Lịch sử Ban Kinh tế Trung ương
Ngày 30/9/1950, Ban Thường vụ Trung ương (khóa I) đã ra Quyết nghị số 57-QN/TW thành lập Ban Kinh tế Trung ương với nhiệm vụ nghiên cứu và đề nghị mọi chủ trương, chính sách về kinh tế, tài chính để giúp Trung ương lãnh đạo về kinh tế, tài chính. Đồng chí Phạm Văn Đồng (tức Tô) là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đầu tiên (1950 - 1960).
Từ khi Ban Kinh tế Trung ương được thành lập đến nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nhiều quyết nghị thành lập các Ban Kinh tế Trung ương, ở các thời kỳ như sau:
• Từ tháng 9/1950 đến tháng 4/1951: Ban Kinh tế Trung ương.
• Từ tháng 4/1951 đến năm 1960: Ban Kinh tế - Tài chính Trung ương.
• Từ tháng 4/1951 đến năm 1960: Tiểu ban Công vận Trung ương.
• Từ tháng 4/1951 đến tháng 3/1956: Tiểu ban Nông vận Trung ương.
• Từ tháng 3/1956 đến tháng 3/1964: Ban Công tác nông thôn.
• Từ năm 1960 đến tháng 5/1974: Ban Tài chính - Thương nghiệp Trung ương (năm 1960).
• Từ năm 1960 đến tháng 6/1975: Ban Công nghiệp Trung ương (năm 1960).
• Từ tháng 3/1964 đến tháng 11/1991: Ban Nông nghiệp Trung ương.
• Từ tháng 7/1972 đến tháng 6/1975: Ban Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.
• Từ tháng 12/1972 đến tháng 6/1975: Ban Cơ khí Trung ương.
• Từ tháng 7/1975 đến tháng 4/1989: Ban Công nghiệp Trung ương.
• Từ tháng 8/1982 đến tháng 2/1984: Ban Phân phối - Lưu thông Trung ương.
• Từ tháng 5/1974 đến tháng 6/1975: Ban Kinh tế - Kế hoạch Trung ương.
• Từ tháng 7/1975 đến tháng 2/1978: Ban Kinh tế Trung ương.
• Từ tháng 2/1978 đến tháng 8/1982: Ban Kinh tế - Kế hoạch Trung ương.
• Từ tháng 8/1982 đến tháng 2/1984: Ban Kinh tế Trung ương.
• Từ tháng 2/1984 đến tháng 4/1989: Ban Kinh tế Trung ương.
• Từ tháng 4/1989 đến tháng 11/1991: Ban Kinh tế Trung ương.
• Từ tháng 12/1991 đến tháng 4/2007: Ban Kinh tế Trung ương.
• Từ tháng 4/2007 đến tháng 12/2012: Bộ Chính trị quyết định hợp nhất Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tài chính - Quản trị Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng thành Văn phòng Trung ương Đảng.
• Từ tháng 12/2012 đến nay: Ban Kinh tế Trung ương.
Cán bộ, chuyên viên của các Ban Kinh tế Trung ương từ lúc chỉ có 10 - 20 người trong kháng chiến chống Pháp cho tới có lúc lên đến 400 người sau năm 1975 luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, không ngừng rèn luyện, nâng cao trình độ về mọi mặt, nỗ lực đóng góp vào quá trình hình thành các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về kinh tế - xã hội. Nhiều đồng chí lãnh đạo các Ban Kinh tế Trung ương đã trở thành các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước; nhiều cán bộ, chuyên viên đã trở thành cán bộ lãnh đạo của các bộ, ngành, địa phương. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường vụ Bộ Chính trị, các Ban Kinh tế Trung ương đã liên tục bền bỉ hoạt động, khi thuận lợi cũng như lúc khó khăn, luôn luôn học hỏi, nâng cao bản lĩnh chính trị, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao. Trong quá trình hoạt động, Ban Kinh tế Trung ương đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, đặc biệt là Huân chương Sao vàng.
Khái quát chặng đường lịch sử hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương:
1. Từ năm 1950 đến năm 1954 là thời kỳ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chuyển mạnh sang tổng phản công. Ban Kinh tế Trung ương vừa mới được thành lập, đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu và giúp Trung ương bảo vệ nền tảng kinh tế - tài chính của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tiến hành đấu tranh kinh tế với địch, chống phá thế bao vây kinh tế của địch.
