Kết quả từ chính sách
Nhờ các chính sách kịp thời từ Chính phủ và nỗ lực từ các doanh nghiệp, giai đoạn 2014 đến 2021, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định so với mục tiêu đề ra của chiến lược.
Tỷ lệ xe lắp ráp trong nước đối với xe chở người đến 9 chỗ có tỷ lệ năm 2021 đạt 65% (CKD) - 35% (CBU) (tương đương với mức mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2025).
Sản lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước (CKD) năm 2021, sản lượng xe đến 9 chỗ đạt hơn 270.000 xe (cao hơn mức mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2025);
Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe tải thực tế đã đạt được 40-45%, đạt mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2020.
Tuy nhiên, vẫn còn một số mục tiêu chưa đạt được và một số điểm hạn chế cần khắc phục như tỷ lệ nội địa hóa đối với xe đến 9 chỗ thực tế mới chỉ đạt mức trung bình 12-20%, thấp hơn khá nhiều so với mức mục tiêu năm 2020 là 30-40%;
Tỷ lệ xuất khẩu đối với xe đến 9 chỗ, thực tế xuất khẩu mới chỉ đạt khoảng 1000 xe, thấp hơn khá nhiều so với mức mục tiêu năm 2020 là 5000 xe.
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô thực tế đã có những định hướng phù hợp trong việc phát triển các dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện...). Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ thực thi còn khá hạn chế. Cho đến nay, mới chỉ có chính sách hỗ trợ thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho xe điện chạy pin và chưa có lộ trình cụ thể cho việc phát triển các dòng xe điện hóa khác tại Việt Nam.
Bệ đỡ tương lai ngành ô tô
Việt Nam đã có nhiều lần xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô. “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2020” được Chính phủ phê duyệt ngày 3/12/2002; “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, được Chính phủ phê duyệt ngày 16/7/2014.
Nhằm quyết tâm thúc đẩy ngành ô tô Việt Nam phát triển Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 589/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 xét đến 2025, trong đó có nội dung “Khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển ngành công nghiệp ô tô, không phân biệt doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam”.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ tiếp tục củng cố thể chế, chính sách tốt hơn, có lợi cho sản xuất, cho người dân và không trái với thông lệ, cam kết hội nhập quốc tế. Các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước ngoài tạo việc làm, cũng cần mở rộng thị trường, hướng tới xuất khẩu; đổi mới sáng tạo, hợp tác và phân công sản xuất nhằm phát triển hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ, đem lại giá trị gia tăng cao hơn cho mỗi chiếc xe.
Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi (ô tô con) có mục tiêu đề ra là 30 - 40% vào năm 2020, tuy nhiên mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, chắc chắn sẽ không đạt mục tiêu đề ra tại Quy hoạch ngành ô tô.
Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ thấp như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa… Hàng năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 2 - 3,5 tỷ USD các linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất lắp ráp và sửa chữa ô tô, chủ yếu là các nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Tỷ lệ nội địa hóa trong ngành ô tô của Việt Nam, do đó cũng thấp hơn so với các quốc gia đi trước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia (trung bình 65 – 70%).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã công bố danh sách về danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được. Các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ sản xuất được 256 chi tiết và cụm chi tiết cho xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi, 14 chi tiết và cụm chi tiết cho xe ô tô trên 9 chỗ ngồi và 17 chi tiết và cụm chi tiết cho xe ô tô tải.
Các doanh nghiệp chủ yếu sản xuất được những sản phẩm giản đơn như: keo dán kính chắn gió, ống dẫn xăng dẫn nước, nắp che két nước, lốp, dây điện, miếng đệm biển số sau, chắn bùn, bộ ghế, cản xe, ắc quy, vành xe, ống xả, điều hòa không khí… Chỉ một số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe và danh sách này không có những chi tiết quan trọng về động cơ, hệ truyền động, hộp số, hệ thống an toàn và nhiều hệ thống điện tử trên xe.
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết một chiếc ô tô có khoảng 30.000 linh kiện, nhưng có đến 80% phục vụ cho sản xuất lắp ráp xe trong nước là nhập khẩu, số còn lại sản xuất trong nước nhưng chủ yếu vẫn là các chi tiết cồng kềnh, giản đơn...
Năm 2002, trong Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, mục tiêu đề ra nêu rõ, tỉ lệ nội địa hóa cho công nghiệp ô tô phải đạt 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010… Nhưng đến hiện tại, tỉ lệ nội địa hóa mà ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đặt ra vẫn chưa đạt được như kì vọng.
Việt Nam hiện đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA cam kết đưa thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0%. Từ 2018, Việt Nam đã đưa thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi ô tô về 0%, dành cho các nước thành viên Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Đến 2030, thị trường ô tô Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%, dành cho các khu vực châu Âu, Nhật Bản, Mexico…
Với ưu đãi về thuế, ô tô nhập khẩu tràn về Việt Nam ngày càng nhiều tạo ra sức ép không nhỏ cho xe sản xuất và lắp ráp trong nước. Theo các cam kết của Việt Nam, việc ưu đãi không có sự phân biệt đối xử giữa xe nhập khẩu nguyên chiếc và xe sản xuất trong nước. Do đó, việc xây dựng hệ thống chính sách để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước cũng cần phải có nhiều tính toán phù hợp và rất quan trọng.
