn cầu hóa và bảo hộ thương mại đang nổi lên trên toàn cầu, sự phát triển của châu Á-Thái Bình Dương là minh chứng cho việc đạt được thịnh vượng chung thông qua quá trình liên kết, hội nhập và tự do hóa thương mại, đầu tư.
Châu Á-Thái Bình Dương quy tụ một mạng lưới dày đặc và rộng lớn các hiệp định thương mại tự do chất lượng cao và toàn diện, trong đó phải kể đến Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Những hiệp định này đã xây dựng nên nền tảng vững chắc thúc đẩy sự kết nối giữa các nền kinh tế, tiến trình hội nhập và tăng trưởng ở khu vực.
Sự phát triển kinh tế mạnh mẽ đó góp phần quan trọng tạo nên sức hút ngày càng lớn của châu Á-Thái Bình Dương, khiến nhiều cường quốc đã sớm đặt khu vực đầy tiềm năng này ở vị trí ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình. Trong bài phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh, một thế giới đa cực đang được hình thành và châu Á-Thái Bình Dương giữ vai trò quan trọng trong tiến trình đó.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương cũng đối mặt nhiều thách thức. Xu hướng bảo hộ gia tăng, nhu cầu toàn cầu yếu đi, cùng những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và các hình thái thời tiết cực đoan tới giá cả hàng hóa cũng như an ninh lương thực và năng lượng là những rủi ro hàng đầu.
Ngoài ra, các căng thẳng địa chính trị và chiến tranh thương mại cũng có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng và dẫn đến sự biến động của giá hàng hóa toàn cầu nói chung và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng. Trong bối cảnh đó, IMF khuyến nghị các nước trong khu vực điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa một cách linh hoạt, đồng thời xây dựng các biện pháp phòng ngừa rủi ro và đối phó các thách thức dài hạn như biến đổi khí hậu và già hóa dân số.
Với tốc độ phát triển nhanh và ổn định, châu Á-Thái Bình Dương đã trở thành một trụ cột của kinh tế thế giới và đầu tàu trong hợp tác quốc tế. Giới phân tích cho rằng, trên cơ sở nền tảng vững chắc cùng tiềm năng phát triển rộng mở, nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương sẽ vượt qua những chông gai trước mắt và tiếp tục duy trì vị thế là động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Theo nhandan.vn