ECB dự báo lạm phát tăng lên 5,1% trong năm 2022, từ mức 3,2% được dự báo trước đó.
Ngày 10/3, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng tiên chung châu Âu (Eurozone) năm 2022 từ mức 4,2% trước đó xuống còn 3,7%, lo ngại quá trình phục hồi kinh tế chậm lại do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine.
ECB cũng dự báo GDP của khu vực sẽ chỉ tăng trưởng 2,8% trong năm 2023, thấp hơn mức 2,9% từng đưa ra trong dự báo trước. Dự báo tăng trưởng kinh tế Eurzone năm 2024 vẫn giữ nguyên ở mức 1,6%.
Bên cạnh đó, ECB còn nâng dự báo lạm phát lên đáng kể trong bối cảnh giá năng lượng tăng mạnh. Ngân hàng này dự báo lạm phát tăng lên 5,1% trong năm 2022, từ mức 3,2% được dự báo trước đó. Theo ECB, lạm phát ở Eurozone năm 2023 và 2024 sẽ ở các mức lần lượt ở các mức 2,1% và 1,9%, cao hơn mức dự báo 1,8% trước đó.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết ngân hàng đã điều chỉnh các dự báo tăng đáng kể so với trước đó trong bối cảnh lạm phát tiếp tục tăng khôn lường do giá năng lượng cao vượt dự tính.
Trước đó, sau cuộc họp chính sách, ECB thông báo sẽ đẩy nhanh các kế hoạch giảm quy mô chương trình mua trái phiếu và tiếp tục giữ lãi suất ở các mức thấp kỷ lục. ECB cho rằng tình hình xung đột Nga-Ukraine đang ảnh hưởng tới kinh tế châu Âu đồng thời tái khẳng định cam kết làm mọi thứ cần thiết để ổn định nền kinh tế. Xung đột bùng phát khiến lạm phát trong Eurozone tăng lên mức cao kỷ lục 5,8% trong tháng Hai. Lạm phát tăng mạnh, cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% mà ECB đề ra, khiến các thành viên hội đồng quản trị ECB lo ngại và kêu gọi chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng.
Ngày 10/3, ECB xác nhận chấm dứt chương trình mua trái phiếu hỗ trợ khẩn cấp trong thời gian đại dịch (PEPP) trong tháng Ba này. Tuy nhiên, ECB cũng khiến giới quan sát bất ngờ khi tuyên bố đẩy nhanh việc cắt giảm quy mô chương trình mua trái phiếu triển khai từ trước đại dịch Covid-19, với thời điểm kết thúc trong quý 3 tùy thuộc vào các dự báo lạm phát. ECB cam kết điều chỉnh quy mô hoặc lịch trình kết thúc chương trình này nếu triển vọng kinh tế tiếp tục suy thoái. ECB cũng tạm thời chưa quyết định về việc nâng lãi suất, cho biết quyết định này sẽ được đưa ra vào “một lúc nào đó” sau khi kết thúc chương trình mua trái phiếu. Trước đó, ECB từng cho biết sẽ nâng lãi suất “ngay sau khi” chấm dứt chương trình mua trái phiếu. Hiện ECB đang duy trì lãi suất ở mức thấp nhất trong lịch sử.
Trong khi đó, tháng 2/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - thước đo lạm phát, của Mỹ chứng kiến mức tăng cao nhất trong 40 năm qua.
Số liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/3 cho thấy trong 12 tháng tính đến tháng 2 vừa qua, CPI của Mỹ tăng 7,9%,
mức cao nhất kể từ tháng 1/1982.
Theo đó, số liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/3 cho thấy trong 12 tháng tính đến tháng 2 vừa qua, CPI của Mỹ tăng 7,9%, mức cao nhất kể từ tháng 1/1982. Mức tăng này không nằm ngoài dự báo nhưng là chỉ dấu cho thấy giá cả tiếp tục leo thang, đặc biệt là giá xăng, thực phẩm và nhà ở. Trước đó, CPI tháng 1 của Mỹ tăng 7,5%, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số này trên ngưỡng 6%.
Lạm phát của Mỹ đã vượt xa mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng Dữ trữ trung ương Mỹ (FED) đề ra. Dự kiến, ngày 16/3 tới, ngân hàng này sẽ bắt đầu tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát. Các nhà kinh tế dự đoán FED sẽ có 7 lần tăng lãi suất trong năm nay.
Dù vậy, ngày 4/3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ lạc quan về khả năng có thể đẩy lùi tình trạng lạm phát tại nền kinh tế số 1 thế giới, khi số liệu báo cáo việc làm tháng 2 ở nước này thể hiện nhiều tín hiệu tích cực. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, bất chấp giá thực phẩm và khí đốt tăng cao, thị trường việc làm trong tháng 2 vẫn khởi sắc và trong tình trạng tốt để đối phó với những thách thức do lạm phát gây ra.
Theo nhandan.vn