Cơ chế hợp tác JCBC giữa Việt Nam và Brunei được duy trì hiệu quả.
Trên cơ sở quan hệ Đối tác toàn diện được thiết lập năm 2019, trong những năm qua, hợp tác giữa hai nước tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Sự tin cậy chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố thông qua duy trì trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao, các cấp, cũng như cơ chế hợp tác song phương. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hợp tác thương mại giữa hai nước được duy trì và thúc đẩy. Hai nước đã đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 500 triệu USD vào năm 2025.
Với việc kim ngạch thương mại năm 2022 đạt 725,8 triệu USD, hai bên đã vượt mục tiêu này trước thời hạn. Điều này là tín hiệu tích cực, chứng minh hợp tác kinh tế giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ. Về đầu tư, tính đến tháng 12/2022, Brunei đứng thứ 26 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 157 dự án có hiệu lực, tổng số vốn đăng ký đạt 971 triệu USD. Những dự án đầu tư của Brunei tập trung các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản.
Về quốc phòng-an ninh, hợp tác giữa hai nước được tăng cường trong khuôn khổ song phương và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hai nước tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung hợp tác trên cơ sở Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương, trong đó trao đổi đoàn các cấp, đào tạo, trao đổi thông tin và phối hợp trong tìm kiếm cứu nạn. Hai bên cũng chú trọng hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, giáo dục, giao lưu nhân dân... Hợp tác trên nhiều lĩnh vực đạt được các bước tiến triển tích cực, mang lại những lợi ích thiết thực cho cả hai nước.
Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam-Brunei (JCBC) được thành lập tháng 6/2000, là cơ chế hợp tác để hai bên rà soát và định hướng phát triển quan hệ, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Nhằm góp phần đưa quan hệ hai nước phát triển thực chất hơn nữa, tại kỳ họp lần thứ 2 của JCBC hồi tháng 9/2022, hai bên đã nhất trí thúc đẩy xây dựng chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Brunei giai đoạn 2023-2027.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Brunei Trần Văn Khoa, chương trình hành động khi được ký kết sẽ tạo khuôn khổ mới thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong những lĩnh vực đã triển khai, cũng như các lĩnh vực tiềm năng.
Đều nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, trong thời gian tới, hai bên cùng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, như nông lâm thủy sản, thực phẩm Halal; xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng; thúc đẩy hợp tác, tham gia liên doanh giữa doanh nghiệp hai nước.
Hợp tác biển cũng là một trong những trụ cột để triển khai nội hàm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Brunei. Hai bên cần thúc đẩy hợp tác biển và đại dương, trong đó có triển khai hiệu quả đường dây nóng về hỗ trợ các hoạt động nghề cá, mở rộng hợp tác nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, ứng phó các thách thức an ninh trên biển… Đều đã mở cửa trở lại, hai bên nhất trí khuyến khích các hãng hàng không nghiên cứu mở thêm các đường bay thương mại giữa hai nước nhằm tạo thuận lợi cho hợp tác kinh tế, văn hóa và du lịch.
Trong hợp tác đa phương, hai bên phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc, ASEAN, APEC… Trong năm 2020 và 2021, Việt Nam và Brunei lần lượt đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN. Là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam và Brunei tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại ASEAN nhằm góp phần củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của Hiệp hội, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác, phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Theo nhandan.vn