Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ Biên tập tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW nhấn mạnh: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư về việc tổng kết các nghị quyết của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh các vùng kinh tế; Quyết định số 324-QĐ/BKTTW, ngày 18/4/2022 của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW, ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, sau khi làm việc với một số địa phương, trường đại học, Tổ Tư vấn hợp tác phát triển duyên hải miền Trung, Tổ Biên tập tổng kết Nghị quyết tổ chức Hội nghị tham vấn, cho ý kiến về một số nội dung phục vụ Tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW. Đây chính là cơ sở để xây dựng quy hoạch phát triển vùng, đồng thời cũng là căn cứ để các địa phương xây dựng quy hoạch phát triển của mình.
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ Biên tập tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW phát biểu tại hội nghị
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh, theo quy hoạch đã dược phê duyệt từ thời kỳ trước, Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ gồm 14 tỉnh, thành, chia làm 3 tiểu vùng. Cách phân chia tiểu vùng cũng khác nhau và điều quan trọng nhất để phát triển vùng là liên kết vùng. Do vậy, trong quá trình tổng kết thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, Ban Chỉ đạo dự kiến tổ chức 3 Tọa đàm về 3 tiểu vùng và 1 Hội thảo, 1 Hội nghị nhằm đánh giá về những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế, trong đó đặc biệt chú ý đến nội dung liên kết phát triển vùng.
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản tham gia ý kiến
Tại Hội nghị này, đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp ý kiến về các nội dung tổng kết, viết bài tham luận cho các tọa đàm, hội thảo trong thời gian tới, nhất là Hội thảo "Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" được tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 8/2022. Bên cạnh đó, đồng chí đề nghị các chuyên gia cho ý kiến, đề xuất về những chủ trương, chính sách, giải pháp để liên kết phát triển vùng trong bối cảnh trong nước, quốc tế giai đoạn hiện nay và thời gian tới.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tham gia ý kiến
Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận sôi nổi, đóng góp các ý kiến tâm huyết. PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế va quy hoạch thủy sản cho rằng, nội dung của các nghị quyết rất rõ ràng, tuy nhiên việc thực hiện Nghị quyết tích hợp vào trong các quy hoạch còn chưa rõ giá trị không gian, giá trị tài nguyên biển. Nội hàm và phân ngành về kinh tế biển còn chưa tôn vinh vị thế, tiềm năng về biển của địa phương. Việc thay đổi tư duy, nhận thức trong các hoạt động lần này cần phải thực hiện mạnh mẽ. GS Hồi cũng cho rằng, cần có những điều mới để nhìn có cách nhìn khác về ngành hàng hải.
PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia ý kiến
Còn TS. Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách công nghệp, Bộ Công Thương nhận định, việc tiếp tục triển khai nghị quyết về vùng là rất quan trọng. PGS Dương Đình Giám đề nghị cần quan tâm đến các báo cáo chuyên sâu về các tiểu vùng; gợi ý các nhà khoa học tiếp cận vấn đề vùng động lực. Bên cạnh đó nên mở rộng các chuyên đề, nên có các chuyên gia bình luận đánh giá về báo cáo của Bộ, ngành đề xuất.
TS Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách công nghệp, Bộ Công Thương tham gia ý kiến
Thảo luận về vấn đề liên kết vùng, GS.TS. Lương Công Nhớ, nguyên Giám đốc Đại học Hàng hải cho rằng, cần có cách nhìn nhận mới, đột phá về liên kết vùng; liên kết vùng rất cần thiết nhưng hiện nay có thể thấy liên kết vùng chưa phát huy được hiệu quả. TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, khi đánh giá các nghị quyết về các vùng thì cần đánh giá, bám sát theo nghị quyết, thu thập số liệu đúng với mục tiêu nghị quyết, cần đánh giá các giải pháp đã triển khai thực hiện thế nào; đi sâu vào nội dung của từng văn bản, có giải pháp gì để gắn với thực hiện nghị quyết.
GS.TS. Lương Công Nhớ, Nguyên Giám đốc Đại học Hàng hải tham gia ý kiến
Các đại biểu đồng tình cho rằng, đây là thời điểm và cơ hội tổng kết các nghị quyết về vùng. Qua đó, tìm ra cách làm mới, tư duy mới cho sự phát triển vùng. Các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học cũng thảo luận sôi nổi về các vấn đề trong liên kết phát triển vùng như giao thông vận tải, cảng biển, giảm nghèo, phòng chống thiên tai… đồng thời mong muốn đóng góp cho sự thành công của sự kiện sắp tới cũng như tham gia ý kiến về nội dung các chuyên đề của hội thảo, tọa đàm.
Quang cảnh hội nghị
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học với các ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm; khẳng định ý kiến của các đại biểu sẽ được tiếp thu, tiếp tục nghiên cứu để đưa vào trong quá trình tổng kết Nghị quyết. Đồng chí mong muốn sự tham gia đầy đủ của các chuyên gia, nhà khoa học tại các tọa đàm, hội thảo, hội nghị cùng với những ý kiến chuyên sâu góp phần giúp cho Ban Chỉ đạo hoàn thành nhiệm vụ tổng kết nghị quyết quan trọng về vùng nói chung và Nghị quyết 39-NQ/TW nói riêng./.
Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế