Vấn nạn lao động làm việc "chui" ở nước ngoài
Ngày 16.8, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài - Thực trạng và giải pháp”.
Phát biểu tại hội thảo, bà Anna Engblom - Cố vấn trưởng, Giám đốc dự án Tam giác khu vực ASEAN, Văn phòng ILO khu vực Châu Á Thái Bình dương đánh giá, các lao động đi xuất khẩu thường làm các nghề đơn giản, có nguy cơ rủi ro bị bóc lột và lạm dụng, bị hạn chế tự do vì bị người sử dụng thu giữ giấy tờ. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 cũng hé lộ thực trạng điều kiện nhà ở tồi tàn mà người sử dụng lao động cung cấp cho người lao động ở một số quốc gia.
Về vấn đề lao động đi làm việc qua các kênh không chính thống, bà Anna Engblom cho biết: "Theo khảo sát của ILO (năm 2020) được thực hiện với lao động từ Campuchia, Lào và Myanmar đang làm việc tại Thái Lan cho thấy chỉ có 38% lao động nhập cảnh qua các kênh chính thức; các kênh chính thức được coi là cồng kềnh, mất thời gian, tốn kém chi phí; tuy nhiên người lao động cũng phải đánh đổi nếu đi làm việc nước ngoài theo kênh không chính thức, vì có thể họ sẽ nhận thu nhập ít hơn, điều kiện việc làm kém hơn, ít được bảo vệ hơn".
Còn theo ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, giai đoạn 2017 - 2021, toàn tỉnh có 42.113 lượt lao động được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Hàng năm số tiền người lao động tỉnh Thanh Hóa đi làm việc ở nước ngoài gửi về gia đình ước khoảng 120-150 triệu USD tương đương 2.760 tỉ - 3.450 tỉ VNĐ.
Mặc dù, công tác đưa người lao động ra nước ngoài của tỉnh thu được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên theo ông Đầu Thanh Tùng, vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất là việc lao động bỏ ra ngoài sống bất hợp pháp.
Chuyển đổi số trong quản lý lao động ở nước ngoài
Trong những năm qua, công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng; số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định, từ năm 2014 đã vượt qua con số 100.000 người/năm; trong giai đoạn từ 2013 đến 2021 đã đưa được gần 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Tại phiên thảo luận bàn tròn, ông Đặng Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã nêu giải pháp cấp thiết trong việc xây dựng quy hoạch, chiến lược đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài. "Cần có giải pháp tổng thể, chương trình xuất khẩu lao động trong giai đoạn 2022-2030. Việc đưa lao động đi nước ngoài ở thị trường nào, ngành nghề nào, trình độ nào, quốc gia nào cũng cần có chiến lược dài hơi trong 5 năm, 10 năm và giao các bộ ngành triển khai".
"Hiện nay chúng ta chỉ tiếp cận thị trường lao động thấp, không có đột phá trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Vì vậy, cần xây dựng đề án theo hướng tập trung phát triển lao động chất lượng cao", ông Dũng cho biết thêm.
Để đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng nước ngoài và cạnh tranh với các thị trường khác, theo TS Nguyễn Đình Quốc Cường - Đại học Quốc gia TPHCM, cần áp dụng chuyển đổi số cho hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, cần xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu quốc gia nhằm theo dõi biến động của lao động và chuyên gia sinh sống, làm việc ở nước ngoài; phân tích các ngành nghề, lĩnh vực chuyên môn để định hướng, giải pháp trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề phù hợp; kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp tuyển dụng, sử dụng lao động trong và ngoài nước.
Đặc biệt, mỗi lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần được quản lý bằng mã định dang cá nhân để cập nhật biến động công việc tại nước sở tại. Từ đó, có thể tránh những vấn đề xảy ra như tình trạng lao động trốn ở lại nước sở tại, bị lừa hoặc mua bán bởi những kẻ buôn người, giúp người lao động tìm hiểu điều kiện lao động và mức lương tại các doanh nghiệp sử dụng lao động...
Theo báo Lao động