Cán bộ, công chức, viên chức mong muốn được tăng lương từ đầu năm 2023
Thạc sĩ LÊ THỊ THU HIỀN - Học viện Chính trị khu vực II: Cần sớm cải cách tiền lương
Là viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tôi và các đồng nghiệp rất phấn khởi và có sự khích lệ khá lớn trước thông tin Chính phủ trình Quốc hội tăng lương cơ sở. Tôi cho rằng, việc tăng lương cơ sở cần được triển khai ngay từ đầu năm 2023, bởi lần tăng lương gần đây nhất cũng đã hơn 3 năm (từ 1-7-2019). Trong khi đó, nhìn vào khối lượng công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), nhất là tại TPHCM sẽ thấy áp lực mà họ phải đối mặt hàng ngày là rất lớn. Đặc biệt, kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra đã cho thấy những khó khăn mà đội ngũ này phải vượt qua, nhiều phần việc họ phải đảm nhận, rõ ràng tiền lương vốn dĩ chưa tương xứng nay lại càng “không thấm vào đâu” với công sức họ bỏ ra.
Việc chậm cải cách tiền lương có thể dẫn đến một số hệ lụy. Cụ thể, làn sóng thôi việc của CBCCVC đang và sẽ tiếp tục diễn ra bởi tăng lương cơ sở chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ đời sống của họ. Việc trả lương ở khu vực công lại có tính chất cào bằng, chưa đảm bảo công bằng cho người lao động. Áp lực công việc ở khu vực công rất cao, có quá nhiều quy định, quy chế ràng buộc hành chính; tình trạng “chân trong, chân ngoài”, thậm chí “chân ngoài dài hơn chân trong” của CBCCVC sẽ dẫn đến chất lượng phục vụ của nhà nước sẽ bị giảm sút, tham nhũng, tiêu cực sẽ có cơ hội nảy sinh.
* Bà PHẠM THỊ NGỌC DUNG - Công chức bộ phận một cửa, UBND phường Bình Hưng Hoà A, quận Bình Tân, TPHCM: Thêm động lực để cống hiến
Phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân là một trong những phường đông dân nhất TPHCM, trong khi số lượng CBCCVC bằng các phường khác nên công việc của mỗi người phải đảm nhận mỗi ngày rất lớn. Trung bình mỗi ngày, một mình tôi giải quyết hồ sơ cho 150 người dân. Công việc nhiều nhưng thu nhập quá thấp, chưa đủ trang trải cho gia đình. Chúng tôi thường nói vui là công chức, viên chức làm việc vì đam mê chứ không phải thu nhập.
Hy vọng sắp tới, mức lương tăng tương xứng với công sức CBCCVC ở từng khu vực, từng đơn vị. Mong rằng việc tăng lương được thực hiện hàng năm để CBCCVC thấy những nỗ lực, đóng góp của mình được ghi nhận, có thu nhập đủ sống chứ không phải phụ thuộc vào gia đình như hiện nay.
* Ông NGÔ VĂN HỒNG - Trưởng ban Thanh tra nhân dân, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TPHCM: Tăng lương càng sớm càng tốt
CBCCVC ở các đô thị lớn đang phải làm việc với cường độ cao, đặc biệt là sau khi thực hiện tinh giản biên chế. Trong khi đó, thu nhập chưa tương xứng nếu không muốn nói là quá thấp khiến một số CBCCVC phải “làm này, làm kia” hoặc xin nghỉ việc.
Hiện nay, một số CBCCVC có điều kiện kinh tế khá dường như không quan tâm đến lương, còn lại đa số phụ thuộc vào tiền lương. Giá cả leo thang, tiền lương lại không theo kịp nên CBCCVC dù đã làm nhiều năm nhưng thu nhập vẫn thấp hơn mức sống tối thiểu. Để CBCCVC thu nhập đủ nuôi gia đình, yên tâm công tác, cống hiến thì việc tăng lương là rất cần thiết và thực hiện càng sớm càng tốt. Qua đó cũng khích lệ họ tiếp tục nỗ lực phục vụ nhân dân.
* Ông NGUYỄN CÔNG BÌNH - Nguyên Phụ trách Thanh tra Sở Du lịch TPHCM: Đã trễ hẹn 2 lần rồi
Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, khi chúng ta khôi phục lại nền kinh tế thì giá cả tăng cao do nhiều nguyên nhân. Lương chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống đã khiến cho gần 40.000 CBCCVC, phần đông là những người phục vụ trong ngành giáo dục, y tế... nghỉ việc.
Do vậy, khi nghe thông tin tăng lương cơ sở, chúng tôi rất phấn khởi. Tôi thấy thời điểm đầu năm 2023 là phù hợp nhất. Khi đề xuất tăng lương cơ sở, chúng ta cũng đã cân nhắc ngân sách để chi trả. Tăng lương cơ sở đâu phải việc gì mới mẻ mà phải lần lữa, chí ít nhà nước đã trễ hẹn 2 lần rồi!
* Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TPHCM) nêu quan điểm, tăng lương cơ sở là việc cần thiết. Tuy nhiên, nếu áp dụng tăng lương tổng thể đối với toàn xã hội thì cần số tiền lớn, bởi điều kiện ngân sách đang còn khó khăn. Vì vậy, đề xuất phương án lựa chọn đối tượng, nhóm người yếu thế để tăng lương, tránh tình trạng tăng đồng loạt.
Theo sggp.org.vn