Đồng chí Phạm Hùng - Nhà lãnh đạo tài năng và có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước ta
Đồng chí Phạm Hùng là một trong những nhà lãnh đạo có những cống hiến quan trọng, góp phần làm nên các chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Với ý chí kiên cường, tư duy sáng tạo và nhiệt tình cách mạng, Đồng chí được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó nhiều trọng trách trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc cũng như trong thời kỳ tái thiết, xây dựng đất nước trong hòa bình. Trong công tác, thời chiến cũng như trong thời bình, Đồng chí luôn thể hiện phong cách làm việc có chương trình, kế hoạch, có nguyên tắc nhưng không máy móc, thể hiện rõ tư duy độc lập, tự chủ của một nhà lãnh đạo tài năng.
Đồng chí Phạm Hùng nhà yêu nước và cách mạng chân chính
Sau gần 15 năm bị giam cầm trong lao tù đế quốc (từ năm 1931 đến năm 1945), sau khi được Đảng đón từ nhà tù Côn Đảo về đất liền, đồng chí Phạm Hùng tham gia ngay vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam bộ. Đồng chí được bầu vào Xứ uỷ lâm thời Nam bộ, đến đầu năm 1946, khi đồng chí Lê Duẩn được điều ra Hà Nội, Đồng chí được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ kiêm Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc (Giám đốc Nha Công an Nam bộ). Trên cương vị Bí thư Xứ ủy, Đồng chí luôn năng nổ, nhiệt huyết, làm việc có kế hoạch, có nguyên tắc và dân chủ, bám sát các nghị quyết của Đảng và những chỉ đạo của Bác Hồ, cùng tập thể Xứ ủy góp phần quan trọng vào việc chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Nam Bộ, lập được nhiều chiến thắng vẻ vang, được Bác Hồ tặng danh hiệu Nam Bộ Thành Đồng.
Với tài năng và uy tín của mình, Đồng chí đã xây dựng, củng cố khối đoàn kết thống nhất các lực lượng kháng chiến và kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Xứ ủy trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ. Với tư cách là Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc, Đồng chí trực tiếp chỉ đạo xây dựng lực lượng công an cách mạng ở Nam Bộ. Đây là một nhiệm vụ rất khẩn trương và quan trọng. Tính chất phức tạp trong nội bộ các lực lượng kháng chiến ở Nam Bộ xuất hiện từ sau Cách mạng tháng Tám đòi hỏi cần phải xây dựng một lực lượng công an trung thành với Đảng, đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ Nhân dân, đồng thời loại trừ các phần tử cả mật thám lẫn tình báo của địch; tổ chức tiêu diệt những phần tử ác ôn gây tổn thất cho Đảng và có nhiều nợ máu với Nhân dân. Những chiến công của lực lượng công an Nam Bộ làm cho kẻ thù khiếp sợ, Nhân dân yêu mến và tuyệt đối tin tưởng, che giấu, giúp đỡ, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ V (l/1950), dự thảo Đề án Công an nhân dân Việt Nam do đồng chí Phạm Hùng trình bày đã được Hội nghị nhất trí thông qua; những nội dung được đề cập trong Đề án đã trở thành cơ sở khoa học lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân Việt Nam sau này.
Tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng (2/1951), Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được chỉ định tham gia Trung ương Cục miền Nam; là Phó Bí thư Trung ương Cục kiêm Bí thư Phân Liên khu ủy miền Đông (3/1952). Đồng chí đã lãnh đạo, chỉ đạo quân dân miền Đông kháng chiến chống thực dân Pháp, củng cố và phát triển cơ sở kháng chiến, từng bước tạo ra thế và lực đưa cuộc kháng chiến của quân dân miền Đông phát triển lên đỉnh cao, góp phần phối hợp với chiến trường chính buộc địch phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (21/7/1954) chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương. Tháng 9/1954, Trung ương Đảng họp và khẳng định nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc chưa hoàn thành cuộc đấu tranh cứu quốc và điều chỉnh phương châm đấu tranh, bảo đảm việc thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ…; đồng chí Phạm Hùng được phân công làm Trưởng đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hiệp đình chiến ở Nam Bộ, Trưởng phái đoàn liên lạc Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban quốc tế ở Sài Gòn có nhiệm vụ giám sát và đấu tranh buộc đối phương thi hành Hiệp định ở vùng Nam Bộ.
Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đồng chí đã cùng với Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào điều kiện cụ thể Nam Bộ, đề ra nhiều chủ trương quan trọng: Tổ chức tiến hành chiến tranh Nhân dân; thực hiện dân chủ ở nông thôn (tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và địa chủ Việt gian phản động, tạm cấp cho dân cày nghèo); chỉ đạo phong trào đấu tranh ở đô thị; giải quyết thành công vấn đề tôn giáo, làm tốt công tác vận động nhân sỹ, trí thức, tăng cường và mở rộng Mặt trận Dân tộc Thống nhất; đặc biệt là tăng cường công tác xây dựng Đảng. Nhờ giải quyết tốt vấn đề nông dân và liên minh công - nông - trí, nên cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ không ngừng được đẩy mạnh, vùng giải phóng ngày càng được mở rộng, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của quân và dân cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau khi miền Bắc được giải phóng, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Thống nhất Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ, Đồng chí đã tham gia tổ chức biên soạn và hoàn thiện dự thảo Đề án về hòa bình thống nhất nước nhà và cách mạng miền Nam, làm cơ sở cho Hội nghị Trung ương lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II xây dựng Nghị quyết 15 về cách mạng miền Nam; góp phần to lớn tạo ra bước ngoặt cho cách mạng miền Nam từ thế cầm cự giữ gìn lực lượng, chuyển sang thế tấn công và giành thắng lợi.
