Đây là ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo khoa học “Đổi mới toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị dịch vụ sự nghiệp công trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 2/11.
Theo kết quả Tổng điều tra kinh tế của Tổng cục Thống kê năm 2021, đối với hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập năm 2020, ngành giáo dục và đào tạo có đóng góp giá trị tăng thêm lớn nhất trong tổng giá trị tăng thêm của các đơn vị sự nghiệp công lập, đạt 254.519 tỷ đồng, chiếm 53,5% trong tổng giá trị tăng thêm của hoạt động sự nghiệp công lập. Ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có giá trị tăng thêm đạt 154.514 tỷ đồng, chiếm 32,5% và xếp thứ 2 trong đóng góp về giá trị tăng thêm. Giá trị tăng thêm hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ đạt 24.902 tỷ đồng, chiếm 5,2%. Giá trị tăng thêm ngành thông tin và truyền thông đạt 12.843 tỷ đồng, chiếm 2,7%,... Năm 2020, các ngành dịch vụ đóng góp khoảng gần 40% GDP, trong đó dịch vụ sự nghiệp công có đóng góp 5,92% GDP.
Thời điểm năm 2021, cả nước có 52,5 nghìn đơn vị sự nghiệp, giảm 28,6% so với năm 2016; Lao động sự nghiệp là 2,4 triệu người. Hết năm 2021, lần đầu tiên biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%. Theo Bộ Tài chính, qua sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế giai đoạn 2017 - 2021 đã giảm chi ngân sách Nhà nước được 25.000 tỷ đồng. Cả hệ thống chính trị đến hết năm 2021 đã giảm 262.000 biên chế, tương đương hơn 20% so với năm 2015. Lần đầu tiên bộ máy không bị phình ra sau khi thực hiện tinh giản.
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học thống nhất đánh giá việc đổi mới hệ thống tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ta đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế như việc đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm so với lĩnh vực kinh tế và yêu cầu thực tiễn; nhiều đơn vị sự nghiệp công lập chưa thích nghi với cơ chế tự chủ, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng, còn mang tâm thế ỷ lại, kéo dài việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và đổi mới hoạt động./.
Theo CAND