Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sinh ra và lớn lên trên quê hương Hải Dương một vùng đất có bề dày truyền thống yêu nước và hiếu học. Trong gần 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước giao giữ nhiều trọng trách quan trọng. Dù ở cương vị nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, đồng chí cũng hết lòng phụng sự đất nước, chăm lo đến hạnh phúc của nhân dân, nêu gương sáng về đạo đức cách mạng. Là người phụ trách ngành tài chính của Đảng trong nhiều năm, đồng chí luôn nêu cao tấm gương sáng về tinh thần liêm khiết. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng được các đồng chí trong Đảng gọi bằng cái tên thân yêu và kính trọng là “Anh Cả”.
Trong những năm phụ trách công tác kinh tế, tài chính của Đảng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã đề xuất và tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách đúng đắn và sáng tạo về kinh tế, tài chính; xây dựng những cơ sở sản xuất, kinh doanh bảo đảm khối lượng kinh tế, tài chính to lớn góp phần tích cực vào sự thắng lợi của cách mạng. Đồng chí cũng là người lãnh đạo chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ tài chính của Đảng có phẩm chất và năng lực, những cán bộ cốt cán cho các ngành kinh tế và tài chính của Nhà nước.
Hàng đầu từ trái sang: Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Tướng Phạm Kiệt và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu |
Sau khi chuyển lên Chiến khu Việt Bắc, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng phụ trách công tác kinh tế, tài chính của Đảng. Thực hiện nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Ban Kinh tế - Tài chính Trung ương được thành lập. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử giữ chức Trưởng ban. Ban Kinh tế - Tài chính Trung ương hoạt động theo chức năng vừa nghiên cứu vừa giúp Trung ương hoạch định đường lối kinh tế, tài chính chung, vừa làm công tác tài chính Đảng.
Nhận nhiệm vụ Trưởng ban Kinh tế - Tài chính Trung ương, đồng chí Nguyễn Lương Bằng thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kháng chiến lâu dài, vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng đề xuất với Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị cán bộ kinh tế, tài chính Bắc Bộ. Hội nghị đã đề ra phương hướng kinh doanh thống nhất, chủ yếu là sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp; hoạch định chương trình hoạt động và đề ra các nguyên tắc phối hợp, giúp đỡ nhau. Sau Hội nghị, đồng chí Nguyễn Lương Bằng chỉ đạo Ban Kinh tế - Tài chính Trung ương phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra tài sản của tỉnh để thống nhất lên khu. Nhờ đó, công tác quản lý tài chính dần đi vào nền nếp.
Quán triệt tinh thần cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, trên cương vị phụ trách công tác kinh tế - tài chính, đồng chí Nguyễn Lương Bằng chỉ đạo tiến hành xây dựng một số cơ sở công nghiệp quốc phòng và xưởng quân giới. Ngay trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc, những xưởng công binh của ta đã sản xuất súng, lựu đạn cung cấp cho quân đội đánh giặc và dần dần từ những công binh xưởng đã phát triển trở thành những xưởng quân giới lớn, sản xuất nhiều loại vũ khí mới nhằm phục vụ kháng chiến lâu dài. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã lãnh đạo tổ chức công nhân đưa các thiết bị máy móc lên vùng rừng núi Tuyên Quang, xây dựng nhà máy cơ khí đầu tiên trong kháng chiến và đặt tên là Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo. Đây là đứa con đầu lòng của công nghiệp Việt Nam ra đời trong kháng chiến. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo đã vượt qua khó khăn, thiếu thốn, dần dần ổn định hoạt động. Bước đầu, Nhà máy đã sản xuất được các loại máy in, đúc chữ in, máy nghiền bột giấy, dập vỏ đạn, sản xuất phụ tùng máy móc..., kịp thời phục vụ cho nhu cầu của công cuộc kháng chiến.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về cơ sở vật chất, kinh tế - tài chính cho các hoạt động của Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng tiếp tục chỉ đạo xây dựng nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh về công nghiệp, tiểu công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, vận tải. Từ năm 1947 đến năm 1950, ngoài các xưởng quân giới và Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã chỉ đạo xây dựng một số nhà in[1] và các xưởng giấy[2], các xưởng này cùng với Xưởng giấy Hoàng Văn Thụ của Chính phủ đã cung cấp đủ giấy in sách, báo của Đảng, Chính phủ, các đoàn thể và cung cấp một phần quan trọng giấy viết cho các cơ quan, bộ đội và nhân dân. Đồng chí cũng luôn quan tâm đến hoạt động lưu thông phân phối, ngoại thương, tiền tệ nhằm bảo đảm nguồn dự trữ lương thực, hàng hoá thiết yếu phục vụ kháng chiến, chống lại ý đồ bao vây, bóp nghẹt kinh tế - tài chính của thực dân Pháp.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trưởng ban Kinh tế - Tài chính các Khu ủy ở Bắc Bộ để xác định phương hướng kinh doanh, xây dựng tài chính. Hội nghị đã quán triệt cho các trưởng ban phương hướng kinh doanh xây dựng tài chính của Đảng, đồng thời đề xuất việc tăng cường kiểm tra để đưa việc chi tiêu vào quy củ.
Tại Hội nghị cán bộ kinh tế, tài chính toàn quốc bàn về chủ trương, phương hướng công tác tài chính, kinh doanh của Đảng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đề xuất một số chủ trương lớn về tài chính nội bộ Đảng. Nội dung chương trình kinh tế, tài chính của Hội nghị được Ban Thường vụ Trung ương thông qua và dùng để chỉ đạo hoạt động kinh tế, tài chính của Đảng và Nhà nước cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Sau Hội nghị, bên cạnh chức vụ Trưởng ban Kinh tế - Tài chính, phụ trách chung, đồng chí Nguyễn Lương Bằng trực tiếp phụ trách Tiểu ban Ngân sách.
Bên cạnh việc thống nhất phương hướng, nguyên tắc hoạt động tài chính làm công cụ chỉ đạo chung, ngay từ thời gian đầu đảm trách lãnh đạo Ban Kinh tế - Tài chính Trung ương, đồng chí Nguyễn Lương Bằng rất quan tâm đến công tác đào tạo đội ngũ cán bộ làm kinh tế, tài chính của Đảng và tiến hành tổ chức được một mạng lưới kinh tế, tài chính từ Trung ương đến các địa phương để phục vụ kháng chiến. Để nâng cao trình độ, năng lực cán bộ làm công tác tài chính Đảng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã chỉ đạo và phối hợp với các cấp ủy địa phương chọn lựa những cán bộ thích hợp, tin cậy để đưa đi bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về tài chính.
Tháng 8-1950, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được Trung ương Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ chuẩn bị thành lập Ngân hàng quốc gia Việt Nam, nhưng vẫn thay mặt Trung ương Đảng phụ trách Ban Tài chính của Đảng.
Trong bối cảnh vừa kháng chiến vừa kiến quốc, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kháng chiến lâu dài, trước những khó khăn, thử thách thì mới thấy rõ vai trò và những đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Tinh thần cách mạng, đạo đức của đồng chí Nguyễn Lương Bằng là tấm gương cho các thế hệ cách mạng học tập và noi theo./.
Tài liệu tham khảo :
- Nguyễn Lương Bằng tiểu sử (Chương trình sưu tầm tài liệu, viết sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam)
- Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Đồng chí Nguyễn Lương Bằng- Người cộng sản kiên trung, mẫu mực nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và Cách mạng Việt Nam