Ngày 29/4/1958, tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa I đã bầu đồng chí Phạm Hùng làm Phó Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí đã dành hết tâm trí, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo lĩnh vực phát triển kinh tế, trực tiếp đi cơ sở động viên các phong trào sản xuất nông nghiệp, cơ sở sản xuất kinh tế; kiểm tra, chỉ đạo thực tiễn ở địa phương; chỉ đạo xây dựng và ban hành các văn bản điều hành kinh tế vĩ mô và tổ chức các nhiệm vụ phát triển trên các mặt trận kinh tế - xã hội đạt những thành tựu quan trọng, thúc đẩy phát triển toàn diện, làm cơ sở hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam.
Năm 1967, Đồng chí được Đảng giao nhiệm vụ Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Đây là thời điểm quân và dân miền Nam đang bí mật gấp rút chuẩn bị và tiến hành đòn tiến công chiến lược Tết Mậu Thân (1968). Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của quân và dân ta nổ ra đồng loạt trên khắp miền Nam, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù, buộc chúng phải thay đổi chiến lược chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ ta tại Hội nghị Pa-ri.
Từ cuối năm 1968 đến tháng 4/1975, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phạm Hùng, Trung ương Cục đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo phong trào đấu tranh của quân và dân miền Nam trên cả ba vùng chiến lược. Tháng 4/1975, sau thắng lợi của các chiến dịch Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn, mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh, chỉ định đồng chí Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Với tư cách là Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Quân ủy Miền, Chính ủy Chiến dịch, đồng chí Phạm Hùng đã góp phần quan trọng trong việc tổ chức và lãnh đạo quân và dân ta, nhất là cổ vũ, động viên lực lượng vũ trang chớp thời cơ để hoàn thành thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sáng 30/4/1975, khi nghe tin Tổng thống Sài Gòn đề nghị với phía cách mạng ngừng bắn để thương lượng, Chính ủy Phạm Hùng đã ký và cho phát ngay bức điện hỏa tốc gửi các đơn vị trên chiến trường: “Địch đang dao động tan rã. Các cánh quân hãy đánh mạnh, tiến nhanh chiếm các mục tiêu đúng quy định. Hội quân tại Dinh Độc lập ngụy. Địch không còn có gì để thương lượng bàn giao. Chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Tiến lên! Toàn thắng!” - 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Là một trong những người lãnh đạo cao nhất của cách mạng miền Nam, đồng chí Phạm Hùng đã tỏ rõ tinh thần kiên cường, dũng cảm, mưu trí, vượt qua gian khổ và ác liệt của đạn bom, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện thành công tâm nguyện của Bác Hồ, thu non sông Việt Nam về một mối.
Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí Phạm Hùng được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trong những điều kiện khó khăn phức tạp của đất nước sau giải phóng, Đồng chí đã thể hiện bản lĩnh của một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, quyết đoán và sáng suốt. Trên mọi cương vị công tác, đặc biệt trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Đồng chí chú trọng xây dựng đạo đức người công an cách mạng, phát động trong toàn lực lượng công an phong trào học tập, thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy; góp phần xây dựng lực lượng công an nhân dân trưởng thành lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, làm thất bại hoàn toàn các âm mưu bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch và phản cách mạng thời hậu chiến, giữ gìn sự bình yên cho đất nước.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986), đồng chí Phạm Hùng tiếp tục được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và Uỷ viên Bộ Chính trị; tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII (17/6/1987), được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Thủ tướng đầu tiên của nước ta thời kỳ đổi mới.
Tình hình đất nước ta trong những năm đầu đổi mới gặp vô vàn khó khăn, khủng hoảng, lạm phát nghiêm trọng, các thế lực thù địch thực hiện cấm vận bao vây, phá hoại nhiều mặt, hòng làm đất nước ta kiệt quệ về kinh tế. Trên cương vị đứng đầu Chính phủ, Đồng chí khẳng định trước Quốc hội: “Tập thể Hội đồng Bộ trưởng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình bằng ý chí tiến công cách mạng, bằng hành động thiết thực, bằng hiệu quả cụ thể để làm tròn trách nhiệm đối với Đảng, Quốc hội và nhân dân”.
Những cống hiến và hoạt động không mệt mỏi của đồng chí Phạm Hùng trong những năm tháng chèo chống con thuyền cách mạng vượt qua khó khăn thời kỳ đầu đổi mới đã để lại dấu ấn sâu đậm, khẳng định tài năng và tinh thần trách nhiệm của một nhà lãnh đạo chủ chốt với những quyết sách của Đảng và Nhà nước, đưa đất nước ta thoát khỏi đói nghèo, từng bước phát triển.
Theo dangcongsan.vn