Tại kỳ họp Quốc hội kỳ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu băn khoăn trước một nghịch lý đang diễn ra là vì sao năng suất lao động Việt Nam chưa cao trong khi trình độ lao động, tiến bộ khoa học, kỹ thuật ngày càng tăng?
Ảnh minh họa. Nguồn: ITN |
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn vừa diễn ra, trả lời vấn đề tăng năng suất lao động, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, tăng năng suất lao động là yếu tố quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi trọng. Thời gian qua, năng suất lao động có bước cải thiện đáng kể; tuy nhiên tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đủ nhanh để thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác trong khu vực. Năm 2022 đạt khoảng 4,7 - 5,2%, cao hơn năm 2021 (4,7%), tuy nhiên chưa đạt mục tiêu đề ra (5,6%). Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 5,8%/năm, cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011 - 2015. Năm 2021, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam khoảng 4,7%, cao nhất trong các nước ASEAN. Tuy nhiên, theo Báo cáo năm 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn khoảng 26 lần so với Singapore, 7 lần so với Malaysia, 4 lần so với Trung Quốc, 2 lần so với Philippines, 3 lần so với Thái Lan.
Nêu nguyên nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ chủ yếu là do nhận thức và đầu tư cho nhiệm vụ này chưa ngang tầm; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo, nhất là có bằng cấp, chứng chỉ chưa cao; năm 2021, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 26,1%; trình độ công nghệ còn lạc hậu; cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành sản xuất chưa thực sự hợp lý; chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ còn khó khăn…
Về giải pháp tăng năng suất lao động nhanh và bền vững, Thủ tướng nhấn mạnh đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược gồm: thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng; có cơ chế, chính sách phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề gắn với đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ; thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là ngành nông nghiệp; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số; phát triển thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ bền vững, hiệu quả, hội nhập; thúc đẩy liên kết giữa cơ quan, doanh nghiệp với các cơ sở nghiên cứu và đào tạo; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh các phong trào thi đua, đổi mới sáng tạo và có cơ chế tiền lương phù hợp để khuyến khích tăng năng suất lao động…
Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp về nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ; khuyến khích doanh nghiệp FDI đầu tư các trung tâm nghiên cứu và triển khai, đổi mới sáng tạo; tăng cường bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ…/.
Theo dangcongsan.vn