Các doanh nghiệp cần đầu tư vào hệ thống thu thập và phân tích dữ liệu, đào tạo nhân viên và hợp tác với các tổ chức, cơ quan quản lý để thực hiện kiểm kê, báo cáo và thẩm định phát thải khí nhà kính. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong báo cáo quản trị, môi trường, xã hội (ESG), giúp giảm thiểu tác động môi trường, mang lại nhiều lợi ích kinh tế và xã hội, góp phần phát triển bền vững của đất nước.
NHIỀU QUY ĐỊNH KHẮT KHE BUỘC PHẢI TUÂN THỦ
Cam kết toàn cầu nhằm ứng phó với ba cuộc khủng hoảng hành tinh liên quan tới biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học buộc các doanh nghiệp muốn tiếp tục tham gia vào hoạt động thương mại và đầu tư phải tuân thủ các yêu cầu về báo cáo quản trị, môi trường, xã hội.
Chỉ thị Báo cáo phi tài chính (NFRD), yêu cầu các công ty lớn trong EU có ít nhất 500 nhân viên phải báo cáo về tác động môi trường, xã hội và quản trị từ năm 2018. Chỉ thị Báo cáo bền vững doanh nghiệp (CSRD), mở rộng phạm vi áp dụng so với NFRD, yêu cầu cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa niêm yết trên sàn chứng khoán nâng cao khả năng thu thập và phân tích dữ liệu ESG, đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin và nhân lực để đáp ứng yêu cầu báo cáo chi tiết hơn về các chỉ số ESG, mục tiêu bền vững, chuỗi cung ứng và kiểm toán bởi bên thứ ba bắt đầu từ năm 2024-2026 tùy theo quy mô doanh nghiệp.
Chỉ thị Thẩm định bền vững doanh nghiệp (CSDDD) yêu cầu tất cả các doanh nghiệp có chuỗi cung ứng liên quan đến Liên minh châu Âu (EU) hợp tác với nhà cung cấp, đầu tư vào hệ thống giám sát và báo cáo để thực hiện thẩm định các rủi ro liên quan đến ESG trong chuỗi cung ứng, thực hiện biện pháp khắc phục và báo cáo, giám sát dự kiến áp dụng từ năm 2024-2025.
Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm vào EU đầu tư vào hệ thống truy xuất nguồn gốc, chứng nhận và hợp tác với các tổ chức kiểm toán để đảm bảo từ ngày 1/1/2025 sản phẩm tuân thủ quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chứng nhận và kiểm toán, báo cáo về sản phẩm không nguồn gốc từ phá rừng sau ngày 31/12/2020.
Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu sắt thép, xi măng, nhôm, phân bón vào EU đo lường và báo cáo lượng phát thải carbon của sản phẩm, mua tín chỉ carbon và đầu tư vào hệ thống đo lường và quản lý báo cáo phát thải carbon, chịu giám sát và thực hiện kiểm toán từ ngày 1/10/2023, thanh toán tín chỉ carbon từ năm 2026.
Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới, yêu cầu phải tuân thủ các quy định về phát triển bền vững và phát triển bao trùm. Nghị định thư Kyoto yêu cầu các nước phải giảm phát thải khí nhà kính và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Hiệp định Paris yêu cầu cam kết giảm phát thải khí nhà kính để giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2OC và nỗ lực giữ dưới 1,5OC so với mức tiền công nghiệp.
Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 06/2022/NĐ-CP, Quyết định 01/2022/QĐ-TTg yêu cầu 1.912 doanh nghiệp phải tuân thủ việc kiểm kê, báo cáo phát thải khí nhà kính trước ngày 31/3/2025 nhằm tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường và giảm phát thải.
Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, gặp khó khăn trong việc đo lường và báo cáo phát thải. Việc nắm bắt và tuân thủ các quy định và chỉ thị này không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật mà còn nâng cao uy tín, tăng cường khả năng cạnh tranh và góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
Doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ, hệ thống thu thập phân tích dữ liệu và hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan để đáp ứng các yêu cầu này. Đo lường và báo cáo lượng phát thải khí nhà kính là yêu cầu bắt buộc để các doanh nghiệp gắn quá trình chuyển đổi xanh với chuyển đổi số.
5 TIÊU CHÍ GIÚP DOANH NGHIỆP DỄ DÀNG TUÂN THỦ
Các doanh nghiệp cần đo lường và báo cáo lượng phát thải khí nhà kính từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh; cung cấp thông tin chi tiết về lượng phát thải, các biện pháp giảm phát thải đã thực hiện và kế hoạch giảm phát thải trong tương lai; thẩm định và xác nhận tính chính xác và minh bạch của các báo cáo phát thải thông qua các cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền.
Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, gặp khó khăn trong việc đo lường lượng phát thải khí nhà kính do thiếu công nghệ và kiến thức chuyên môn. Việc thu thập, phân tích và báo cáo dữ liệu về phát thải tốn kém cả về thời gian và chi phí. Sự phức tạp của các quy định quốc tế và trong nước khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc tuân thủ đầy đủ và chính xác.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải sử dụng bộ công cụ tích hợp theo dõi và quản lý tác động môi trường: sử dụng phần mềm để theo dõi, quản lý và báo cáo các tác động môi trường từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; thu thập và phân tích dữ liệu, sử dụng công nghệ IoT và AI để thu thập và phân tích dữ liệu về chất lượng không khí, nước, và đất; dự báo và quản lý rủi ro, sử dụng các mô hình dự báo để quản lý các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu và các hiện tượng thiên nhiên cực đoan; sử dụng các công cụ phần mềm để đo lường và báo cáo lượng phát thải khí nhà kính một cách chính xác và minh bạch.
Việc áp dụng công nghệ giúp doanh nghiệp giảm thời gian và chi phí cho việc thu thập và phân tích dữ liệu, đảm bảo tính chính xác và minh bạch của các báo cáo phát thải, giúp doanh nghiệp dễ dàng tuân thủ các quy định quốc tế và trong nước.
Có 5 tiêu chí chính để lựa chọn phần mềm kiểm kê, báo cáo, thẩm định và xác nhận phát thải.
Một là, tính năng, khả năng kiểm kê, báo cáo, thẩm định và xác nhận phát thải; các tính năng bổ sung như quản lý dữ liệu ESG, phân tích vòng đời (LCA) cũng được xem xét.
Hai là, khả năng tích hợp với các hệ thống khác, ví dụ như hệ thống quản lý dữ liệu doanh nghiệp (ERP), phần mềm quản lý môi trường (EHS).
Ba là, độ chính xác của các dữ liệu và báo cáo phát thải; giao diện người dùng thân thiện và trực quan, khả năng sử dụng dễ dàng.
Bốn là, chi phí mua và duy trì phần mềm, phù hợp với ngân sách của doanh nghiệp.
Năm là, độ phù hợp với các yêu cầu cụ thể của ngành công nghiệp mà doanh nghiệp hoạt động.
Một số phần mềm kiểm kê, báo cáo và thẩm định phát thải mạnh hiện nay là IBM Envizi ESG Suite và IBM Environmental Intelligence Suite. IBM Envizi ESG Suite là một giải pháp toàn diện giúp các doanh nghiệp thu thập, quản lý và báo cáo dữ liệu ESG. Nền tảng này cung cấp các công cụ phân tích tiên tiến, giúp tối ưu hóa hoạt động và cải thiện hiệu suất bền vững...
PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Lưu Lê Hường (*) - chuyên gia Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường
Theo vneconomy.vn