Theo đó, từ ngày 1/4, Bộ sẽ tiến hành khảo sát nhiều doanh nghiệp trên cả nước để thu thập thông tin về tình hình lao động, tiền lương làm cơ sở cho việc đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2023. Việc khảo sát của nhằm cung cấp cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2023 và hoạch định chính sách về lao động, tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp.
Cụ thể, khoảng 2.000 doanh nghiệp ở 18 tỉnh, thành phố đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước có số lượng doanh nghiệp lớn, thị trường lao động phát triển sẽ tham gia khảo sát. Trong đó, 3 địa phương có số doanh nghiệp được khảo sát nhiều nhất là TP Hà Nội, TP.HCM và TP Đà Nẵng với mức 150 doanh nghiệp/thành phố.
Các doanh nghiệp thuộc diện khảo sát phải được thành lập và có hoạt động sản xuất, kinh doanh trước ngày 1/1/2021 và đến thời điểm này vẫn đang hoạt động.
Ngoài tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như chi phí, quỹ tiền lương, chi phí bảo hiểm xã hội, lợi nhuận trước thuế và các khoản phải nộp, nội dung khảo sát còn bao gồm việc thực hiện một số nội dung của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động, thỏa ước lao động; tuyển dụng và đào tạo lại.
Bộ LĐ-TB-XH cũng sẽ khảo sát về tình hình lao động, tiền lương của doanh nghiệp bao gồm: số lượng và cơ cấu lao động, tiền lương tối thiểu, thang bảng lương, quy chế trả lương, các mức tiền lương trong doanh nghiệp, tiền thưởng và các khoản thu nhập khác có tính chất lương, tình hình đóng - hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…
Ngoài ra, Bộ cũng sẽ khảo sát phương thức thực hiện điều chỉnh tiền lương của doanh nghiệp khi Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2022, và ý kiến của doanh nghiệp về mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng dự kiến năm 2023.
Thời gian qua, lương tối thiểu vùng có hai năm liên tiếp không tăng do tác động của đại dịch Covid-19. Từ 1/1/2020 đến nay, lương tối thiểu vùng I là 4,42 triệu đồng, vùng II 3,92 triệu, vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng..
Theo cafef