Những tháng đầu năm 2023, khi số lượng và quy mô đơn hàng giảm, cùng với đó là dự báo kinh tế vẫn còn khó khăn, các doanh nghiệp công nghiệp đã nỗ lực tăng tốc sản xuất với quyết tâm hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Nhiều giải pháp để vượt qua giai đoạn khó khăn đã được các doanh nghiệp xây dựng với lộ trình cụ thể nhằm mang lại giá trị cho phát triển.
Dây chuyền sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Công ty Cơ khí chính xác và chuyển giao công nghệ
(Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ).
Tăng tốc ngay từ đầu năm
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các doanh nghiệp công nghiệp đã trở lại guồng sản xuất, kinh doanh, với 100% công suất. Giám đốc Công ty cổ phần Long Mã (doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc xuất khẩu) Trình Tuấn Việt cho biết, công ty cố gắng duy trì ổn định sản lượng mỗi tháng hơn 600 nghìn sản phẩm, tạo việc làm cho gần 180 lao động chủ yếu là người địa phương, với thu nhập ổn định 8-20 triệu đồng/người/tháng. Năm 2023, công ty phấn đấu tăng 20-30% doanh thu so với năm 2022.
Còn Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Supertex Lê Đại Quảng thông tin, doanh thu của công ty năm 2022 giảm so với năm trước nên bước vào năm 2023, công ty đặt quyết tâm tăng tốc sản xuất ngay từ tháng đầu. Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, 250 lao động của công ty đã trở lại làm việc. Với thị trường dệt kim, thời gian này đang là giữa mùa vụ nên lượng hàng của công ty ổn định, máy móc đều phát huy 90-95% công suất.
Tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), Phó Tổng Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác và chuyển giao công nghệ (PMTT Group) Đinh Hồng Lương cho hay, công ty đã triển khai nhiều giải pháp về công nghệ, khắc phục đứt gãy về nguyên liệu và đơn hàng nên giữ được ổn định sản xuất trong chuỗi sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023 cả về doanh thu và các chỉ tiêu khác.
Thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu công nghiệp Phú Nghĩa Vũ Thanh Tuấn cho biết, Khu công nghiệp Phú Nghĩa hiện có 144 doanh nghiệp đang hoạt động, chủ yếu là các ngành hàng cơ khí, cơ khí chính xác, dược, điện, điện tử, thực phẩm, may mặc… góp phần tạo việc làm cho khoảng 18 nghìn lao động. Mặc dù, sang năm 2023, một số doanh nghiệp gặp khó khăn do nguồn nhập khẩu nguyên liệu bị ảnh hưởng, nhưng 100% các doanh nghiệp đều trở lại hoạt động sản xuất…
Còn theo Giám đốc Ban Quản lý Cụm công nghiệp Thanh Oai Bùi Đình Dư, cụm có hơn 70 doanh nghiệp may mặc, dược liệu, in, vật liệu xây dựng, cơ khí… đang hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 4.300 lao động. “Mặc dù gặp khó khăn từ quý IV-2022 đến nay, song hầu hết doanh nghiệp đều nỗ lực tăng tốc sản xuất, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, kế hoạch năm 2023”, ông Bùi Đình Dư nói.
Tương tự, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thống kê, các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp đều đang hoạt động với các tín hiệu sản xuất tích cực.