Lạm phát thường niên tại Đức đã lên mức 10% trong tháng 9
Theo Văn phòng Thống kê liên bang Đức (Destatis), lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) đã duy trì ở mức trên 7% trong 7 tháng liên tiếp. Giá năng lượng tăng 43,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá năng lượng dành cho các hộ gia đình tăng mạnh nhất. Giá khí đốt cũng tăng 95%, giá dầu sưởi ẩm thậm chí còn tăng hơn gấp đôi.
Trong thông báo mới, lãnh đạo Destatis Georg Thiel xác nhận lạm phát tại Đức đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1990, trong đó giá các sản phẩm năng lượng tăng vẫn là nguyên nhân chính dẫn tới lạm phát cao. Giá thực phẩm tăng 18,7%, cao hơn mức tăng bình quân của tất cả các nhóm hàng. Nếu không tính năng lượng và thực phẩm, lạm phát tiêu dùng tại Đức là 4,6%.
Để giảm thiểu những tác động do lạm phát cao, Chính phủ Đức đã công bố các gói hỗ trợ trị giá 95 tỷ euro (92,9 tỷ USD), trong đó có các khoản hỗ trợ thanh toán cho người tiêu dùng, vé giảm giá giao thông công cộng và giảm thuế nhiên liệu.
Theo ông Thiel, do biện pháp giảm giá nhiên liệu và vé giảm giá giao thông công cộng hết hiệu lực nên chỉ số giá tiêu dùng nói chung đã tăng trong tháng 9, khẳng định những biện pháp này đã giúp kiềm chế lạm phát nói chung từ tháng 6-8.
Chính phủ Đức đang nghiên cứu một biện pháp mới tiếp nối vé giảm giá giao thông công cộng. Berlin cũng đã công bố gói biện pháp trị giá 200 tỷ euro giúp bình ổn nền kinh tế và chuẩn bị áp trần giá điện và khí đốt.
Trong khi đó, lạm phát thường niên tại Bồ Đào Nha đã tăng lên mức 9,3% trong tháng 9, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 10/1992.
Viện thống kê quốc gia cho biết lạm phát tháng 9 đã tăng 0,4 điểm phần trăm so với tháng trước. Lạm phát lõi thường niên, không tính năng lượng và thực phẩm chưa qua chế biến, đã tăng lên 6,9% trong tháng 9, từ mức 6,5% của tháng trước đó.
Tính theo tháng, giá cả tiêu dùng tại Bồ Đào Nha tăng 1,2% trong tháng 9, từ mức 0,9% báo cáo trong tháng 8.
Lạm phát tiếp tục tăng trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và lên mức cao mới là 10% trong tháng 9. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã phản ứng bằng cách nâng lãi suất chủ chốt lên 1,25%, thực hiện theo 2 bước.
Theo nhandan.vn