Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thuý - chuyên gia Chính sách phát triển công nghiệp - Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), công nghiệp hỗ trợ là một trong những lĩnh vực trọng điểm để Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế và tăng cường khả năng cạnh tranh.
Chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp tư nhân trong nước đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Ảnh Quang Thái
Tuy nhiên trên thực tế, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những lĩnh vực phát triển dưới tiềm năng. Theo số liệu thống từ Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), hiện cả nước có khoảng 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó có khoảng 300 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 1, tập trung chủ yếu ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, 85% các doanh nghiệp này có quy mô vừa và nhỏ.
Dẫn chứng số liệu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), PGS, TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng: Chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp tư nhân trong nước đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và chỉ có khoảng 26,6% giá trị đầu vào được mua tại Việt Nam, bao gồm cả các công ty FDI đang hoạt động tại Việt Nam.
Chính sự “thiếu hụt” của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã khiến cho môi trường đầu tư của Việt Nam trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Đồng thời, khiến cho sức lan toả của khu vực FDI vào nền kinh tế trong nước chưa được đánh giá cao.
Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI trong thời gian tới được dự báo ngày càng trở nên gay gắt bởi những rủi ro địa chính trị, rủi ro kinh tế, rủi ro công nghệ, rủi ro khí hậu và sự phân mảnh toàn cầu đang gia tăng.
Cụ thể, theo PGS, TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội: Trong bối cảnh toàn cầu hoá, địa chính trị trở thành yếu tố quan trọng trong việc đánh giá sự ổn định kinh tế và chính trị toàn cầu. Chỉ số rủi ro địa chính trị (GPR) tăng vọt từ năm 2023 đến đầu năm 2024, đặt vấn đề địa chính trị vào vị trí trung tâm trong các rủi ro mà quốc gia và doanh nghiệp FDI cần quan tâm khi ra quyết định đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Trung Quốc suy giảm, đối mặt với tăng trưởng chậm kéo dài do các thách thức, dân số già, mức nợ cao, khủng hoảng bất động sản và chậm trễ trong cải cách, ảnh hưởng đến triển vong tăng trưởng FDI toàn cầu. Trong bối cảnh đó, để tạo cơ hội thu hút FDI thì phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng.
Để tạo cơ hội thu hút FDI thì phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng. Ảnh Danh Lam
Theo PGS, TSKH Nguyễn Mại, một trong những mục tiêu quan trọng của thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài là gia tăng mối quan hệ giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước theo chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng nhanh chóng số lượng, quy mô, chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập có hiệu quả với kinh tế thế giới.
Đặc biệt, tăng liên kết giữa khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước cũng là một trong những giải pháp để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nhằm đạt được mục tiêu thu hút FDI chất lượng cao được Bộ Chính trị đưa ra tại Nghị quyết 50/NQ-BCT về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Liên kết giữa khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước sẽ mang lại những cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa. Cụ thể, khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng tỷ lệ nội địa hoá tại Việt Nam, điều này có lợi hơn so với việc họ phải nhập, linh phụ kiện từ nước ngoài để đáp ứng hoạt động sản xuất. Còn đối với doanh nghiệp Việt Nam, sẽ có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tiếp cận công nghệ của nước ngoài, nâng cao trình độ, năng lực sản xuất.
Tuy nhiên, một trong những lý do khiến doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa liên kết được với doanh nghiệp FDI là bởi “trình độ” của doanh nghiệp Việt Nam vẫn thua xa so với doanh nghiệp FDI. Đây là rào cản khiến họ khó đi đến hợp tác. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn chưa có những quy định bắt buộc các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam phải gia tăng sự kết nối, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp trong nước, điều này khiến một số doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam chỉ để tận dụng lao động giá rẻ và những chính sách ưu đãi đầu tư.
Để thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần rút ngắn khoảng cách về trình độ, công nghệ đang trở thành một trong những hàng rào vô hình, cản trở sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, Việt Nam cần tạo cơ chế thúc đẩy thành phần kinh tế tư nhân trong nước phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó kéo gần khoảng cách với doanh nghiệp nước ngoài. Muốn làm được như vậy, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cơ quan chức năng, bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng cần chủ động nâng cấp năng lực, chủ động đầu tư công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của đối tác nước ngoài.
Theo Nguyễn Hòa/congthuong.vn