Đặc biệt, trong xu hướng điện khí hoá đang bùng nổ, các doanh nghiệp trong nước đang cần nhiều hơn các chính sách ưu đãi để đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất, lắp ráp xe xanh trong dài hạn nói riêng và thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô cả nước nói chung.
Trước thực tế phát triển, trong giai đoạn tới ngành sản xuất ô tô Việt Nam cần chuyển mình mạnh mẽ và cần có những thay đổi để phù hợp. Mới đây trong Dự thảo chiến lược triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã có nhiều giải pháp về chính sách được Bộ Công Thương đưa ra.
Trong đó, về chính sách, theo Bộ Công Thương, để phát triển thị trường ô tô trong nước cần thực hiện các chính sách ưu đãi về vay vốn và khuyến khích đầu tư CNHT theo hướng đổi mới và chuyển giao công nghệ tiên tiến để tăng qui mô sản xuất nhằm đạt được hiệu quả kinh tế theo qui mô, giảm giá thành.
Phát triển danh mục sản phẩm và dòng sản phẩm CNHT (product - mix and product lines) đáp ứng nhu cầu đa dạng của các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước và xuất khẩu: Lựa chọn danh mục sản phẩm và các dòng sản phẩm trong mỗi danh mục đáp ứng nhu cầu của từng nhóm khách hàng mục tiêu là các doanh nghiệp lắp ráp ô tô để lựa chọn đầu tư kỹ thuật sản xuất và công nghệ phù hợp. Xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo chuẩn mực quốc tế làm căn cứ cho việc định hướng phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ô tô.
Đặc biệt, cần điều chỉnh một cách đồng bộ các loại thuế, phí và lệ phí liên quan đến sản xuất, tiêu thụ, xuất và nhập khẩu ô tô: Ổn định các chính sách thuế, phí và lệ phí liên quan đến ô tô (SCT/OT/VAT, phí duy tu, bảo dưỡng đường bộ, phí môi trường...) với lộ trình ổn định trong vòng 10 năm; điều chỉnh giá trị tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu cho hợp lý.
Để khắc phục tình trạng giá trị tạo ra trong nước còn thấp, cần tập trung vào các chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước: (1) Khuyến khích đầu tư: Bổ sung công nghiệp ô tô và phụ tùng vào danh mục các lĩnh vực ưu đãi đầu tư trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư mới; (2) Đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu và vận chuyển linh kiện và định kỳ rà soát, điều chỉnh danh mục phụ tùng, linh kiện ô tô được giảm thuế nhập khẩu; (3) Chính sách cắt giảm chi phí sản xuất: Nghiên cứu chính sách và thực thi giải pháp phù hợp nhằm giải quyết vấn đề chi phí sản xuất cao của ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển CNHT: (i) Cụ thể hóa tiêu chí đánh giá dự án, đơn giản hóa thủ tục đánh giá và phê duyệt dự án để áp dụng các ưu đãi đầu tư; (ii) Lựa chọn danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển theo hướng chọn lọc, tập trung và qui mô lớn; (iii) Bổ sung công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô vào danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm khuyến khích phát triển, trong đó đưa một số linh kiện, phụ tùng ô tô vào danh mục các sản phẩm công nghệ cao; (iv) Chính sách tài chính: Bố trí nguồn vốn từ
Ứng dụng công nghệ 4.0 vào các doanh nghiệp CNHT và doanh nghiệp sản xuất ô tô. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, tạo bước phát triển mang tính đột phá theo 4 xu hướng chính gồm: lái tự động, kết nối, xe điện và chia sẻ tiện ích.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp CNHT: (i) Rà soát, khảo sát các cơ sở đào tạo kỹ thuật (đại học, cao đẳng, trung cấp, cơ sở đào tạo nghề,...); (ii) Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường; (iii) Thực thi việc cấp giấy chứng nhận tay nghề trong ngành công nghiệp ô tô (đặc biệt trong sản xuất phụ tùng, linh kiện). 8) Phát triển cơ sở hạ tầng cho CNHT: (i) Nghiên cứu, đề xuất phát triển các cụm liên kết (cluster) công nghiệp ô tô nhằm tận dụng sự tập trung công nghiệp hiện có của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp ô tô và định hướng cho những dự án, nhà đầu tư mới; (ii) Xây dựng các khu công nghiệp dành cho các DNNVV Nhật Bản với đầy đủ dịch vụ hỗ trợ đi kèm,...- Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển đồng bộ, liên thông thị trường lao động công nghiệp cả về quy mô, chất lượng lao động và cơ cấu ngành nghề.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các chính sách bảo đảm phúc lợi xã hội cho người lao động trong ngành ô tô. Đồng thời xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Theo Vneconomy