Hạ tầng giao thông phát triển chậm khiến ngành logistics khó phát triển, tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Hạ tầng dịch vụ và giao thông phát triển chậm
Logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
TS Đặng Vũ Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) nhìn nhận, ngành logistics Việt Nam đã có những thành công nhất định, được thể hiện qua chỉ số năng lực logistics (LPI), do Ngân hàng Thế giới công bố trong những năm gần đây. Tuy nhiên, chỉ số hải quan còn thấp (liên quan đến các quy định về thủ tục hành chính) nên sự phát triển dịch vụ logistics tại Việt Nam chưa tương xứng, trong đó có tới 3/4 đến từ chính sách mặt hàng của các bộ ngành, mà hải quan chỉ là cơ quan thực thi.
Theo thống kê VLA, những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ bình quân từ 14 - 16%/năm, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, đóng góp không nhỏ cho kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 732,5 tỷ USD trong năm 2022, khẳng định vị trí quan trọng của Việt Nam trên bản đồ thương mại quốc tế. Tuy vậy, hiện nay việc phát triển dịch vụ logistics hiện chưa tương xứng với tiềm năng hiện có và định hướng phát triển. Cụ thể, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng dịch vụ chậm, thiếu đồng bộ đang là “điểm nghẽn”, khiến ngành logistics chưa phát triển như kỳ vọng...
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, những năm qua đầu tư vào hạ tầng khá lớn, có những sân bay mới, bến cảng mới… nhưng vẫn chưa hoàn toàn đồng bộ. Bên cạnh đó, mặc dù số lượng doanh nghiệp ngành này rất đông nhưng chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên năng lực chủ yếu cung cấp dịch vụ trong phạm vi biên giới Việt Nam. Ngoài ra, nhân lực là chìa khóa cốt lõi, nhưng hiện tại đang thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp, đặc biệt là đội ngũ quản lý cấp trung. Ngoài ra, về công nghệ, dù đang trong thời đại 4.0, tác động của công nghệ tới các ngành là rất rõ nhưng sự áp dụng công nghệ trong ngành này chưa rõ.
"Vì có nhiều điểm nghẽn chưa được tháo gỡ mà chi phí logistics tại Việt Nam đang cao hơn nhiều nước trên thế giới (thế giới hiện chỉ khoảng 11%, còn Việt Nam khoảng 17%), làm hạn chế sức cạnh tranh và sức hấp dẫn đầu tư của nền kinh tế. Vì vậy, kéo giảm chi phí logistics trở thành một đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế...", ông Trần Thanh Hải chia sẻ.
Trong khi đó, anh Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc công ty TNHH xuất khẩu thủy sản Xuân Thành cho biết, hiện nay, các cảng biển và sân bay chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của ngành logistics, dẫn đến tình trạng quá tải và chậm trễ trong thủ tục xếp dỡ hàng hóa; trong khi kho bãi chưa đủ số lượng và chưa được đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất, gây khó khăn trong việc lưu trữ và quản lý hàng hóa.
Cụ thể tại doanh nghiệp, nếu sử dụng vận tải bằng đường thủy, công ty phải chi phí 10%/tổng giá trị sản phẩm; nhưng nếu sử dụng vận tải đường hàng không, chi phí sẽ gấp 2 lần tổng chi phí sản phẩm. Không dừng lại đó, vận tải đường biển phục vụ doanh nghiệp xuất khẩu cũng phụ thuộc hãng tàu nước ngoài. Do vậy, nhiều năm qua, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, trễ thời gian giao hàng do phải chờ giấy ghép container hoặc chờ chuyến do hãng tàu sắp xếp. Ngoài ra, thủ tục kiểm tra chuyên ngành chồng chéo giữa nhiều bộ, ngành khiến cho thời gian thông quan bị kéo dài, gây phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Nhiều giải pháp gỡ điểm nghẽn
Theo TS Đặng Vũ Thành, nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn của ngành này, trước tiên các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách kéo giảm chi phí logistics, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam. Các địa phương cũng cần nhanh chóng hình thành trung tâm logistics lớn, nâng cao hiệu quả liên kết liên vùng; cải thiện kết cấu hạ tầng và kết nối giao thông trong vùng, giữa cảng biển, cảng hàng không, kho bãi, khu công nghiệp để kéo giảm tỉ lệ chi phí logistics so với GDP của Việt Nam (hiện tại khoảng 18% GDP)…
Tương tự, theo các doanh nghiệp logistics, để nâng cao năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp, cần thiết phải giảm chi phí logictis xuống ít nhất bằng với mức chi phí chung trên toàn cầu. Để có thể làm được điều này, các cơ quan chức năng liên quan cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các sân bay và các cơ sở kho bãi hiện đại để nâng cao khả năng lưu thông, quản lý hàng hóa; đồng thời, tăng cường đầu tư vào hạ tầng giao thông trọng điểm là các tuyến đường vận tải, bao gồm cả đường bộ, đường sắt và đường thủy để nâng cao khả năng vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, cần tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, bao gồm việc giảm các quy định pháp lý hành chính rườm rà, giảm chi phí vận hành và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào ngành.
Ông Mike Bhaskaran, Giám đốc điều hành Tập đoàn, Công nghệ Kỹ thuật số DP world cho biết, để có thể hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực xuất nhập khẩu cũng như hỗ trợ doanh nghiệp ngành logistics phát triển, Việt Nam cần tăng cường khả năng hiển thị và tính minh bạch thông qua thúc đẩy phát triển các giải pháp công nghệ internet vạn vật, hệ thống theo dõi GPS; nâng cao chất lượng hoạt động dự báo xu hướng thị trường.
"Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần phải tự chủ động nỗ lực chuyển đổi số để tăng cường tự động hóa khâu quản trị, rút ngắn thời gian giao nhận hàng, gia tăng nội lực cung ứng. Đây là giải pháp hiệu quả để giảm chi phí logistics, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường", ông Mike Bhaskaran cho biết thêm.
Trong khi đó, TS Tôn Thất Tú, chuyên gia tư vấn quốc tế cho rằng, ở tầm vĩ mô, các cơ quan quản lý, nhà nước có thể khuyến khích sự áp dụng các công nghệ mới tại các kho bãi, cảng mới như: tự động hóa kho, hệ thống quản lý vận tải và trao đổi dữ liệu điện tử (EDI). Điều này sẽ giúp cải thiện hiệu quả và độ chính xác của hoạt động vận tải hàng hóa. Mặt khác, Chính phủ có thể thiết lập các đối tác với các doanh nghiệp tư nhân để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ vận tải hàng hóa, đặc biệt là trong những lĩnh vực mà đầu tư tư nhân bị giới hạn. Đồng thời, Chính phủ cần đẩy mạnh việc khuyến khích vận tải xanh để cung cấp các dịch vụ vận tải hàng hóa thân thiện với môi trường hơn, chẳng hạn như sử dụng các phương tiện điện hoặc giảm thiểu lượng chất thải đóng gói, điều này sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động logistics bền vững và giảm thiểu tác động của ngành công nghiệp này đến môi trường trong thời gian tới.
Theo Báo Tin tức