Việc ban hành Quy định số 144-QĐ/TƯ thực sự đúng lúc, rất quan trọng và hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, khi toàn Đảng đang tiến hành công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp và tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Vun bồi những chuẩn mực đạo đức cách mạng
Trong những năm qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành một số quy định liên quan đến việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên như: Nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII; Quy định số 37-QĐ/TƯ về “Những điều đảng viên không được làm” thay thế Quy định số 47-QĐ/TƯ năm 2011; Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"...
Những quy định đó được coi là “rào chắn”, “lằn ranh đỏ” cảnh báo cán bộ, đảng viên để biết dừng lại. Nếu bất chấp, bước tiếp thì chưa chết về thể xác nhưng có thể chết về chính trị và đạo đức. Những quy định đó nghiêng về cách tiếp cận “chống”, tức là nêu lên những điều cán bộ, đảng viên không được làm, nếu cố tình làm thì sẽ bị xử lý theo kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Cán bộ, đảng viên phải nắm vững những quy định đó để gột rửa mình cho sạch sẽ, không để vi trùng, những thứ bẩn ngấm vào cơ thể.
Ngược lại, Quy định số 144-QĐ/TƯ được nhìn nhận ở góc “xây”, tức là cán bộ, đảng viên phải hấp thu món ăn tinh thần bổ dưỡng, vun bồi những chuẩn mực đạo đức cách mạng, làm cho cơ thể trong sạch, lành mạnh, đủ sức đề kháng với mọi “bệnh tật”, thói hư tật xấu, tham nhũng, tiêu cực.
Trong mối quan hệ giữa “xây” và “chống” thì “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Mục đích cuối cùng của Đảng, của cách mạng là để tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước, nhân dân được ấm no. Vì vậy, cần phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ, đảng viên có đạo đức cách mạng trong sáng, tận tâm, tận lực, tận trung, tận hiếu, tận hiến cho nước, cho dân, vì một nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Cán bộ, đảng viên phải là những con người mà danh lợi, giàu sang, địa vị không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay.
Nhìn nhận như vậy để thấy sự ra đời của Quy định số 144-QĐ/TƯ có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp thiết. Quy định số 144-QĐ/TƯ kết hợp với các quy định “không được làm” trước đây tạo thành một chỉnh thể thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị mà cán bộ, đảng viên là “then chốt của then chốt”, những người “đi trước để làng nước theo”.
Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân là điều vinh hạnh, cao quý nhất
Quy định số 144-QĐ/TƯ có 5 điều với 19 nội dung cụ thể. Điều 1: Yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng (3 nội dung); Điều 2: Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập (4 nội dung); Điều 3: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư (5 nội dung); Điều 4: Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm (4 nội dung); Điều 5: Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời (3 nội dung).
5 điều với 19 nội dung là một chỉnh thể thống nhất, tạo thành một “cây hoàn toàn” đối với việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Nói “hoàn toàn” vì thiếu một nội dung thì không xứng danh làm cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói đến hai từ “tư cách” của người cách mạng. “Tư cách” theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là khẳng định danh nghĩa của một người trong chế độ mới, chế độ dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa, được hiểu như “định danh” cá nhân. Tư cách còn thể hiện phẩm chất đứng đắn phù hợp với danh nghĩa, định danh đó. Tư cách là điều kiện tối thiểu để giữ một chức vụ, làm một nhiệm vụ, xứng danh là “tinh hoa” của dân tộc.
Chẳng hạn, người Công an nhân dân mà thiếu một trong sáu điều Bác Hồ dạy thì không xứng danh là Công an nhân dân và nếu vi phạm một trong sáu điều tư cách của người Công an cách mạng nhất định phải bị tước danh hiệu Công an nhân dân. Người quân nhân cách mạng không trung thành với Đảng, không trung với nước, không hiếu với dân thì không xứng danh Bộ đội Cụ Hồ; nếu vi phạm điều lệnh quân nhân có thể bị tước quân tịch. Một đảng viên dự đại hội Đảng các cấp phải được kiểm tra tư cách đại biểu, nếu không đủ tư cách không được dự... Cán bộ, đảng viên phải được “định danh” bằng các chuẩn mực đạo đức cách mạng, thiếu một chuẩn mực không thành cán bộ, đảng viên.
19 nội dung trong 5 điều, mỗi nội dung có nhiều mặt, nhiều khía cạnh cụ thể, rõ ràng. Mặt nào, khía cạnh nào cũng cần thiết, quan trọng, không thể thiếu, trong đó có những khía cạnh được coi là bao trùm các chuẩn mực đạo đức khác. Chẳng hạn, chuẩn mực “Chí công, vô tư”, nếu được nhận thức thật sâu sắc, đầy đủ, có chất lượng khoa học và cách mạng, làm thật đúng, thật tốt thì chi phối các chuẩn mực khác. "Chí công, vô tư" là đặt lợi ích của Tổ quốc, nhân dân, Đảng, Nhà nước lên trên, lên trước lợi ích cá nhân mình. Bác Hồ thường nói đến “tính Đảng” của cán bộ, đảng viên với điều căn cốt là làm người "công bộc" của dân, thực hành chí công, vô tư, đặt lợi ích của Đảng, tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc lên trước lợi ích của cá nhân; phải có tinh thần vì nước, vì dân quên mình; vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng. Cán bộ, đảng viên có tinh thần chí công, vô tư thì nhất định phải cần, kiệm, liêm, chính, yêu nước, thương dân, gương mẫu, khiêm tốn, trách nhiệm, kỷ cương...
Quy định số 144-QĐ/TƯ cho thấy, vinh hạnh cao quý nhất, danh dự thiêng liêng nhất của cán bộ, đảng viên là được phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, suốt đời phấn đấu, hy sinh cho mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng - vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Là cán bộ, đảng viên thì phải biết đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và của nhân dân lên trên hết, trước hết; kiên quyết đấu tranh với mọi hành vi gây phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích của Đảng, Nhà nước và của nhân dân.
Trong Quy định số 144-QĐ/TƯ, đáng chú ý là những khía cạnh nói đến chuẩn mực đạo đức trong xử lý mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân. Đây là cái “chìa khóa” trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là then chốt để phát triển đất nước. Bởi vì, xét tận ngọn ngành, cách mạng cần hai nhân tố cơ bản, đó là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự tin tưởng, đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả” (Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Nxb CTQG, H, 2019, tr.80).
Trong xây dựng Đảng, nhiều lần Bác Hồ khẳng định, cán bộ, đảng viên là gốc của mọi công việc; vấn đề cán bộ quyết định mọi việc; mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Nội dung 2 trong Điều 1 ghi rõ: “Tôn trọng, tin tưởng, gần gũi và gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; tạo điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.
Quy định số 144/QĐ/TƯ là sự trở về đích thực với tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, tỏ rõ sự kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo của Đảng ta trong việc học và làm theo Bác. Chúng ta tin tưởng, sau nhiều năm, với những ưu điểm và hạn chế trong công tác xây dựng Đảng và việc thực hiện các quy định về rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên, lần này, với quyết tâm của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị, Quy định số 144-QĐ/TƯ sẽ tạo ra bước chuyển biến mới, tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Theo hanoimoi.vn