2. Từ năm 1955 đến năm 1959 là thời kỳ khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh ở miền Bắc và làm nhiệm vụ hậu phương lớn cho miền Nam. Đảng và Nhà nước chủ trương khôi phục kinh tế trong 3 năm (1955 - 1957). Các Ban Kinh tế Trung ương đã tham mưu, nghiên cứu chính sách, đề xuất các bước thực hiện và kết hợp với các bộ, ngành ở Trung ương và các tỉnh, thành phố giúp Trung ương tiếp tục tiến hành cải cách ruộng đất ở nông thôn, hoàn thành giảm tô, xây dựng hợp tác xã, nghiên cứu chính sách đối với tư bản và tiểu chủ trong sản xuất; biên soạn kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, củng cố ngành ngân hàng, xây dựng ngân sách nhà nước, cải cách chế độ tiền lương, phát triển quan hệ kinh tế với các nước xã hội chủ nghĩa nhằm thu hút viện trợ… Bước sang năm 1958, Đảng đề ra chủ trương 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa (1958 - 1960) đối với kinh tế cá thể, tiểu thương, tiểu chủ, tư bản tư doanh, các Ban Kinh tế Trung ương bên cạnh việc tham gia soạn thảo văn kiện Đại hội III của Đảng đã phối hợp cùng các bộ, ngành nghiên cứu các chính sách tháo gỡ khó khăn nhằm thực hiện tốt kế hoạch 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa.
3. Từ năm 1960 đến năm 1975 là thời kỳ thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng: xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dựa trên quan điểm Đại hội III của Đảng đã đề ra và dưới sự chỉ đạo của Trung ương và trực tiếp là Bác Hồ, các Ban Kinh tế Trung ương đã xây dựng chương trình hành động giúp Trung ương tổng kết về cải cách dân chủ và cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp, xây dựng Điều lệ mẫu hợp tác xã nông nghiệp, đề ra chính sách và phương hướng phát triển nông nghiệp, nghiên cứu quy hoạch xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, xác định đường lối công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc… Sau Hiệp định Pari năm 1973 và sự kiện giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước năm 1975, các Ban Kinh tế Trung ương đã tham gia vào chuẩn bị văn kiện Đại hội IV của Đảng, bắt đầu cho thời kỳ mới, thời kỳ cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
4. Từ năm 1976 đến năm 1986: Sau Đại hội IV của Đảng (12-1976), các Ban Kinh tế Trung ương dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tham gia nghiên cứu các chủ trương, chính sách cải tạo kinh tế miền Nam để cùng miền Bắc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đi lên chủ nghĩa xã hội. Tham gia tuyển chọn, điều động hàng vạn cán bộ miền Bắc vào tăng cường cho công tác cải tạo, đến năm 1978 đã hoàn thành cơ bản cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam.
Trong những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, nền kinh tế giảm sút nghiêm trọng, sức sản xuất bị kìm hãm, phân phối lưu thông trì trệ… Các Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp nghiên cứu và kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư ra Chỉ thị 100-CT/TW về "cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp". Đây là bước đột phá đầu tiên vào toàn bộ cơ chế quản lý nông nghiệp, chuẩn bị cho các bước tiếp theo để hình thành hệ thống quản lý nông nghiệp mới, làm biến đổi sâu sắc bộ mặt nông thôn.
Trong suốt nhiệm kỳ Đại hội V của Đảng, các Ban Kinh tế Trung ương đã trực tiếp tham gia chuẩn bị giúp Ban Bí thư ban hành một hệ thống chỉ thị trên mặt trận nông nghiệp như: Chỉ thị 29-CT/TW về giao đất giao rừng; Chỉ thị 35-CT/TW về phát triển kinh tế gia đình; Chỉ thị 56-CT/TW về cải tiến quản lý đối với nông, lâm trường quốc doanh; Chỉ thị 65-CT/TW về phát triển kinh tế biển; Chỉ thị 67-CT/TW về cải tiến quản lý hợp tác xã, đồng thời chủ động đề xuất với Bộ Chính trị ra Nghị quyết 10-NQ/TW về "đổi mới quản lý nông nghiệp". Bên cạnh đó, các Ban Kinh tế Trung ương đã tham gia soạn thảo các quyết định quan trọng mở đầu cho thời kỳ đổi mới kinh tế, đó là Quyết định 25/CP về ba phần kế hoạch, Quyết định 113/CP về bãi bỏ độc quyền xuất nhập khẩu của các xí nghiệp thuộc Bộ Ngoại thương…, đặc biệt là Nghị quyết 306/TLHN của Bộ Chính trị (dự thảo) về bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của các đơn vị cơ sở.
5. Kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (1981-1985): Các chỉ tiêu kế hoạch đề ra đã không thành công, lạm phát phi mã với 3 con số vào năm 1986, 1987, sản xuất kinh doanh đình đốn, lưu thông rối loạn, kinh tế khủng hoảng trầm trọng. Nhận thức được rằng, đổi mới có ý nghĩa sống còn, các Ban Kinh tế Trung ương đã tham gia xây dựng văn kiện Đại hội VI của Đảng (phần kinh tế - xã hội) đã nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực trạng đất nước, đề ra đường lối đổi mới toàn diện nhằm xoay chuyển tình hình. Với chức năng là cơ quan tham mưu của Trung ương, các Ban Kinh tế Trung ương đã được Bộ Chính trị giao tham gia chuẩn bị văn kiện Đại hội VII, VIII của Đảng, nghiên cứu biên soạn Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, và chuẩn bị Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 để trình Đại hội VII của Đảng thông qua tháng 6/1991.
6. Giai đoạn 1991 - 2010, trước tình hình bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, Hội đồng tương trợ kinh tế (khối SEV) tan rã, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu lần lượt mất dần, nguồn viện trợ không còn, các Ban Kinh tế Trung ương đã tham gia nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào việc xử lý những vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng từ phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội 5 năm 1991 - 1995 và 1996 - 2000; chiến lược phát triển các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải và bưu điện đến năm 2000; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 1996 - 2010 của các vùng; sửa đổi Luật Đất đai năm 1988 bằng Luật Đất đai năm 1993,… cho đến tham mưu, nghiên cứu đề án "Mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại của nước ta trong tình hình mới", góp phần nghiên cứu đề xuất về quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo xây dựng phương án để Việt Nam gia nhập WTO, AFTA, APEC; quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc; Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ,… Trong hai năm 1999 - 2000, Ban Kinh tế Trung ương đã tập trung nghiên cứu những nội dung chiến lược về "đổi mới quan hệ sản xuất, chính sách phát triển các thành phần kinh tế" để chuẩn bị dự thảo Báo cáo Chính trị, Báo cáo Chiến lược kinh tế - xã hội thời kỳ 2001 - 2010 trình Đại hội IX của Đảng. Mục tiêu kinh tế - xã hội 5 năm 2001 - 2005, 2006 - 2010; các chiến lược phát triển các ngành, địa phương; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các vùng; thực hiện quyền sử dụng đất đai với 5 quyền; sửa đổi Luật Đất đai; phát triển kinh tế trang trại trong nông nghiệp; phát triển kinh tế biển; đổi mới chính sách tài chính quốc gia; đổi mới tổ chức và hoạt động của ngân hàng; đổi mới và phát triển có hiệu quả kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước; phát triển kinh tế hợp tác xã và các thành phần kinh tế khác;… phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu các vấn đề về lao động, việc làm, xóa đói giảm nghèo; tệ nạn xã hội; vấn đề đổi mới hệ thống tổ chức của các bộ, ngành; tổ chức bộ máy đảng trong khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
7. Tháng 4/2007, Ban Kinh tế Trung ương cùng với một số Ban Đảng Trung ương và Văn phòng Trung ương được hợp nhất thành Văn phòng Trung ương Đảng, công tác tham mưu về kinh tế - xã hội với Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục được thực hiện; nhiều chủ trương, đường lối của Đảng về kinh tế - xã hội tiếp tục được nghiên cứu, ban hành; các đề án lớn về kinh tế - xã hội được thẩm định đã phát huy hiệu quả tích cực.
8. Tháng 12/2012, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 160-QĐ/TW ngày 28/12/2012 thành lập Ban Kinh tế Trung ương; Quyết định số 161-QĐ/TW ngày 28/12/2012 quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Kinh tế Trung ương.
Trong quá trình hoạt động, các Ban Kinh tế Trung ương luôn được sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường vụ Bộ Chính trị cũng như sự giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, các ban, bộ, ngành và địa phương. Sự nghiệp đổi mới đất nước đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của toàn dân tộc. Cán bộ, chuyên viên của Ban Kinh tế Trung ương trong mọi tình huống luôn quyết tâm cống hiến hết sức mình để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ cao quý mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, là Ban tham mưu chiến lược của Đảng về kinh tế, theo đường lối và Cương lĩnh của Đảng đã chỉ ra./.
TTTTKT