Ngày 16/8/2022, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài - Thực trạng và giải pháp”.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan; bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam; PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội và ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam đồng chủ trì và điều hành Hội thảo. Tham dự trực tuyến còn có đại diện, chuyên gia của một số tổ chức quốc tế.
Từ 2013 – 2021: Đưa gần 1 triệu lao động lao động đi làm việc ở nước ngoài
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động - TB&XH khẳng định được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng.
“Thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt; thị phần của lao động Việt Nam tại một số nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… gia tăng đáng kể; nhiều thị trường mới đã được mở ra như Australia, New Zealand, Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Séc, Slovakia, Rumani”, ông Hoan thông tin.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định, từ năm 2014 đã vượt qua con số 100.000 người/năm; trong giai đoạn từ 2013 đến 2021 đã đưa được gần 01 triệu lao động lao động đi làm việc ở nước ngoài;
“Lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước; đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích luỹ và cải thiện đời sống người lao động và gia đình”, ông Nguyễn Bá Hoan cho biết thêm.
Cho biết, lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình thế giới và bối cảnh thị trường lao động trong nước, theo Thứ trưởng Hoan, trong thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến những biến động quốc tế chưa từng có tiền lệ trong lịch sử.
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, hầu hết các quốc gia đều tập trung phòng - chống dịch, thực hiện các biện pháp mạnh như đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội… tập trung mọi nguồn lực cho nghiên cứu, sản xuất và tiêm phòng COVID-19. Việc này dẫn tới đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động tiêu cực tới nền kinh tế, làm giảm nhu cầu sử dụng lao động của nhiều quốc gia.
Trong bối cảnh quốc tế và trong nước liên tục biến động như vậy, công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ và sự phối hợp giám sát của người dân để đảm bảo hoạt động này đạt hiệu quả, đi vào thực chất, bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Lao động di cư là lợi ích vô giá trong chuyển giao kỹ năng cho lao động
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết, di cư lao động là vấn đề phức tạp, đặc biệt ở châu Á. Việc lao động di cư là lợi ích vô giá trong chuyển giao kỹ năng cho lao động.
Với sự tham gia của gần 300 đại biểu, Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề: kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và thực hiện chính sách đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi kết thúc hợp đồng làm việc; Đề xuất định hướng lãnh đạo đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới;
Giải pháp chuyển đổi số gắn với việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trong quản lý lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đồng chí Đỗ Ngọc An nhìn nhận, các cấp ủy Đảng trong thời gian qua đã tăng cường sự lãnh đạo, việc đưa lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã đạt những kết quả nhất định.
Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền trong việc đưa lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng lên; quản lý càng ngày càng chặt chẽ, khoa học hơn; chế tài đối với người lao động, doanh nghiệp và trách nhiệm của chính quyền địa phương đã được tăng lên.
Lực lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng lên hàng năm, trong 3 năm gần đây 2019-2021 có giảm do dịch bệnh và các yếu tố khác nhưng nhìn chung giai đoạn 10 năm 2012 đến nay so với giai đoạn trước (1998-2012) tăng cả về số lượng và nâng lên về chất lượng.
Mục tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đóng góp một phần cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước cũng được các diễn giả nêu rất rõ.
Ông Đỗ Ngọc An cũng nhấn mạnh, Ban tổ chức sẽ nghiên cứu, chắt lọc và tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị được đưa ra tại Hội thảo này để đề xuất với Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chủ trương, đường lối lãnh đạo, chính sách, pháp luật về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để phù hợp với tình hình mới và đạt hiệu quả cao nhất.
Trong những năm qua, công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng; thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt; thị phần của lao động Việt Nam tại một số nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… gia tăng đáng kể;
Nhiều thị trường mới đã được mở ra như Australia, New Zealand, Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Séc, Slovakia, Rumani; số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định, từ năm 2014 đã vượt qua con số 100.000 người/năm;
Trong giai đoạn từ 2013 đến 2021 đã đưa được gần 01 triệu lao động lao động đi làm việc ở nước ngoài; lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước; đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích luỹ và cải thiện đời sống người lao động và gia đình.
Theo báo Dân sinh