Sáng ngày 29 tháng 04 năm 2021, tại Hội trường Viện Kinh tế Việt Nam đã diễn ra buổi tọa đàm khoa học với chủ đề "Chiến lược của Trung Quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn 5 năm lần thứ 14 (2021 – 2025)". Đồng chủ trì tọa đàm là PGS.TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và TS. Nguyễn Xuân Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc.
Tọa đàm còn có sự tham gia của TS. Hà Thị Hồng Vân – Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Trung Quốc (Viện Nghiên cứu Trung Quốc), TS. Nguyễn Bình Giang – Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, TS. Đào Thị Hoàng Mai – Trưởng phòng Phòng Kinh tế nông thôn (Viện Kinh tế Việt Nam), TS. Trần Công Thắng – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, TS. Đặng Kim Sơn – Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, TS. Hoàng Thế Anh – Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, TS. Vũ Tuấn Anh – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, tọa đàm còn có sự góp mặt của các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành và các cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam.
Toàn cảnh tọa đàm
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn khẳng định mục đích của Tọa đàm nhằm chia sẻ quan điểm, thông tin và đưa ra những vấn đề nghiên cứu kế hoạch kinh tế Trung Quốc và kế hoạch "tam nông" của Trung Quốc giai đoạn 2021 – 2025, cũng như học tập và áp dụng những chiến lược của Trung Quốc với Việt Nam.
Mở đầu tọa đàm, TS. Hà Thị Hồng Vân đã trình bày bài tham luận "Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc". Bài tham luận đã cung cấp một số thông tin cơ bản về bối cảnh của Trung Quốc hiện nay, các thông tin về quy hoạch lần thứ 14 và đánh giá thông tin cơ bản về quy hoạch 5 năm lần thứ 14 và phát triển kinh tế xã hội Trung Quốc đến năm 2035. Theo TS. Hà Thị Hồng Vân quy hoạch lần thứ 14 có 5 điểm mới của so với quy hoạch trước đó của Trung Quốc: (i) Không đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế; (ii) Chú trọng "Chiến lược tuần hoàn kép"; (iii) Thúc đẩy kỹ thuật số; (iv) Đảm bảo an ninh lương thực; (v) Có riêng một chương về tăng cường đam bảo thục thi quy hoạch. Cũng theo diễn giả, Việt Nam đang có những cơ hội về đầu tư và thương mại khi Trung Quốc thực hiện chính sách, tuy nhiên cũng có nhiều thách thức để đạt được cơ hội này. Vì vậy Việt Nam cần có những điều chỉnh thích hợp để không bị tác động từ những quy hoạch phát triển của Trung Quốc.
TS. Nguyễn Xuân Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc
Kết thúc Phiên 1 với phần trình bày của 2 diễn giả, tọa đàm bước sang phiên thảo luận. Theo TS. Vũ Tuấn Anh cần phải xác định chủ thể chính của "bức tranh" nông thôn Trung Quốc dựa trên cơ sở đó Việt Nam mới có thể xem xét và học tập các chiến lược cũng như chính sách về "tam nông" của Trung Quốc.
TS. Vũ Quốc Huy cho rằng Việt Nam hy vọng học tập chiến lược từ Trung Quốc tuy nhiên việc thực hiện là rất khó bởi bối cảnh và nguồn lực của Việt Nam và Trung Quốc có sự chênh lệch lớn, và đưa ra câu hỏi có thực sự là Trung Quốc đã đặt vấn đề và giải quyết tuần tự các vấn đề của "tam nông" hay không.
Ngoài nội dung bình luận của các chuyên gia, một số nhà khoa học cũng đã đặt ra một số câu hỏi đối với các diễn giả như câu hỏi về vấn đề về nông thôn số, về "tuần hoàn kép".
Mở đầu Phiên 2 của tọa đàm, TS. Nguyễn Bình Giang trình bày tham luận về "Chính sách tam nông của Trung Quốc và Việt Nam nhìn từ góc độ so sánh". Điểm xuyên suốt tham luận là so sánh việc thực hiện chính sách "tam nông" của Việt Nam với Trung Quốc qua các thời kỳ trước cải cách, cải cách và thời kỳ điều chỉnh. Qua đó, diễn giả cho thấy những vấn đề tiêu cực trong "tam nông" ở Trung Quốc và Việt Nam thời kỳ trước cải cách và thời kỳ cải cách là những vấn đề nảy sinh nằm ngoài dự kiến. Đây là hậu quả của đường lối duy ý chí, giáo điều... chính vì thế cần có những chiến lược nhằm đề phòng những vấn đề nảy sinh ngoài dự kiến trong thời kỳ điều chỉnh.
TS. Nguyễn Bình Giang, Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế
Tiếp tục chương trình của tọa đàm, TS. Đào Thị Hoàng Mai đã trình bày bài tham luận "Vấn đề tam nông của Việt Nam: Thực trạng và Chính sách". Bài trình bày thực trạng và giới thiệu về các chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại. Từ đó đưa ra kết luận: dù nông nghiệp, nông thôn, nông dân là ba vấn đề khác nhau nhưng cần tiếp cận và phát triển những vấn đề này theo hướng đồng bộ, bền vững bởi nông nghiệp liên quan chủ yếu đến kinh tế, trong khi đó nông thôn và nông dân liên quan nhiều hơn đến lĩnh vực xã hội và môi trường.
TS. Đào Thị Hoàng Mai, Trưởng phòng Phòng kinh tế Nông thôn, Viện Kinh tế Việt Nam
Tọa đàm bước sang phần thảo luận.
TS. Đặng Kim Sơn nhấn mạnh Việt Nam nên học tập một cách có chọn lọc lọc các chiến lược về "tam nông" của Trung Quốc khi Trung Quốc là một nước lớn có trình độ phát triển hơn Việt Nam. Khi đó sẽ không làm xáo trộn kết cấu nông thôn cũng như làm quá tải đô thị.
TS. Hoàng Thế Anh đưa ra 4 cách tiếp cận từ góc độ tổng thể: (i) Góc độ về chiến lược/ chiến thuật; (ii) Lợi ích của Trung ương và địa phương, của doanh nghiệp và người nông dân; (iii) Ngành nghề; (iv) Chính trị đảng cầm quyền và cá nhân lãnh tụ để giải quyết vấn đề "tam nông" ở Trung Quốc cũng như Việt Nam.
TS. Đặng Kim Sơn góp ý cho tọa đàm
TS. Hoàng Thế Anh góp ý cho tọa đàm
TS. Đặng Thị Phương Hoa cũng đóng góp một số ý kiến cho tọa đàm, tiếp cận từ góc độ các nhà nghiên cứu Nga về vấn đề "tam nông" của Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay. Thứ nhất, việc thúc đẩy phục hồi nông thôn trên diện rộng và cải thiện chiến lược đô thị hóa mới. Thứ hai, cấp thường trú thành thị cho người dân đến từ khu vực nông thôn. Thứ ba, Trung Quốc chú trọng đầu tư cho công nghệ với chiến lược bigdata hồi sinh các cộng đồng nông thôn.
Buổi tọa đàm khoa học đã kết thúc thành công tốt đẹp và để lại nhiều ấn tượng cho các đại biểu tham dự.
Theo vie.vass.gov.vn