THỂ LỆ
Cuộc vận động "Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế"
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1128 /QĐ-BKTTW ngày 28 tháng 8 năm 2019
của Trưởng Ban Chỉ đạo)
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Tên của Cuộc vận động
Tên của Cuộc vận động là "Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế" (sau đây gọi là Cuộc vận động).
Điều 2. Mục đích
1. Khẳng định sự coi trọng của Đảng và Nhà nước đối với doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước thông qua việc doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế và cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi tắt doanh nghiệp, doanh nhân) trực tiếp tham gia cùng với Đảng và Nhà nước trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế. Khai thác tối đa trí tuệ, sức sáng tạo to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân qua đó tạo sức lan toả mạnh mẽ, sâu rộng trong cộng đồng về ý thức trách nhiệm với đất nước. Tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa Đảng và Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở: doanh nghiệp, doanh nhân hết lòng vì Đảng, Nhà nước và phụng sự tổ quốc, nhân dân; Đảng và Nhà nước trân trọng lắng nghe các ý kiến góp ý, tiếp thu các đề xuất, sáng kiến hay của doanh nghiệp, doanh nhân để lãnh đạo, điều hành đất nước phát triển nhanh và bền vững.
2. Phát huy dân chủ, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước; trong đó doanh nghiệp, doanh nhân làm nòng cốt, người dân làm trung tâm và lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết.
3. Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt rộng rãi và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong việc thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khoá XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết số 11-NQ/TW); cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước (Nghị quyết số 12-NQ/TW) và phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết số 10-NQ/TW).
4. Huy động trí tuệ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân người Việt Nam trong và ngoài nước trong nhận diện, phản ánh các vấn đề ách tắc, vướng mắc và đề xuất, góp ý với Đảng và Nhà nước về các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế; nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII và góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.
5. Các góp ý, đề xuất của các doanh nghiệp, doanh nhân trong cuộc vận động sẽ được xem xét, tổng hợp chuyển tới các cơ quan của Đảng, Nhà nước xử lý theo thẩm quyền; đồng thời được nghiên cứu, phục vụ cho việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, góp phần xây dựng văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Điều 3. Nội dung góp ý, đề xuất
Các góp ý, đề xuất của doanh nghiệp, doanh nhân nhằm nhận diện, phản ánh về các vấn đề lớn, quan trọng cần phải giải quyết; những khó khăn, cản trở trong thực tiễn phát triển kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp (có dẫn chứng cụ thể), đồng thời góp ý, đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, trọng tâm là các nội dung:
- Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;
- Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, các Tổ chức tín dụng;
- Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ban Tổ chức sẽ có gợi ý các vấn đề cụ thể kèm theo thư mời tham gia cuộc vận động.
Điều 4. Phạm vi đối tượng tham gia
1. Các doanh nghiệp, doanh nhân của Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế bao gồm: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp của tư nhân, hộ kinh doanh cá thể, liên minh hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hội/hiệp hội ngành, nghề và cá nhân là người Việt Nam có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nhân nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
3. Các doanh nghiệp do người Việt Nam ở nước ngoài làm chủ sở hữu và các doanh nhân Việt Kiều, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.
CHƯƠNG II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Quy định về tác giả, tác phẩm tham dự
1. Mỗi doanh nghiệp, doanh nhân gửi tối đa 01 tác phẩm tham dự với một hoặc một số nội dung góp ý, đề xuất phù hợp với mục tiêu và Thể lệ của Cuộc vận động. Hình thức trình bày tác phẩm theo mẫu do Ban Tổ chức hướng dẫn.
2. Thành viên Ban Chỉ đạo, thành viên Ban Tổ chức, thành viên Ban Giám khảo và người liên quan của những người này không được tham dự Cuộc vận động.
