Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2000, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 498,58 USD, xếp thứ 7/11 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 173/200 trên thế giới. Đến năm 2021, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng lên đạt khoảng 3.718 USD, xếp thứ 6/11 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 124 trên thế giới.
Như vậy, GDP bình quân đầu người Việt Nam từ vị trí thứ 173 lên thứ 124, nhảy 49 bậc trong bảng xếp hạng GDP bình quân đầu người thế giới giai đoạn 2000 - 2021 . Cùng với đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng hơn 7 lần trong giai đoạn 2000 - 2021.
GDP bình quân Việt Nam giai đoạn 2000 – 2022. Nguồn: IMF.
Năm 2022, IMF tính GDP bình quân đầu người cho các nước trên thế giới. Trong đó, GDP bình quân đầu người Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 4.162,94 USD, xếp thứ 117 trên thế giới . Với con số này, GDP bình quân đầu người Việt Nam năm 2022 sẽ nhảy 7 bậc so với năm 2021 và 56 bậc so với năm 2000 trên quy mô thế giới.
Xét riêng các nước trong khu vực Đông Nam Á, năm 2022, Singapore là nước có GDP bình quân đầu người cao nhất trong khu vực, đạt khoảng 79.426,14 USD, xếp thứ 6 trên thế giới. Bruneicó GDP bình quân đầu người đạt khoảng 42.939,4 USD, xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 23 trên thế giới.
GDP bình quân các nước khu vực Đông Nam Á năm 2022. Nguồn: IMF.
Cùng với đó, Malaysia có GDP bình quân đầu người đạt khoảng 13.108 USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 65 trên thế giới. Thái Lan có GDP bình quân đầu người xếp thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 86 trên thế giới, đạt khoảng 7.631 USD vào năm 2022.
GDP bình quân đầu người của Indonesia đạt khoảng 4.691,24 USD, xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 113 trên thế giới. Với Việt Nam, GDP bình quân đầu người được IMF xếp thứ 6 trong khu vực, xếp trên Phlippines, Lào, Đông Timor, Campuchia và Myanmar.
Phlippines, Lào, Đông Timor, Campuchia và Myanmar có GDP bình quân đầu người đạt lần lượt là 3.597 USD; 2.172,15 USD; 1.792,71 USD ; 1.771,38 USD và 1.104,75USD trong năm 2022.
Theo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2050, mục tiêu phát triển đến năm 2030, về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.
Giai đoạn 2031-2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 6,5-7,5%/năm. Đến năm 2050, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 27.000-32.000 USD.
Nghị quyết nêu rõ, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; quản trị xã hội trên nền tảng xã hội số hoàn chỉnh.
Cùng với đó, Việt Nam thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á; là một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái giá trị cao thuộc nhóm hàng đầu thế giới.
Trên thế giới, các nước có GDP bình quân cao đều có các ngành công nghiệp tạo ra giá trị gia tăng cao ngoại trừ Singapore, Hông Kông (Trung Quốc). Ví dụ như công nghiệp cơ khí chế tạo, hóa chất, công nghiệp vật liệu mới… là những ngành công nghiệp tạo ra giá trị gia tăng cao và tạo ra nội lực cho nền kinh tế.
Với Việt nam, nền công nghiệp của Việt Nam hiện được đóng góp rất lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài. Cùng với đó, doanh nghiệp nội địa chưa thực sự có tác động lớn tới các ngành công nghiệp cốt lõi. Thực tế, FDI tạo ra tới 70% xuất khẩu của Việt Nam và 70% này phụ thuộc chủ yếu vào ngành sản xuất. Chính vì thế, FDI gần như là chiếm tới 70 % sản xuất hàng công nghiệp của Việt Nam.
Khi các doanh nghiệp nội địa tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn trong ngành công nghiệp lõi thì không chỉ tăng trưởng mà cả GDP bình quân của Việt Nam sẽ cao trong tương lai.
Theo cafef.vn