Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Tiền tệ quốc tế thuộc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Số hóa Tây Ban Nha, bà Nadia Calvino.
Theo bà Calvino, chống lạm phát là một ưu tiên và các ngân hàng trung ương cam kết mạnh mẽ với mục tiêu bảo đảm bình ổn giá. Trong quá trình này, việc thông tin rõ ràng về chính sách và bảo đảm tính độc lập của ngân hàng trung ương là hết sức cần thiết, giúp tránh những biến động thái quá của thị trường, hạn chế tác động tiêu cực xuyên biên giới và duy trì độ tin cậy của chính sách.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki kêu gọi cộng đồng quốc tế theo dõi sát tác động của những đợt biến động tỷ giá hối đoái gần đây tới lạm phát, dòng vốn và nợ, đồng thời giải quyết các vấn đề này một cách phù hợp; Bộ trưởng Suzuki nhấn mạnh, sự bấp bênh thái quá hoặc các chuyển động hỗn loạn của tỷ giá hối đoái có thể tác động sự ổn định kinh tế và tài chính.
Trước đó, tại họp báo bên lề cuộc họp của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), Chủ tịch WB David Malpass cảnh báo: Nền kinh tế thế giới đang tiến gần đến tình trạng suy thoái, do lạm phát, lãi suất cao và nợ gia tăng ảnh hưởng các nước đang phát triển. WB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 còn 1,9%. Theo ông Malpass, vấn đề lạm phát, lãi suất tăng và việc cắt dòng vốn đến các nước đang phát triển ảnh hưởng nghiêm trọng đến người nghèo.
Trong thông điệp gửi tới cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi G20 đóng vai trò đầu tàu trong phục hồi kinh tế. Theo ông Guterres, G20 cần định hướng mới để thúc đẩy tiến trình phục hồi toàn cầu.
Theo nhandan.vn