Nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm và minh bạch trong truy xuất nguồn gốc trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Tuy nhiên, trong bối cảnh bất định, đặc biệt là việc Hoa Kỳ dự kiến xem xét lại thuế đối ứng sau 90 ngày thì việc nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm và minh bạch trong truy xuất nguồn gốc trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây được xem là những yếu tố then chốt để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 65 tỷ USD, phấn đấu đạt 70 tỷ USD trong năm nay.
Kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã đưa ra với 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để có thể đạt được mục tiêu trên và giá trị gia tăng toàn ngành đạt từ 4% trở lên. Trong đó, việc nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng và đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường quốc tế là định hướng xuyên suốt.
Một trong những yêu cầu quan trọng và bắt buộc từ nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… là thực hiện đầy đủ các quy định về truy xuất nguồn gốc, tem nhãn, mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, tiêu chuẩn kiểm dịch và chất lượng sản phẩm. Đáp ứng các yêu cầu này không chỉ giúp hàng hóa Việt Nam thuận lợi hơn khi xuất khẩu mà còn góp phần nâng cao uy tín và giá trị thương hiệu nông sản Việt trên thị trường toàn cầu.
Trong bối cảnh thị trường Hoa Kỳ tiềm ẩn rủi ro về thuế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động điều chỉnh chiến lược, tranh thủ đẩy mạnh giao hàng trong thời gian tạm hoãn áp thuế và tích cực mở rộng sang các thị trường khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông... Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng xác định, việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường, đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào các thị trường truyền thống, thị trường mới nhiều tiềm năng với phương châm đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, góp phần từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc.
Trong số các thị trường mới, Brazil đang nổi lên như một điểm đến chiến lược, đặc biệt đối với mặt hàng thủy sản như cá tra. Trước đây, các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về phụ gia và phosphate của Brazil từng gây không ít trở ngại cho doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, việc quốc gia này xem xét điều chỉnh tiêu chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế sẽ mở ra cơ hội lớn. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí kiểm định mà còn tạo điều kiện thuận lợi để xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu như cá tra tẩm bột, từ đó góp phần đa dạng hóa danh mục và nâng cao giá trị xuất khẩu.
Song song với các giải pháp mở cửa thị trường, ngành nông nghiệp cũng đẩy mạnh việc tổ chức lại sản xuất theo hướng quy mô lớn, tập trung, nâng cao chất lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, để tiến sâu hơn vào các thị trường khó tính, Việt Nam cần làm tốt hơn nữa việc cấp mã số vùng trồng, mã số đóng gói, kiểm dịch… Những quy định này tuy không mới, nhưng là điều kiện tiên quyết để khẳng định chất lượng và tính minh bạch của sản phẩm.
Không chỉ nông sản, ngành gỗ Việt Nam cũng đang đứng trước yêu cầu cao hơn về quản lý nguồn gốc nguyên liệu. Nhiều quốc gia nhập khẩu gỗ lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã và đang áp dụng các quy định pháp luật nhằm đảm bảo tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm. Trong đó, Quy định không gây mất rừng (EUDR) của EU sẽ chính thức có hiệu lực vào cuối năm 2025 với các công ty lớn và năm 2026 với doanh nghiệp nhỏ, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư vào chuyển đổi số, hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch và chứng chỉ rừng bền vững.
Việt Nam hiện khai thác khoảng 22 - 23 triệu m3 gỗ rừng trồng mỗi năm, đã có hơn 500.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC hoặc PEFC và hướng tới mục tiêu đạt 1 triệu ha có chứng chỉ vào năm 2030. Việc triển khai công nghệ truy xuất nguồn gốc hiện đại, kết hợp với quản trị chuỗi cung ứng theo tiêu chuẩn xanh và phát triển bền vững sẽ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh cho gỗ Việt Nam.
Cùng với đó, việc xây dựng thương hiệu “Nông sản Việt” đang được chú trọng nhằm nâng cao giá trị và hình ảnh sản phẩm trên thị trường quốc tế. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, Bộ đang nghiên cứu xây dựng Nghị định về thương hiệu nông sản, tạo nền tảng pháp lý cho việc bảo vệ và phát triển các sản phẩm chủ lực. Đây không chỉ là câu chuyện của chất lượng, mà còn là chiến lược dài hơi để định vị nông sản Việt trên bản đồ xuất khẩu thế giới.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng xây dựng Bộ tiêu chí phân loại thị trường, xác định chỉ tiêu xuất khẩu theo tiểu ngành, lĩnh vực và thị trường, đặc biệt thị trường còn nhiều tiềm năng; xây dựng báo cáo thị trường xuất khẩu nông sản, giải pháp ứng phó đối với những thay đổi liên quan đến thuế, xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật… tại các thị trường Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc.
Khi thế giới ngày càng quan tâm đến yếu tố bền vững, an toàn và minh bạch, việc đầu tư bài bản vào chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc và thương hiệu chính là chiếc chìa khóa để nông lâm thủy sản Việt Nam chinh phục thành công các thị trường, tiến tới một vị thế vững chắc trên toàn cầu.
Theo Bích Hồng/ TTXVN