Đây là động thái đầu tiên của Nga nhằm đáp trả lệnh áp giá trần của phương Tây đối với dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ của nước này có hiệu lực từ ngày 5/2 vừa qua. Ngay sau thông tin, giá dầu Brent đã tăng hơn 2,5% so với ngày hôm trước lên mức 86,6 USD/thùng.
Phó Thủ tướng Nga - Alexander Novak cho biết, việc áp giá trần dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ của Nga là sự can thiệp vào quan hệ thị trường và tiếp tục chính sách năng lượng phá hoại của các nước phương Tây. Ông đồng thời nhấn mạnh, bước đi của Nga cắt giảm sản lượng dầu sẽ góp phần khôi phục quan hệ thị trường.
Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và Liên minh châu Âu đã áp dặt mức giá trần 60 đôla/thùng đối với dầu mỏ của Nga được vận chuyển đến các nước ngoài phương Tây. Mục tiêu là giữ cho giá dầu chảy ra thế giới không bị tăng đột biến như năm ngoái, cũng như hạn chế nguồn tài chính của Nga.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen khẳng định: "Nga đang phải trả giá đắt khi các biện pháp trừng phạt của chúng tôi đang làm xói mòn nền kinh tế của nước này. Giá trần đối với dầu thô đã khiến Nga thiệt hại khoảng 160 triệu euro mỗi ngày và chúng tôi sẽ tiếp tục gia tăng áp lực".
Tuy nhiên, liệu châu Âu đã sẵn sàng cho lệnh cấm này chưa khi Nga là nhà cung cấp dầu diesel lớn cho châu Âu. Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ucraina, Nga cung cấp hơn 50% hàng nhập khẩu của châu Âu với sự khác biệt khá lớn giữa các quốc gia, Đức và Ba Lan là những nước phụ thuộc nhiều nhất. Lệnh cấm vận sẽ tước đi nửa triệu thùng dầu mỗi ngày của châu Âu. Một khoảng trống mà việc thiếu năng lực lọc dầu sẽ không cho phép lấp đầy.
Quyết định cắt giảm sản lượng dầu mỏ của Nga được đưa ra chỉ 9 ngày sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác OPEC+ mà Nga là thành viên, xác nhận giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng thống nhất trong năm 2022.
Khi được hỏi liệu Nga có hỏi ý kiến các thành viên OPEC+ về việc cắt giảm sản lượng mới hay không, người phát ngôn Điện Dmitry Peskov cho biết “đã có các cuộc trò chuyện với một số thành viên của OPEC+” trước khi động thái này được công bố.
Đồng thời ông Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Hành động của phương Tây sẽ dẫn đến sự mất cân bằng hơn nữa trong thị trường năng lượng toàn cầu. Nhưng chúng tôi, một cách tự nhiên, đang thực hiện các bước để bảo vệ lợi ích của mình khỏi bất kỳ rủi ro nào có thể phát sinh".
Tác động của việc cắt giảm 500.000 thùng mỗi ngày là một câu hỏi bỏ ngỏ khi nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại làm giảm cơn khát dầu mỏ. Mùa hè năm ngoái giá khí đốt tự nhiên đã chứng kiến mức giảm cao nhất mọi thời đại khi châu Âu mất phần lớn nguồn cung khí đốt từ Nga. Các nhà phân tích cho biết về trước, việc Nga cắt giảm giá sản lượng có thể đẩy giá xăng dầu tại nguồn lên cao hơn do ít dầu được đưa ra thị trường toàn cầu./.
Theo VOV