Công nhân kiểm tra sản phẩm nhôm thô ở kho cảng Canada.
Giá nhôm đã tăng lên mức cao kỷ lục 3.382,5 USD/tấn, cao hơn mức kỷ lục trước đó là 3.380,15 USD, xác lập từ tháng 7-2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhà phân tích thị trường Daniel Briesemann của Commerzbank, Đức nhận định giá nhôm tăng là điều đã được dự báo trước nếu xảy ra tình huống như hiện nay.
Các bên tham gia thị trường rõ ràng đều lo ngại nguồn cung nhôm từ Nga bị ảnh hưởng nếu các nước phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt khiến Nga đưa ra các biện pháp đối ứng. Trước đó, giá nhôm, loại vật liệu kim loại cơ bản, đã liên tục tăng do nguồn cung toàn cầu hạn hẹp, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Cũng sau khi có tin từ Ukraine, trong phiên giao dịch ngày 24-2, giá dầu Brent đã lên tới 100,04 USD/thùng, lần đầu tiên giá dầu vượt mốc 100 USD/thùng trong hơn 7 năm qua; giá vàng thế giới cũng bật tăng lên 1.915 USD/ounce, gần mức cao kỷ lục trong vòng 9 tháng qua.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu tại các sàn giao dịch chứng khoán châu Á đều giảm. Tại sàn giao dịch chứng khoán Tokyo, chỉ số Nikkei 225 đã giảm 1,1% xuống còn 26.161,46 điểm, chỉ số Hang Seng trên thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) cũng giảm 1,6% xuống còn 23.2929,10 điểm. Chỉ số Shanghai Composite cũng giảm 0,2% còn 3.483,22 điểm.
Cùng ngày, đồng rouble của Nga đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2016. Các nhà giao dịch cho biết đồng rouble đã giảm 3,6% so với đồng USD xuống 84,07 rouble/USD và giảm 3,9% xuống mức thấp kỷ lục 95,24 rouble/EUR.
Giới doanh nghiệp Nhật Bản lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga có thể sẽ khiến giá xăng dầu trên thị trường quốc tế tăng cao, làm gia tăng chi phí của người tiêu dùng trong nước.
Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, Nga là nhà cung cấp xăng lớn thứ ba thế giới. Vì vậy, bất cứ sự gián đoạn nào về nguồn cung xăng dầu từ quốc gia này đều có thể châm ngòi cho sự tăng giá nhiên liệu trên thị trường quốc tế trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu suy giảm.
Theo sggp.org.vn