Kinh tế tư nhân tăng cả về số lượng, quy mô
Phát biểu tại Hội thảo công bố báo cáo "Nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) Việt Nam trong giai đoạn mới", tổ chức ngày 19/10 tại Hà Nội, TS. Nguyễn Thị Luyến – Phó trưởng ban, Ban Nghiên cứu cải cách và Phát triển doanh nghiệp (CIEM) – cho biết: Giai đoạn từ năm 2011 đến nay, khối KTTN đã có sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, giai đoạn 2006-2014, mỗi năm cả nước có khoảng 70.900 doanh nghiệp tư nhân mới thành lập, thì đến giai đoạn 2015-2020 con số này đã tăng lên đến 122.500 doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm. Trong 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng cả nước vẫn có 85.483 doanh nghiệp thành lập mới.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Luyến, số lượng doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động cũng tăng đáng kể. Năm 2011 có khoảng 325.000 doanh nghiệp tư nhân hoạt động thì sang năm 2019 đã tăng lên 647.000 doanh nghiệp. Quy mô vốn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân cũng tăng mạnh, từ 6.875 nghìn tỷ đồng vào năm 2011 lên đến 24.024,5 nghìn tỷ đồng vào năm 2019, tăng gấp 3,5 lần…
Khu vực kinh tế tư nhân tăng cả về số lượng và quy mô
|
Theo CIEM, kết quả trên có được nhờ chủ trương phát triển KTTN gắn liền với quá trình chuyển đổi nền kinh tế của Đảng và Nhà nước những năm qua. Thể chế hóa các chủ trương đó, nhiều chính sách thúc đẩy phát triển, nâng cao năng lực của khu vực KTTN được ban hành và hoàn thiện như: Quyền tự do kinh doanh, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tận dụng tiềm năng, cơ hội để kinh doanh phát triển; cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho gia nhập thị trường theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục; cải cách doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh tạo dư địa, không gian và cơ hội kinh doanh cho khu vực KTTN đầu tư nâng cao năng lực.
Qua đó, năng lực của khu vực KTTN đã được cải thiện, số lượng doanh nghiệp khu vực tư nhân trong TOP 10, TOP 50, TOP 100 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam tăng qua các năm, trong đó có cả những doanh nghiệp, doanh nhân vươn tầm thế giới, khu vực. Hiệu quả hoạt động cải thiện; khu vực KTTN đóng góp quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và luôn đồng hành cùng các cấp chính quyền để thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, điều này được thể hiện rõ nét trong giai đoạn đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay. Trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã kịp thời thích ứng, nắm bắt cơ hội để tìm hướng đi mới, ứng dụng các giải pháp công nghệ, cơ cấu lại sản xuất, sản phẩm và đứng vững trong đại dịch Covid-19.
Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân chưa phản ánh đúng tiềm năng hiện có
|
Tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển
Mặc dù đã có những cải thiện tích cực, tuy nhiên, nhiều ý kiến tại hội thảo vẫn cho rằng, năng lực của khu vực KTTN còn nhiều hạn chế. Khu vực KTTN đông về số lượng nhưng chủ yếu quy mô nhỏ, siêu nhỏ, thiếu vắng doanh nghiệp quy mô lớn và vừa; trình độ công nghệ, trình độ quản trị không cao, khả năng liên kết, hợp tác kinh doanh còn hạn chế, năng lực tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu còn yếu. Đóng góp của khu vực KTTN chưa thực sự tương xứng với số lượng, quy mô và chưa phản ánh đúng tiềm năng. Năng lực chống chịu trước "cú sốc" đại dịch Covid-19 của KTTN còn hạn chế.
Nguyên nhân được xác định bao gồm cả nguyên nhân nội tại của KTTN và nguyên nhân từ cơ chế, chính sách của nhà nước. Trong đó, nguyên nhân nội tại là những yếu kém, hạn chế làm cản trở quá trình nâng cao năng lực của khu vực KTTN Việt Nam. Về cơ chế, chính sách, vẫn còn tồn tại những cơ chế, chính sách làm cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh "ngại" lớn. Chính sách hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả hoặc chậm thực hiện, doanh nghiệp khó tiếp cận. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao, điều hành thiếu nhất quán, đặc biệt ở địa phương trong giai đoạn dịch Covid-19, môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế.
Để nâng cao năng lực của khu vực KTTN, theo các chuyên gia kinh tế, trước mắt cần tập trung vào các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động; đảm bảo điều kiện để "sống chung" với đại dịch. Đồng thời, tập trung các giải pháp tháo gỡ những khó khăn về dòng tiền; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận khoản vay mới để khôi phục sản xuất, kinh doanh,
Về trung và dài hạn, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cần có các chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và lớn, phát triển một số tập đoàn KTTN lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh với khu vực, quốc tế; khuyến khích, hỗ trợ khu vực KTTN xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp…
Theo báo Công Thương