Đối mặt nhiều thách thức
Từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức to lớn bắt nguồn từ những bất ổn của tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu.
Đánh giá về khó khăn của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, chưa bao giờ các doanh nghiệp Việt Nam khó khăn như tại thời điểm hiện nay và đặc biệt những tháng đầu năm 2023, thậm chí còn khó khăn hơn cả trong thời gian có đại dịch COVID -19. “Đối với các doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp xuất nhập khẩu hay kinh doanh tại thị trường nội địa, khó khăn nhất hiện nay của họ là về đầu ra”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định.
Từ cuối năm 2022 và đặc biệt là đầu năm 2023, kinh tế thế giới phục hồi chậm, tổng cầu suy giảm, lạm phát cao ở các nước phát triển, nhất là ở các thị trường chúng ta có thế mạnh xuất khẩu như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc... Đồng thời, việc duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt và hàng tồn kho ở mức cao sau đại dịch COVID -19 khiến đơn hàng nhập khẩu hàng hoá của các thị trường xuất khẩu chính của nước ta sụt giảm...
Số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Hoa Kỳ trong 7 tháng qua giảm 24%; EU giảm 9,6%; Hàn Quốc giảm 3,2%; Trung Quốc giảm 7,2%, duy chỉ có Nhật Bản tăng 5,1% tương ứng với 2,16 tỷ USD.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas đánh giá, tổng cầu dệt may thế giới năm nay có khả năng giảm từ 8 đến 10%, do vậy, ngành dệt may Việt Nam tiếp tục đối mặt với khó khăn sang đến đầu năm 2024.
Đại diện VITAS đánh giá cao sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian qua và mong muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ từ Chính phủ, tiếp tục cho vay từ Ngân hàng chính sách xã hội lãi suất 0% để trả lương người lao động, hỗ trợ tiền nhà cho người lao động, phí công đoàn nên để lại công đoàn cơ sở để lo cho người lao động, giãn hoãn, khởi động lại chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho rằng, trong những năm qua, mặc dù ngành công nghiệp gỗ từng đặt ra mục tiêu đến 2025 đạt 20 tỷ USD và trở thành quốc gia xuất khẩu lớn sau Trung Quốc, tuy nhiên, những năm gần đây, ngành này đã và đang gặp phải không ít khó khăn, khi sản lượng xuất khẩu của năm nay so với các năm trước giảm đáng kể.
Mong muốn của các doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành là nguồn vốn vay ngoại tệ có thể giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, tăng tính cạnh tranh.
Ngày 10/10/2023, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết đặt ra mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.
Hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn
Theo đánh giá chung của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, bên cạnh những khó khăn về thị trường, tài chính, vốn, cạnh tranh, thì một trong những trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay là thủ tục hành chính, quy trình tiếp cận gói hỗ trợ.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cần thiết thực hiện cải cách thể chế. “Cải cách thể chế có ý nghĩa quan trọng, thậm chí quan trọng hơn cả chính sách tài khoá và tiền tệ trong ngắn hạn. Không chỉ đơn giản thủ tục hành chính, mà còn hướng đến cắt giảm chi phí đầu tư phát sinh từ quy định pháp luật”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Theo ông Phan Đức Hiếu, thời gian tới cần tập trung kiểm soát quy định mới làm gia tăng chi phí. Nếu thực sự chưa cấp bách, không nên ban hành quy định mới. Nếu phải ban hành quy định thì cần có lộ trình áp dụng phù hợp để doanh nghiệp có thời gian ổn định và chuẩn bị phương án tuân thủ.
Về lâu dài nghiên cứu cơ chế bền vững thúc đẩy cải cách thể chế thường xuyên. Theo kinh nghiệm thế giới, cải cách thể chế nếu chỉ xuất phát đơn lẻ, bột phát từ chính các cơ quan ban hành thể chế sẽ không hiệu quả. Để thực hiện hiệu quả, nhiều nước trên thế giới đều thành lập cơ quan độc lập có thẩm quyền thuộc Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ với chức năng giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế, được trao thẩm quyền mạnh. Trong tình hình Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới, cần nghiên cứu đề xuất thành lập cơ quan tương ứng như vậy để cải cách thể chế bền vững, hiệu quả, thường xuyên.
Ở góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương thường xuyên, kịp thời theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là các điều chỉnh chính sách của các thị trường lớn mà Việt Nam đang xuất khẩu để kịp thời đưa ra cảnh báo cho doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ để có các phản ứng chính sách phù hợp.
Cùng với đó, Bộ sẽ tăng cường và đổi mới xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, nhiều tiềm năng, tăng cường tuyên truyền, phố biến và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các thế mạnh, những ưu đãi trong các FTA đã và chuẩn bị ký kết.
Đặc biệt, Bộ cũng cảnh báo sớm về biện pháp phòng vệ thương mại của các nước, đặc biệt là các nước đang có kim ngạch xuất khẩu lớn... để hỗ trợ doanh nghiệp.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương và đặc biệt là doanh nghiệp, dựa trên yêu cầu, kiến nghị của doanh nghiệp, để có thể tổ chức các hoạt động hết sức cụ thể, thiết thực cho các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh hoạt động về kinh doanh, trong đó có hoạt động xuất khẩu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Cơ hội từ trật tự kinh tế mới
Phát biểu tại Hội nghị Toàn quốc các Hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam năm 2023 ngày 11/10, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, với số lượng doanh nghiệp hiện nay, đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp đã đạt con số từ 2-3 triệu người, còn nếu tính tất cả những người làm kinh doanh, những hộ kinh doanh cá thể thì đội ngũ doanh nhân có thể đạt tới 10 triệu người. Đây là một nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, có vai trò quan trọng trong thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập của nước Việt Nam thời kỳ mới.
Theo một khảo sát gần đây do Viện Phát triển Doanh nghiệp của VCCI thực hiện, năng lực tham gia ý kiến và đề xuất xây dựng chính sách pháp luật được các doanh nghiệp đánh giá là yếu nhất trong các năng lực của phần lớn hiệp hội doanh nghiệp. Chủ tịch VCCI cho biết, thời gian tới, VCCI sẽ tổ chức các chương trình tập huấn, bồi dưỡng năng lực cho các hiệp hội trong lĩnh vực này.
Ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh, hiện nay kinh tế nước ta và thế giới đều đang gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp lại càng khó khăn. Nhưng bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn cũng đang tạo ra cơ hội lịch sử cho Việt Nam tham gia và tạo vị thế mới trong các chuỗi giá trị quốc tế. Sự đứt gãy và sắp xếp lại của chuỗi cung ứng quốc tế do dịch COVID-19 và do xung đột địa chính trị đang tạo ra cơ hội hiếm có để Việt Nam đón nhận làn sóng các nhà đầu tư, dòng vốn và công nghệ đang tìm điểm đến mới. Các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt cơ hội phát triển từ trật tự kinh tế mới, từ các xu thế phát triển mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Cùng với đó, để hội nhập quốc tế thành công và phát triển bền vững, doanh nhân, doanh nghiệp phải trang bị cho mình bản sắc văn hoá kinh doanh. “Đạo đức doanh nhân là yếu tố cốt lõi để xây dựng văn hoá kinh doanh, văn hoá kinh doanh lại là yếu tố nền tảng để phát triển doanh nghiệp bền vững, tạo thêm “sức mạnh mềm” cho doanh nghiệp trong hội nhập và phát triển, đồng thời đưa văn hoá kinh doanh của giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam xứng tầm với tương lai nước ta sẽ trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Theo Báo Tin tức