Công chức Uỷ ban nhân dân phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) trong thời giờ làm việc.
Ảnh: Lao Động
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang rất quan tâm đến đề xuất tăng lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng. Trong thời gian lỡ hẹn tăng lương 3 năm qua, đời sống của họ gặp rất nhiều khó khăn, do đó, thay vì tăng từ 1.7.2023 như đề xuất thì phải tăng càng sớm càng tốt, cụ thể là từ 1.1.2023.
Mức lương không đảm bảo cuộc sống
Tốt nghiệp bằng cử nhân đại học năm 2005, đến năm 2006, chị Nguyễn Thị Nguyệt Ánh bắt đầu công tác tại UBND phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội). Nữ công chức tiếp nhận hồ sơ hành chính này nhớ lại, thời điểm đó, chị hưởng mức lương khởi điểm dành cho cán bộ hợp đồng là 350.000 đồng/tháng.
“16 năm qua, tôi thấy mức lương có chút thay đổi nhưng không nhiều. Hiện nay, lương cơ sở đang áp dụng là 1.490.000 đồng/tháng từ năm 2019. Mức lương này không thể đảm bảo cho công chức sống giữa Thủ đô trong khi giá cả leo thang như hiện nay” - chị Ánh bày tỏ.
Nhờ có gia đình ổn định về kinh tế, chị Ánh vơi được phần nào gánh nặng. Theo chị Ánh, nhiều đồng nghiệp của chị rất chật vật lo chi tiêu trong gia đình, chăm lo cho các con. Ngoài làm công việc chuyên môn, nhiều người phải làm thêm các công việc như giao hàng, bán hàng online
Còn chị Nguyễn Thị Điệp là cán bộ công chức ngành văn hóa đã có hơn 10 năm công tác tại UBND xã thuộc đia bàn TP.Lào Cai. Chị Điệp hưởng hệ số lương 2,67, thêm trợ cấp ăn trưa 600 nghìn đồng; tổng thu nhập khoảng 5,6 triệu đồng/tháng.
Vợ chồng chị Điệp có hai con nhỏ, một cháu học lớp 7, một cháu học lớp 4. Số tiền lương của chị chỉ đủ để chi trả tiền học phí, học thêm cho các con. Để trang trải cuộc sống, chị Điệp phải chăn nuôi gia súc, gia cầm để bán cho đồng nghiệp, hàng xóm... “Trình độ thạc sĩ lương cũng không khác cử nhân là bao nhiêu. Tôi đã ngoài 40 tuổi, giờ muốn xin nghỉ cũng không biết phải làm gì, đi làm công nhân cũng quá tuổi”, chị Điệp tâm sự.
Vấn đề tăng lương thời điểm nào cũng nhận được rất nhiều quan tâm của bạn đọc Báo Lao Động. Bạn đọc N.V.T nêu phương án, nếu không tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng vào ngày 1.1.2023, thì nên tăng theo lộ trình: Ngày 1.1.2023 tăng lương cơ sở lên 1,65 triệu đồng; ngày 1.7.2023 tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng nhằm kịp thời động viên công chức, viên chức vì họ đã chờ tăng lương quá lâu.
Tăng lương cơ sở từ 1.1.2023 để tạo thành thông lệ
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, mức lương cơ sở lần được đầu tiên được áp dụng là từ năm 2013 theo Nghị định 66/2013/NĐ-CP (trước đó áp dụng mức lương tối thiểu chung).
Ông Quảng cho biết thêm, mức lương cơ sở theo Nghị định 66 được bắt đầu áp dụng từ 1.7.2013. Sau đó, định kỳ hằng năm, Chính phủ căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội, chỉ số giá tiêu dùng, các điều kiện khác để điều chỉnh. Hầu hết các Nghị định về lương cơ sở trước đây đều bắt đầu áp dụng từ 1.7.
“Trước đây, lương cơ sở được điều chỉnh định kỳ hằng năm, còn 3 năm qua chưa điều chỉnh lương cơ sở, nên theo tôi, lần tới cần điều chỉnh mức lương cơ sở như thông lệ đối với mức lương tối thiểu, tức vào thời điểm đầu năm” - ông Quảng nêu ý kiến.
Ông Quảng liệt kê từ năm 2000 đến nay có 21 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu thì chỉ có 4 lần không phải từ ngày 1.1. “Tôi nghĩ lần này nên điều chỉnh từ ngày 1.1.2023 thay vì từ 1.7.2023, điều chỉnh càng sớm càng tốt vì đời sống của cán bộ, công chức, viên chức đang gặp rất nhiều khó khăn. Họ đã chờ đợi quá lâu việc tăng lương” - ông Quảng phân tích.
Theo Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật, hiện đã đủ điều kiện để điều chỉnh lương cơ sở từ đầu năm 2023. Ngoài ra, ông Quảng cho rằng, tăng từ 1.1.2023 thì sẽ trở thành tiền lệ cho những năm sau, thuận lợi cho xây dựng kế hoạch về tài chính, ngân sách…
Theo Báo Lao động