Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan
Đầu tiên, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, năm 2023 là năm tiếp tục lan tỏa sâu sắc và cụ thể hơn trong "chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp". Tư duy kinh tế là tư duy thị trường, khơi thông thị trường quyết định sản xuất bền vững, tín hiệu thị trường là chỉ dấu cho đầu vào sản xuất. Tư duy kinh tế là "chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị".
"Tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi… là mục tiêu cuối cùng. Muốn vậy, phải kết hợp nông nghiệp với công nghiệp chế biến từ sơ đến sâu, dịch vụ thương mại nông sản, du lịch nông nghiệp nông thôn, khởi nghiệp nông nghiệp, kinh tế tập thể", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tư duy thị trường, tích hợp đa giá trị phải được cụ thể hoá trong từng chiến lược, đề án, dự án, quy hoạch, chương trình hợp tác quốc tế… tư duy tích hợp đa giá trị phải trở thành "phản xạ" của các lãnh đạo đơn vị, hình thành thói quen trong trao đổi công việc hằng ngày giữa các lãnh đạo cục, vụ, trung tâm, viện, trường với các địa phương.
Thứ hai, thực hiện bằng được mục tiêu "chuẩn hoá". Chuẩn hoá từ giống, quy trình canh tác, nuôi trồng; chuẩn hoá quy trình thu hoạch và sau thu hoạch; chuẩn hoá vùng nguyên liệu với mã vùng trồng, vùng nuôi, ao nuôi, mã cơ sở đóng gói; chuẩn hoá quy trình kiểm dịch động vật, thực vật, chất lượng và an toàn thực phẩm. Chuẩn hoá quy trình thủ tục, tiến độ tiếp nhận, xử lý, giao trả hồ sơ đăng ký cấp phép, cấp giấy chứng nhận và các yêu cầu khác của doanh nghiệp theo hướng công khai, minh bạch.
Giải pháp tiếp theo là thực hiện tư duy kiến tạo và khởi tạo trong nông nghiệp thông qua việc tham mưu cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp. Tư lệnh ngành nông nghiệp nhấn mạnh: "Thiết kế chính sách phải phù hợp cơ chế thị trường, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, của xã hội và đối tượng thụ hưởng, đồng thời phục vụ mục tiêu hợp tác, liên kết và hình thành chuỗi ngành hàng".
Giải pháp thứ tư là triển khai chủ trương tri thức hoá nông dân, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp.
Cần huy động các viện, trường, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài ngành, các cơ quan truyền thông có chương trình huấn luyện nông dân tiếp cận tư duy kinh tế nông nghiệp, tư duy thị trường, thương mại điện tử, kỹ năng làm nông mới, giá trị và kỹ năng làm du lịch nông nghiệp, nông thôn.
"Tri thức hoá nông dân, xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp chính là giải pháp nâng cao năng lực thích ứng với tư duy mới cho nông dân", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ.
Thứ năm, triển khai Chiến lược khoa học công nghệ. Trong đó, tập trung đưa khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học, hữu cơ… về với làng quê nông thôn.
Giải pháp thứ sáu là tạo sự chuyển động mạnh mẽ trong vận hành bộ máy. Để chuyển đổi nền nông nghiệp, bộ máy của chúng ta cần chuyển động nhanh hơn, chủ động tiếp cận cái mới, tiếp thu những điều mới.
Bộ NN&PTNT sẽ tập trung phát triển Big data của ngành nông nghiệp.
Thứ bảy, đẩy mạnh chuyển đổi số một cách thực chất, hiệu quả, tiết kiệm, gắn với kêu gọi sự hỗ trợ, tư vấn của các doanh nghiệp, hiệp hội công nghệ thông tin chuyên nghiệp.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trong một bức tâm thư gửi cho Bộ trưởng, một người tâm huyết với nông nghiệp đã bày tỏ rằng: "Big data, một số dữ liệu có thể đã có một phần, nhưng phần lớn dữ liệu theo thời gian thực (loại cây trồng, mùa vụ, diện tích, năng suất, sản lượng, chất lượng, dịch hại,...) phải qua smartphone của từng nông dân. Số hóa đầu vào của từng hộ nông dân chưa có, số hóa quy trình sản xuất, số hóa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lấy ở đâu? Số hóa thị trường, dự báo thị trường? Tất cả số liệu nếu không có những app, phần mềm miễn phí, dễ tiếp cận dành cho nông dân thì sẽ không có big data. Bộ NN&PTNT phải là 'bà đỡ' cho những phần mềm này".
Giải pháp nữa là nâng cao chất lượng đào tạo theo tư duy mở của các viện, trường, tổ chức thí điểm xây dựng hệ hoặc trường cấp 3 nông nghiệp trong các trường cao đẳng, đại học.
Cuối cùng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng năm 2023 là năm tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp, bởi theo Bộ trưởng"hệ sinh thái nông nghiệp sẽ giúp chúng ta đi nhanh hơn và đi xa hơn. Muốn có hệ sinh thái mở rộng và bền chặt, chúng ta cần nhất quán tư duy mở".
Theo baochinhphu.vn