Theo các chuyên gia kinh tế, để có thể tạo ra sự bứt phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo năm nay cần có thêm trợ lực từ phía các cơ quan quản lý.
Niềm tin trở lại
Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương cho thấy, nhờ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm và kết quả thu hút, giải ngân vốn FDI năm 2023 đã giúp tăng năng lực sản xuất trong nước. Theo đó, sản xuất công nghiệp đã có sự phục hồi mạnh với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng đầu năm ước tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2023; riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%.
Các tỉnh có tốc độ tăng trưởng IIP cao nhất là: Trà Vinh, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Long, Kiên Giang, Thanh Hóa, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên, Lào Cai…
Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng đối với 2.734 doanh nghiệp cho hay, đánh giá của doanh nghiệp về triển vọng kinh tế vĩ mô đã tích cực hơn. Cụ thể là tỷ lệ đánh giá tích cực đạt 9,9%, gấp 2,5 lần so với thời điểm khảo sát tháng 4/2023; tỷ lệ đánh giá rất tích cực đạt 2,5% gấp hơn 3,5 lần. Điều này đã cho thấy, niềm tin của doanh nghiệp đã dần trở lại, nhưng cần phải nuôi dưỡng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp.
Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân Phạm Thị Ngọc Thủy thông tin: Vốn là đầu vào quan trọng cho sản xuất, kinh doanh nên khi cơ hội tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp chưa tích cực thì khả năng phục hồi và phát triển sẽ bị hạn chế. Đánh giá của doanh nghiệp về khả năng tiếp cận vốn trong năm 2024 có cải thiện về nhận định.
Mặc dù kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp đã tươi sáng hơn trong năm 2024 tuy nhiên, đa số doanh nghiệp vẫn cho rằng, khó khăn và thách thức doanh nghiệp vẫn nằm ở đơn hàng chiếm 59,2% số doanh nghiệp được khảo sát; tiếp cận vốn vay 51,5%; thủ tục hành chính 45,3%; thông tin thị trường 27,7%…
Ông Nguyễn Vân, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba) bày tỏ, dù đơn hàng đã có, doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất và xuất khẩu, nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa thể trả các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn trước đó.
“Kỳ vọng năm nay của doanh nghiệp tốt hơn rất nhiều so với năm trước, song để thực sự bứt phá hơn thì cần có sự hỗ trợ tạo điều kiện của cơ quan chức năng, đặc biệt là tiếp cận vốn, thị trường, tính liên kết…”, ông Nguyễn Vân nói.
Gỡ nút thắt
Theo báo cáo triển vọng doanh nghiệp 2024 – góc nhìn từ doanh nghiệp của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, đa số các kiến nghị tập trung vào việc giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, tiếp cận vốn vay, tiếp cận thị trường và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam cho biết: Các khoản vay tại các ngân hàng tư nhân lãi suất vẫn cao. Năm vừa qua, doanh nghiệp vừa không có đơn hàng vừa trả lãi suất cao, phải quay vòng trong việc thanh toán với ngân hàng để tránh nợ xấu. Từ cuối năm 2023 đến nay, đơn hàng đã tăng lên nhưng doanh nghiệp lại cạn nguồn vốn, hết tài sản thế chấp để vay thêm, khó khăn lại lặp lại.
“Chúng tôi kiến nghị, các ngân hàng có nguồn vốn lãi suất thấp với điều kiện vay không quá khó khăn và nhìn vào khả năng trả nợ trong tương lai hoặc đánh giá hiệu quả mô hình kinh doanh để giúp doanh nghiệp nhỏ có vốn sản xuất”, ông Kết nói.
Cũng theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), vấn đề cải cách thủ tục hành chính đã được Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt nhưng phải làm mạnh hơn nữa ở các cấp địa phương. Bởi, nhiều hoạt động hành chính chưa hiệu quả... khiến doanh nghiệp mất nhiều cơ hội đầu tư phát triển như các thủ tục liên quan đến đất đai, hạ tầng…
Để tạo trợ lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, Bộ Công Thương cho biết: Năm nay, Bộ sẽ tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Cụ thể, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung thúc đẩy, đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp, phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Đáng chú ý là một số dự án lớn thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được ký kết trong năm 2023 tại Thái Bình, Quảng Ninh sẽ góp phần là động lực tăng trưởng cho sản xuất công nghiệp năm nay.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng như: ô tô, thép, sữa, giấy, nhựa... để thống nhất định hướng phát triển ngành trong giai đoạn mới.
Mặt khác, Bộ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có. Từ đó, khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương, vùng kinh tế trọng điểm.
Còn các chuyên gia và hiệp hội ngành hàng cho rằng, để có thể lấy lại đà tăng trưởng cao, Chính phủ, các bộ, ngành, hệ thống ngân hàng, các địa phương tiếp tục có các biện pháp tích cực hơn nữa hỗ trợ sản xuất công nghiệp. Đặc biệt là hỗ trợ đầu ra cho sản xuất thông qua các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong nước. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại mở rộng đơn hàng xuất khẩu, khơi thông lượng hàng hóa tồn kho cao. Cùng đó, có các chính sách giúp doanh nghiệp thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn, duy trì và đẩy mạnh sản xuất...
Theo Báo Tin tức/TTXVN