3. Nội dung, hình thức và thời hạn gửi của các góp ý, đề xuất theo đúng Thể lệ này.
4. Các góp ý, đề xuất phải bảo đảm không sao chép, nội dung không có tranh chấp về bản quyền.
5. Tác giả của các góp ý, đề xuất thuộc phạm vi đối tượng tham gia Cuộc vận động.
6. Những góp ý, đề xuất của các doanh nghiệp, doanh nhân đã được gửi tới cơ quan có thẩm quyền nhưng chưa được giải quyết vẫn được quyền gửi tới Ban Tổ chức Cuộc vận động nhưng phải ghi rõ thông tin đã gửi tới các cơ quan ở Trung ương, địa phương nào, kèm theo ý kiến phản hồi của các cơ quan đó (hoặc nếu chưa có phản hồi thì cũng phải nêu rõ).
7. Đối với tác phẩm của nhóm tác giả thì nhóm tác giả phải chỉ định một thành viên đại diện nhóm làm đầu mối liên hệ với Ban Tổ chức. Các thành viên trong nhóm tự thỏa thuận và thống nhất quyền và lợi ích liên quan đến tác phẩm.
Điều 6. Nguyên tắc xét chọn và trao giải
1. Bảo đảm công khai, minh bạch.
2. Bảo đảm khách quan, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, doanh nhân tham gia cuộc vận động không phân biệt thành phần kinh tế, hoạt động trong nước hay ngoài nước.
3. Bảo đảm chất lượng và hiệu quả của các góp ý, đề xuất được trao giải. Không nhất thiết phải xét trao giải đầy đủ theo số lượng, cơ cấu giải thưởng được quy định tại Điều 11 của Thể lệ này.
4. Việc xét chọn và đề xuất trao giải sẽ do Ban Giám khảo đề xuất để Ban Chỉ đạo và Ban Tổ chức xem xét, quyết định.
Điều 7. Tiêu chí xét trao giải
1. Doanh nghiệp, doanh nhân chấp hành đúng quy định tại Thể lệ này và các quy định của pháp luật.
2. Các tiêu chí xét trao giải:
- Tính đổi mới sáng tạo: Tối đa 15 điểm;
- Tính hiệu quả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế, bảo vệ môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh: Tối đa 50 điểm;
- Tính khả thi: Tối đa 20 điểm;
- Phạm vi ảnh hưởng: Tối đa 10 điểm;
- Tư duy nhận thức vấn đề: Tối đa 5 điểm.
Điều 8. Thời gian phát động, công bố thể lệ Cuộc vận động; tổ chức đánh giá, lựa chọn các góp ý, đề xuất; tổ chức Lễ tôn vinh và trao giải
1. Thời gian phát động và công bố thể lệ Cuộc vận động
- Thời gian tổ chức Lễ phát động: Tháng 9/2019;
- Địa điểm: Ban Kinh tế Trung ương;
- Thời gian tiếp nhận góp ý, đề xuất: Từ sau ngày tổ chức Lễ phát động đến 31/12/2019 (theo dấu Bưu điện/ngày gửi thư điện tử).
2. Tổ chức đánh giá, lựa chọn các góp ý, đề xuất
- Tiến hành đánh giá, lựa chọn các góp ý, đề xuất: Từ 01/1 - 30/3/2020;
- Địa điểm: Ban Kinh tế Trung ương.
3. Tổ chức Lễ tôn vinh và trao giải
- Thời gian: Dự kiến vào lúc 20h00 ngày 25 hoặc 26 tháng 4 năm 2020;
- Địa điểm: Cung văn hóa Hữu nghị, Thành phố Hà Nội;
- Truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam;
- Số lượng, thành phần đại biểu tham dự: khoảng 800-1.000 đại biểu gồm đại diện lãnh đạo Đảng và Nhà nước; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo VCCI, các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hội/hiệp hội ngành, nghề; đại diện doanh nghiệp và doanh nhân đạt giải; đại diện các cơ quan truyền thông.
Điều 9. Hồ sơ tham dự
- Các góp ý, đề xuất được viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, theo mẫu tại phụ lục đính kèm Thể lệ này.
- Nội dung góp ý, đề xuất phải rõ ràng, được viết tay hoặc đánh máy trên một mặt giấy khổ tập học sinh hoặc A4 (nếu gửi bằng văn bản).
- Góp ý, đề xuất viết dưới dạng văn xuôi kèm theo 01 bản tóm tắt theo mẫu kèm theo không quá 500 từ.
- Ban Tổ chức không hoàn trả các góp ý, đề xuất tham dự Cuộc vận động và được quyền sử dụng các tác phẩm đạt giải để phục vụ cho việc nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam và các mục đích hợp pháp khác.
- Bản quyền các góp ý, đề xuất tham dự Cuộc vận động thuộc về Ban Tổ chức.
- Hình thức gửi tác phẩm góp ý, đề xuất: Qua bưu điện hoặc thư điện tử.
+ Địa chỉ: Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo Kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, Nhà A4, đường Nguyễn Cảnh Chân, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội.
(Phong bì thư ghi rõ: Góp ý, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển kinh tế đất nước với Đảng và Nhà nước)
+ Địa chỉ Email: cuocvandong@kinhtetrunguong.vn
Điều 10. Trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân tham gia cuộc vận động
1. Cam kết các góp ý, đề xuất là của chính doanh nhân, doanh nghiệp tham gia Cuộc vận động, không sao chép, không có tranh chấp bản quyền tác giả. Trong trường hợp phát hiện có tranh chấp bản quyền tác giả, sao chép nội dung sau khi góp ý, đề xuất dự thi được trao giải thường, Ban Tổ chức thu hồi giải thưởng và doanh nghiệp, doanh nhân đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự việc này.
2. Nếu người doanh nghiệp, doanh nhân tham gia Cuộc vận động thấy giải pháp, đề xuất cần được bảo hộ (bản quyền, bằng sáng chế, …), thì phải chủ động thực hiện đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật trước ngày tổ chức Lễ tôn vinh và trao giải;.
3. Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực về nội dung, các thông tin được cung cấp và sử dụng trong tác phẩm dự thi.
4. Thực hiện đúng quy định tại Thể lệ này và các quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 11. Giải thưởng
1. Số lượng và cơ cấu giải thưởng
- 1 giải Đặc biệt: 300.000.000đ (Bằng chữ: Ba trăm triệu đồng) kèm theo Biểu trưng của Cuộc vận động và Chứng nhận của Ban Tổ chức;
- 3 giải Nhất, mỗi giải:100.000.000đ (Một trăm triệu đồng) kèm theo Biểu trưng của Cuộc vận động và Chứng nhận của Ban Tổ chức;
- 5 giải Nhì, mỗi giải: 50.000.000đ (Năm mươi triệu đồng) kèm theo Biểu trưng của Cuộc vận động và Chứng nhận giải Nhì của Ban Tổ chức;
- 10 giải Ba, mỗi giải: 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng) kèm theo Biểu trưng của Cuộc vận động và Chứng nhận của Ban Tổ chức;
- 20 giải Khuyến khích, mỗi giải: 5.000.000đ (Năm triệu đồng) kèm theo Biểu trưng của Cuộc vận động và Chứng nhận của Ban Tổ chức.
2. Ban Tổ chức hỗ trợ chi phí đi lại, ăn nghỉ cho tác giả đạt giải (doanh nhân/đại diện nhóm doanh nhân/đại diện doanh nghiệp) dự Lễ tôn vinh và trao giải thưởng.
Điều 12. Cơ quan chỉ đạo và tổ chức Cuộc vận động
1. Các cơ quan đồng chủ trì chỉ đạo và tổ chức Cuộc vận động
- Ban Kinh tế Trung ương (là cơ quan Thường trực tổ chức Cuộc vận động);
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương;
- Ủy ban Kinh tế Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Đài Truyền hình Việt Nam – VTV;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI.
2. Các cơ quan phối hợp tổ chức Cuộc vận động
- Báo Doanh nhân Sài Gòn;
- Thời báo Kinh tế Việt Nam;
- Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Điều 13. Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Tổ Thư ký
- Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức và Tổ Thư ký do Ban Kinh tế Trung ương quyết định thành lập để chỉ đạo tổ chức và triển khai các hoạt động liên quan đến Cuộc vận động.
- Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức được sử dụng con dấu của Ban Kinh tế Trung ương trong quá trình hoạt động.
- Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức được quyền sử dụng tác phẩm đạt giải để phục vụ công tác xây dựng, hoàn thiện và tuyên truyền các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước.
Điều 14. Ban Giám khảo
- Ban Giám khảo do Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định thành lập, gồm đại diện các cơ quan đồng chủ trì và tổ chức Cuộc vận động và một số chuyên gia, nhà khoa học đến từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, các trường đại học, viện nghiên cứu lớn, có uy tín…
- Ban Giám khảo có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo kết quả chấm điểm các góp ý, đề xuất để gửi Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức.
- Ban Giám khảo có trách nhiệm xem xét, đánh giá, lựa chọn các góp ý, đề xuất có chất lượng tốt, đồng thời đề xuất với Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức các góp ý, đề xuất xuất sắc nhất để xem xét, quyết định trao giải theo quy định tại Thể lệ Cuộc vận động.
- Ban Giám khảo hoạt động theo Quy chế do Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành và các quy định của pháp luật.
Điều 15. Quy trình xét chọn
1. Sơ khảo
Các góp ý, đề xuất gửi tới Cuộc vận động theo quy định sẽ được Ban Giám khảo xem xét, đánh giá để chọn ra các góp ý, đề xuất đáp ứng tiêu chí xét trao giải đưa vào vòng Chung khảo.
2. Chung khảo
Ban Giám khảo dựa trên kết quả tuyển chọn của vòng Sơ khảo sẽ tiến hành đánh giá, thẩm định, lựa chọn ra những góp ý, đề xuất xuất sắc nhất trình Ban Tổ chức, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động để xem xét, quyết định trao giải.
Điều 16. Quyền công bố các đề xuất, góp ý dự thi
1. Ban Tổ chức có quyền công bố các góp ý, đề xuất tham gia Cuộc vận động lên trang website của Ban Tổ chức, Ban Kinh tế Trung ương, các cơ quan phối hợp thực hiện và trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
2. Trường hợp tác giả hoặc nhóm tác giả không muốn Ban Tổ chức công bố các góp ý, đề xuất của mình thì phải nêu rõ trong trong bản tóm tắt và báo cáo đầy đủ gửi về Ban Tổ chức. Những góp ý, đề xuất không công bố sẽ không được xét trao giải.
Điều 17. Khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm
1. Các tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về kết quả xét, trao giải và tố cáo những hành vi vi phạm quy định Thể lệ Cuộc vận động.
- Đơn khiếu nại, đơn tố cáo phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người khiếu nại, người tố cáo, nội dung khiếu nại, tố cáo kèm theo bằng chứng và gửi cho Cơ quan Thường trực Ban tổ chức Cuộc vận động chậm nhất là 10 ngày làm việc sau ngày tổ chức tôn vinh và trao giải.
- Ban Tổ chức phối hợp với Ban Giám khảo có trách nhiệm xem xét, xử lý, trả lời đơn khiếu nại, đơn tố cáo và báo cáo kết quả xử lý lên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động.
- Không xem xét, xử lý đơn khiếu nại không có tên, địa chỉ người khiếu nại, nội dung khiếu nại không rõ ràng.
- Không xem xét, xử lý đơn tố cáo không rõ ràng, nội dung tố cáo không có bằng chứng hoặc chứng cứ kèm theo, đơn tố cáo nặc danh hoặc mạo danh.
2. Mọi hành vi gian lận, vi phạm Thể lệ Cuộc vận động sẽ được xử lý nghiêm tùy theo mức độ vi phạm, bao gồm cả thu hồi, hủy bỏ kết quả đã trao tặng.
3. Việc thu hồi, hủy bỏ kết quả đã trao tặng đối với các cá nhân, tập thể được Ban Tổ chức công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Điều 18. Sửa đổi, bổ sung
Trong quá trình thực hiện Thể lệ, nếu có bất cập, vướng mắc Ban Tổ chức sẽ xem xét, điều chỉnh phù hợp./.