Đảng lấy dân làm gốc
93 năm qua (3.2.1930 - 3.2.2023), trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đúc kết được nhiều bài học có giá trị lý luận và thực tiễn cao. Một trong những bài học hàng đầu chính là phải lấy dân làm gốc, không được xa rời quần chúng nhân dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tin tưởng vào sức mạnh và trí tuệ của nhân dân, Người khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Vì vậy, Người chủ trương: “Cách làm là: Dựa vào lực lượng của dân, Tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân”.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: Phải ra sức thực hành dân chủ, thật sự tôn trọng quyền làm chủ của quần chúng, dân chủ về kinh tế, dân chủ về chính trị. Mọi hành động xa rời quần chúng nhân dân và đi ngược lại quyền lợi của quần chúng nhân dân sẽ khiến cho sức mạnh của Đảng suy yếu. Ngược lại, nếu như Đảng trong sạch, vững mạnh thì lợi ích của nhân dân, dân tộc và đất nước sẽ được đảm bảo và không ngừng tăng lên.
Vì vậy, mỗi người dân cần nhận thức đầy đủ về trách nhiệm và quyền hạn của mình trong việc tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, khắc phục những sai lầm, khuyết điểm của Đảng với mong muốn rất đúng đắn: Đảng trong sạch, vững mạnh hơn để lãnh đạo đất nước, dân tộc giàu mạnh hơn.
Dựa vào dân xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), Đảng Cộng sản Việt Nam dựa vào nhân dân trực tiếp tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhân dân trực tiếp phản ánh, góp ý với cấp ủy đảng về công tác cán bộ, các chủ trương, đường lối lớn của Đảng.
Nhân dân có quyền góp ý, kiến nghị đối với tổ chức Đảng và chính quyền, phát hiện những yếu kém, khuyết điểm của tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên, nhất là phát hiện những tiêu cực như tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm” hoặc nhân dân tham gia xây dựng chỉnh đốn Đảng thông qua hoạt động đối thoại, tiếp công dân, tiếp nhận và kịp thời chỉ đạo xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và giải quyết những kiến nghị, phản ánh của nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Ngoài việc tham gia trực tiếp, nhân dân cũng gián tiếp tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng thông qua hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp và các đại biểu do dân bầu; thông qua Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị xã hội.
Thông qua hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân đều có thể tham gia giám sát các cơ quan, tổ chức đảng trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo đúng chức năng, quyền hạn của cơ quan, đơn vị mình; tham gia giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên có chức có quyền, những người làm ở những lĩnh vực dễ nảy sinh vi phạm… Qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiều mặt trong công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, kiểm tra, giám sát, việc chấp hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng.
Bằng các thiết chế ở cơ sở như: Quy chế dân chủ ở cơ sở; quy định về việc đảng viên tham gia sinh hoạt ở khu dân cư, thanh tra nhân dân… cũng đã tạo thêm để nhân dân góp ý để xây dựng và hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; giám sát đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức về nhiều mặt; tham gia xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Để phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua thực hiện quyền tố cáo, thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực cần phải đề cao trách nhiệm và có những biện pháp thiết thực bảo vệ người tố cáo theo quy định của Luật Tố cáo để tránh việc trù dập, trả thù của người bị tố cáo.
Nhà nước cần nghiên cứu quy định cụ thể về nguồn kinh phí và những cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động bảo vệ người tố cáo trong trường hợp cần thiết của các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan khác có liên quan. Ngoài hai hình thức tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp theo quy định của Luật Tố cáo, cần phải mở rộng thêm các hình thức phản ánh, tố cáo bằng điện thoại thông qua đường dây nóng hoặc trên mạng xã hội. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải công khai các hộp thư, số điện thoại của mình và thường xuyên theo dõi, tổ chức kiểm tra, xác minh ngay những thông tin về tham nhũng, tiêu cực do nhân dân cung cấp.
Đồng thời, công khai về tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên đang giữ chức vụ hoặc đang dự kiến bổ nhiệm vào chức vụ trong các lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm ở cơ quan và nơi người đó cư trú. Có như vậy thì nhân dân mới có cơ sở thực hiện việc giám sát, phát hiện nếu có bất minh về kinh tế, tài sản, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Theo báo Lao động