Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc trọng thể vào ngày 23/10/2023, dự kiến bế mạc vào ngày 28/11/2023 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Luật Đất đai (sửa đổi)
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được chỉnh lý trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và ý kiến Nhân dân. Trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, ý kiến các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Ngày 25/8/2023, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Luật tại Phiên họp thứ 25. Thực hiện kết luận của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật. Ngày 31/8/2023, dự thảo Luật được báo cáo, xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách. Ngày 29/9/2023, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý tại Phiên họp thứ 26.
Sau phiên họp, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ dự thảo Luật.
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 265 điều (bỏ 4 điều, bổ sung 06 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5).
Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và ý kiến các cơ quan của Quốc hội, ý kiến của các chuyên gia, đối tượng chịu tác động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, tổ chức một số cuộc hội thảo tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, các đối tượng chịu sự tác động của dự án Luật để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện dự thảo Luật; xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách.
Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 83 điều (bỏ 11 điều, bổ sung 2 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5).
Luật Nhà ở (sửa đổi)
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tổ chức các cuộc làm việc, giám sát, khảo sát thực tế tại một số địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội có liên quan, tổ chức một số cuộc hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác giải trình, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật; xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương, 196 điều.
Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật. Ngay sau Kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBTVQH, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; tham khảo kinh nghiệm quốc tế; tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các vị ĐBQH tại Kỳ họp thứ 5.
Tại Phiên họp thứ 25, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban KH,CN&MT phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến tại Phiên họp, chỉnh lý dự thảo Luật trình Hội nghị ĐBQH chuyên trách ngày 28/8/2023.
Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua gồm 10 chương, 86 điều.
Luật Viễn thông (sửa đổi)
Luật Viễn thông (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 5. Ngay sau kỳ họp, UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban KH,CN&MT chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Thông tin và Truyền thông) và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật; tổng hợp, nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các vị ĐBQH; tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Luật, nhất là những nội dung còn có ý kiến khác nhau.
Tại Phiên họp thứ 25 của UBTVQH và Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, dự thảo Luật đã được thảo luận, cho ý kiến. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm 10 chương, 73 điều.
Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự
Tại Kỳ họp thứ 5, các vị ĐBQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.
Tại Phiên họp thứ 25, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến ĐBQH và chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Luật gửi xin ý kiến Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách và xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và các cơ quan hữu quan liên quan.
Dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trình Quốc hội thông qua gồm 6 chương, 34 điều.
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Tại Kỳ họp thứ 5, các vị ĐBQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.
Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trình Quốc hội thông qua gồm 5 chương, 34 điều.
Luật Căn cước công dân (sửa đổi)
Tại Kỳ họp thứ 5, các vị ĐBQH đã thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật; đánh giá cao việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh; cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo Luật và góp ý nhiều vấn đề cụ thể. Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Tại phiên họp thứ 25, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến ĐBQH và chỉ đạo Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật gửi xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan hữu quan.
Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua gồm 7 chương, 46 điều.
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức các cuộc hội thảo xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các đối tượng chịu tác động của dự án Luật để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện dự thảo Luật. Đây là dự án Luật có nhiều nội dung phức tạp, chuyên môn sâu, có tác động lớn đến nhiều đối tượng và cả kinh tế vĩ mô của đất nước, do đó, việc rà soát, tiếp thu, chỉnh lý đã được Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiến hành một cách thận trọng, kỹ lưỡng.
So với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 208 điều (tăng 3 chương và 13 điều).
Theo VTV